THÔNG CÁO SỐ 14, KỲ HỌP THỨ 6 QUỐC HỘI KHÓA XIV

07/11/2018 17:09

Ngày 07/11/2018, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), Luật Chăn nuôi và nghe trình dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)...

Buổi sáng

Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Trong quá trình thảo luận đã có 20 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 01 đại biểu phát biểu tranh luận về Dự án luật. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nội dung Dự thảo Luật, đồng thời đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội về một số nội dung cụ thể và kỹ thuật xây dựng văn bản của Dự thảo Luật, như: các hành vi bị nghiêm cấm; đặc xá đối với người nước ngoài; trình tự, thời gian thực hiện đặc xá; đặc xá trong trường hợp đặc biệt; các biện pháp bảo đảm để người đặc xá thuận lợi tìm công việc tái hòa nhập cộng đồng; trách nhiệm, thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân như quyền kháng nghị; bổ sung quyền, trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; về thời điểm có hiệu lực của luật và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật trong kết cấu một số điều luật, cách dùng thuật ngữ cho thống nhất trong Dự thảo luật; quy định thời hạn về một số thời điểm trong quá trình xét đặc xá và trách nhiệm của Hội đồng tư vấn đặc xá v.v...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thay mặt cho các cơ quan giải trình báo cáo, làm rõ thêm một số nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Tổng thư ký Quốc hội sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tổng hợp các ý kiến phát biểu của các vị ĐBQH về Dự án Luật và gửi đến các vị ĐBQH theo quy định; đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của các vị ĐBQH, hoàn chỉnh Dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua vào ngày 20/11/2018.

 Buổi chiều

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Tiếp đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi và thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Trong quá trình thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi đã có 14 đại biểu phát biểu ý kiến. Theo đó, đa số các đại biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, các vị ĐBQH cũng đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề cụ thể, như sau: i) Về chính sách của Nhà nước đối với chăn nuôi, có nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với quy định như trong Dự thảo luật, đồng thời đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch phát triển chăn nuôi; có chính sách hợp lý đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; đảm bảo cơ cấu nguồn lực, cơ chế chính sách cho nhóm nông dân khởi nghiệp. ii) Về các hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn để tránh bỏ sót hành vi nghiêm cấm; đồng thời bổ sung thêm hành vi nhập khẩu gia súc, gia cầm kém chất lượng từ nước ngoài. iii) Về vấn đề quản lý giống vật nuôi, một số ý kiến đại biểu đề nghị Dự thảo luật cần quy định cụ thể việc quản lý đối với từng giống vật nuôi. Ngoài ra, các vị đại biểu cũng cho ý kiến về vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, chăn nuôi động vật cảnh, chó, mèo; đối xử nhân đạo với vật nuôi; chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi…

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật này.

Thứ năm, ngày 08/11/2018, buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; nghe Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); thảo luận ở tổ về dự án Luật Kiến trúc. Buổi chiều, Quốc hội nghe Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5; Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và thảo luận tại tổ về dự án Luật này./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội