Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV
Buổi sáng
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
- Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thay mặt Ban soạn thảo trình bày Tờ trình của UBTVQH về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ sự cần thiết, mục đích, quan điểm chỉ đạo, quá trình xây dựng, bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung 15/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, tập trung vào một số nội dung như: sửa đổi, bổ sung quy định về đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về cơ bản tán thành với nội dung Tờ trình của UBTVQH, khẳng định sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, cho rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
- Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Theo đó, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu và những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết; khẳng định việc ban hành Nghị quyết là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn quá trình phát triển, yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội và chính quyền đô thị trên cả nước. Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về cơ bản tán thành với nội dung của Tờ trình; đồng thời khẳng định việc ban hành Nghị quyết này không chỉ thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị mà còn tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức Đại hội đảng bộ cấp phường nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới bầu cử HĐND các cấp và kiện toàn UBND phường nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, thảo luận tại Tổ, các đại biểu đã cho ý kiến về một số nội dung sau: Sự cần thiết ban hành Luật; tỷ lệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách; bộ máy giúp việc, địa vị pháp lý, kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH; quy định tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; vai trò, vị trí của ĐBQH; rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp Quốc hội;…
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, thảo luận tại Tổ, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Sự cần thiết ban hành Nghị quyết; việc tổ chức chính quyền địa phương tại thành phố Hà Nội; việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND quận, thị xã; quy định về tên gọi, địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, nhiệm vụ quyền hạn và cán bộ, công chức của UBND phường nơi thực hiện thí điểm.
Buổi chiều
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.
- Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Sự cần thiết, mục đích, quan điểm, phạm vi, bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật; khẳng định việc ban hành dự án Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định liên quan để đảm bảo tính thống nhất với Bộ luật Hình sự.
- Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật đã nêu rõ: Sự cần thiết, mục đích, quan điểm chỉ đạo, quá trình xây dựng luật, bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật; khẳng định việc ban hành Luật nhằm cụ thể hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia. Ngoài ra, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật đã nêu trong Tờ trình; đồng thời cho rằng, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động xuất nhập cảnh, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các đại biểu đã cho ý kiến về nội dung sau: sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật và tính thống nhất với các quy định của Luật với Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: sự cần thiết ban hành Luật; bổ sung các trường hợp được chuyển đổi mục đích của thị thực; bổ sung trường hợp được miễn thị thực “Vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ”; bổ sung điều kiện đơn phương miễn thị thực; cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; sửa đổi điều kiện nhập cảnh, điều kiện xuất cảnh; quy định về quản lý cư trú của người nước ngoài; về xây dựng, kết nối, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài; các mức góp vốn khi cấp thị thực cho nhà đầu tư; thời hạn tạm trú không quá 10 năm đối với nhà đầu tư có thẻ tạm trú ĐT1; quy định mức góp vốn tối thiểu đối với nhà đầu tư có ký hiệu thị thực ĐT4; việc sử dụng nguồn kinh phí xuất nhập cảnh được trích lại để nâng cao chất lượng công tác quản lý xuất nhập cảnh,…
Thứ tư, ngày 30/10/2019, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam./.