-- Đã xong -- Xây dựng chính quyền đô thị Hải Phòng tinh gọn, hiệu quả

21/11/2024 17:50

Chiều 21/11, phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị Tp. Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh tới yêu cầu tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn; tăng cường phân cấp, phân quyền để đảm bảo hoạt động hiệu quả, thích ứng linh hoạt;...

Tổ chức mô hình chính quyền đô thị phù hợp để Hải Phòng phát triển năng động

Toàn cảnh phiên họp

Tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, mục đích chung của việc thành lập chính quyền đô thị của Tp. Hải Phòng là thể chế hóa nghị quyết của Đảng, thực hiện nghị quyết cũng như là kết luận của Bộ Chính trị. Đồng thời, trong quá trình thực hiện việc xây dựng chính quyền đô thị Hải Phòng đã đảm bảo được tính kế thừa, cơ bản đồng bộ với Thành phố Chí Minh, Đà Nẵng và có lựa chọn bổ sung thêm một số vấn đề phù hợp với thực tiễn tại Tp. Hải Phòng.

Cùng với đó, việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng cũng để thu gọn cấp chính quyền. Theo đó, với Tp. Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, chỉ có 1 cấp chính quyền và thống nhất một chế độ công vụ, tăng cường phân cấp, phân quyền để đảm bảo chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động năng động, tự chủ, thích ứng linh hoạt, phù hợp với vai trò, tính chất đặc thù, đặc trưng của đô thị. Ngoài ra, trong quá trình thiết kế, những vấn đề thực tiễn Bộ Nội vụ đã tiếp thu, đưa vào dự thảo Nghị quyết để thực hiện; có những vấn đề bổ sung thêm để làm rõ hơn trong vận hành của chính quyền đô thị Tp. Hải Phòng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết đã gắn kết việc thực hiện chính quyền đô thị của Tp. Hải Phòng với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của cả nước. Vì vậy, sắp xếp ở Tp. Hải Phòng là "tiên phong" 4 đề án, trong đó có sắp xếp một số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã tương đối lớn. Theo đó, đã sắp xếp 101 đơn vị hành chính cấp xã và chỉ còn lại 50 đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp.

Tăng cường phân cấp, phân quyền

Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các vị ĐBQH tại phiên thảo luận, Bộ trưởng cho rằng, cần phải đánh giá, tổng kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị thời gian vừa qua. Theo đó, hiện nay, Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ để tổng kết toàn bộ việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong thiết kế, Bộ đã dự kiến dành một chương riêng cho chính quyền đô thị theo hướng, chính quyền đô thị trực thuộc Trung ương, chính quyền đô thị trực thuộc tỉnh. “Thiết kế hết sức cụ thể để rành mạch giữa chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn, chính quyền hải đảo, chính quyền kinh tế đặc thù. Tức là, phải rất rõ trong sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương tới đây..”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan tới đề nghị đặt vấn đề về cách thức dùng từ “siêu đô thị” hay “đô thị lớn”, Bộ trưởng nêu rõ, chính quyền địa phương hiện hành không sử dụng như vậy mà dùng thuật ngữ thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, đề xuất này của đại biểu sẽ được nghiên cứu thêm để có căn cứ đánh giá cho phù hợp với xu thế chung của các nước và cũng phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong việc phát triển đô thị cũng như xây dựng chính quyền đô thị.

Về tên gọi, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết thực chất tên thành phố trong thành phố cũng nằm trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. "Chúng ta cứ nói như vậy nhưng thực ra để cho rõ và dễ hiểu, còn về bản chất Thủ Đức vẫn gọi là thành phố Thủ Đức, còn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ Đức khác với các thành phố khác nếu có của TP.HCM sau này. Bởi vì, đó là thành phố thuộc thành phố thì quy mô, tính chất, đặc thù của thành phố Thủ Đức cũng phải khác để sau này sẽ đánh giá được theo căn cứ trên cơ sở phân loại", Bộ trưởng nêu rõ.

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Đối với băn khoăn về tổ chức bộ máy của thành phố Thủy Nguyên, tức là thành phố trong thành phố, Bộ trưởng cho biết, Thủy Nguyên thời gian tới sẽ là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của Tp. Hải Phòng, trở thành trung tâm hành chính, chính trị của thành phố. Tuy nhiên, về quy mô dân số cũng như quy mô về tốc độ phát triển kinh tế các mặt không thể so sánh với thành phố Thủ Đức. Do đó, không thể tăng được số lượng cán bộ, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cũng như các ban của Hội đồng nhân dân Thủy Nguyên. 

Ngoài ra, về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân, Bộ trưởng cho rằng, trong quá trình vận hành cơ cấu Trưởng Công an quận, phường và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận là cực kỳ cần thiết để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện. Mặt khác, Quốc hội cũng đã cho thực hiện đối với Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở Nghị quyết 131 và cho thực hiện đối với Đà Nẵng trên cơ sở Nghị quyết 136, vì vậy Bộ trưởng Bộ Nội vụ mong muốn đại biểu Quốc hội ủng hộ như quy định tại dự thảo Nghị quyết để đảm bảo được sự lãnh đạo toàn diện, đặc biệt là trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh./.

Lê Anh