Thông cáo số 10 kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

03/11/2017 17:36

Thứ sáu, ngày 03-11-2017, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì.

 Buổi sáng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

1. Từ 8 giờ 00: Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Trong quá trình thảo luận, có 17 lượt đại biểu thảo luận, 01 lượt đại biểu tranh luận, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:

- Về sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung và đối tượng điều chỉnh của Luật: Cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ; đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của cơ quan đại diện, nguyên tắc quản lý cơ quan đại diện về hành chính và chuyên môn; bổ sung quy định về một số nhiệm vụ của cơ quan đại diện; mở rộng nguồn đối tượng được xem xét, bổ nhiệm Đại sứ.

- Về tiêu chuẩn thành viên cơ quan đại diện và tiêu chuẩn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền: Cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật; cần cụ thể hơn một số tiêu chuẩn, đồng thời, cần linh hoạt để huy động được cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, hiểu biết sâu địa bàn; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong bổ nhiệm Đại sứ, thành viên cơ quan đại diện; xác định cụ thể các trường hợp, thời gian kéo dài nhiệm kỳ của Đại sứ.

- Về chế độ và tiêu chuẩn của thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện: Tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số chế độ; đồng thời, đề nghị bổ sung một số chế độ cụ thể phù hợp với điều kiện công tác.

- Về phối hợp công tác giữa cơ quan đại diện và đoàn công tác đi nước ngoài: Khẳng định sự cần thiết, nhưng đề nghị có phương án bảo đảm tính khả thi của quy định.

- Về quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện ở nước ngoài: Tán thành cần có quy định riêng để phù hợp với đặc thù, đồng thời, cần sửa Luật Đầu tư công nhằm bảo đảm sự thống nhất.

­- Về kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan đại diện, quản lý kinh phí cho hoạt động thương mại và một số vấn đề khác về kỹ thuật lập pháp…

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

2. Từ 10 giờ 30: Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; xem phim tài liệu thuyết minh Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Trong quá trình thảo luận, có 17 lượt đại biểu phát biểu và 01 lượt đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung sau đây:

- Về phạm vi, giải thích từ ngữ: Cơ bản thống nhất với phạm vi nợ công như dự thảo Luật, nhưng đề nghị cân nhắc thêm một số khoản vay của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tự vay, tự trả, nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ; bổ sung thêm một số giải thích từ ngữ.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công: Cơ bản tán thành quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; cân nhắc việc không quy định cụ thể trong Luật, giao Chính phủ phân công các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận, sử dụng vốn vay hoặc được bảo lãnh vay vốn.

- Về chỉ tiêu an toàn nợ công: Cơ bản tán thành quy định chỉ tiêu an toàn nợ công như dự thảo Luật và bổ sung chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với dự trữ ngoại hối.

- Về quản lý cho vay lại và vay nước ngoài của Chính phủ: Cần quy định trách nhiệm của cơ quan cho vay lại, bên vay lại, điều kiện được vay lại theo hướng đầy đủ, chặt chẽ hơn.

- Về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; Quỹ tích lũy trả nợ; hành vi bị cấm trong quản lý nợ công; kỹ thuật lập pháp;…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thứ hai, ngày 06-11-2017, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường. Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Phiên họp này sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi. 

(Văn phòng Quốc hội)