Kỳ họp thứ 7 Quốc hội
Buổi sáng
Thực hiện sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung phiên họp xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về 2 nội dung sau:
- Về Điều 33 của dự thảo Luật Kiến trúc: Phương án 1, “Có quy định Văn phòng Kiến trúc sư trong Luật Kiến trúc” và Phương án 2, “Không quy định Văn phòng Kiến trúc sư trong Luật Kiến trúc”. Quốc hội đã lựa chọn phương án 1: Có quy định Văn phòng Kiến trúc sư trong Luật Kiến trúc với: Số đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến là 429 đại biểu (bằng 88.64% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu Quốc hội đồng ý: 258 đại biểu (bằng 53.31%); Số đại biểu Quốc hội không đồng ý: 163 đại biểu (bằng 33.68%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 8 đại biểu (bằng 1.65%).
- Về phương án “đồng ý” và “không đồng ý” giao Chính phủ có thẩm quyền quy định danh mục các dự án dự phòng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn một nội dung trong phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Quốc hội đã lựa chọn phương án 1: Đồng ý giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát lại danh mục thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao phân bổ chung cho các bộ, ngành, địa phương và các dự án trên nguyên tắc đảm bảo cân đối được các nguồn vốn hàng năm và phải bố trí được trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và từ điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án theo thẩm quyền. Riêng các dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo Quốc hội và từ tăng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, đảm bảo quản lý, sử dụng vốn có hiệu quả theo đúng luật quy định. Cụ thể: Số đại biểu Quốc hội tham gia xin ý kiến là 439 (bằng 90.7% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu Quốc hội đồng ý: 299 đại biểu (bằng 61.78%); Số đại biểu Quốc hội không đồng ý: 129 đại biểu (bằng 26.65%); Số đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến: 11 đại biểu (bằng 2.27%).
Tiếp theo, Quốc hội thảo luận về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung phiên họp.
Trong quá trình thảo luận đã có 9 đại biểu phát biểu ý kiến. Đa số ý kiến đại biểu đồng tình về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98, đồng thời tập trung cho ý kiến về các nội dung cụ thể, như: Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 98; tính hợp hiến và mức độ phù hợp của Công ước số 98 với hệ thống pháp luật hiện hành, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi khi nước ta gia nhập Công ước. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sau khi Việt Nam ra nhập Công ước; Việc lập tổ chức đại diện cho người lao động; trách nhiệm thực hiện, bảo vệ tổ chức Công đoàn Việt Nam; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về việc chấp hành pháp luật, Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư; Nâng cao công tác tuyên truyền để các cơ quan nhà nước hữu quan, các cấp, các ngành, người lao động, các doanh nghiệp hiểu và đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện Công ước...Sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về nội dung của Công ước số 98.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Các đại biểu Quốc hội đã nhất trí cao về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98. Đây là một bước thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam trong quan hệ đa phương và song phương. Về hồ sơ gia nhập Công ước đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Điều ước quốc tế; đồng thời, khẳng định Việt Nam là quốc gia thành viên có trách nhiệm, tích cực trong các cam kết quốc tế. Thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội cả về nội dung, kỹ thuật lập pháp, nhất là những nội dung liên quan đến các cam kết quốc tế để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào ngày 14/6/2019.
Sau giờ giải lao, Quốc hội họp riêng, nghe, thảo luận về Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2018 và 2019. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.
Buổi chiều
Nội dung 1: Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Trong quá trình thảo luận đã có 13 đại biểu phát biểu ý kiến và 03 đại biểu tranh luận. Đa số đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước; một số ý kiến đề nghị cần có báo cáo về hoạt động của Kiểm toán nhà nước trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể như sau: Phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; Quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; bổ sung quy định để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; nhiệm vụ giám định tư pháp; Thẩm quyền của Kiểm toán nhà nước trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh kiểm toán nhà nước; Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán nhà nước; Quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng; Quy định một số nội dung để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Sau khi thảo luận, Tổng Kiếm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội đã được Ban thư ký Quốc hội ghi chép và phản ánh đầy đủ. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện Dự thảo Luật gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 8.
Nội dung 2: Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân. Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp.
Trong quá trình thảo luận đã có 07 đại biểu phát biểu ý kiến, 01 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết nhằm kịp thời bổ sung nguồn Thẩm phán cao cấp để đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và bảo đảm điều kiện để kiện toàn lãnh đạo TANDTC. Các đại biểu cũng thống nhất với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết như đã nêu trong nội dung Tờ trình của Chánh án TANDTC. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung, như: Tình hình triển khai thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2004 và nghị quyết số 81; Thực tế và nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao trong giai đoạn hiện nay; Giải pháp khắc phục để bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và kiện toàn lãnh đạo TANDTC; Điều kiện để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC; Việc chuẩn bị đội ngũ kế thừa; Đề nghị trình Quốc hội tổng thể về nguồn cán bộ, mở rộng đối tượng như Kiểm sát viên, Luật sư; Đề nghị cần có kế hoạch lâu dài trong ngành.
Sau khi thảo luận, Chánh án Tòa án NDTC Nguyễn Hòa Bình giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, làm rõ thêm các ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.
Thứ bảy, ngày 8/6/2019: Các cơ quan của Quốc hội làm việc theo chương trình riêng.
Thứ hai, ngày 10/6/2019: Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân; thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức./.