Thông cáo số 8 kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

31/05/2017 21:11

Ngày 31-5-2017, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Trong quá trình thảo luận, đã có 26 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:

- Về phạm vi điều chỉnh của Luật; đối tượng được bồi thường; quyền yêu cầu bồi thường; quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của người đại diện, người thừa kế của người bị thiệt hại; trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường; nguyên tắc giải quyết bồi thường của Nhà nước.

- Về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, trong tố tụng hình sự, tố tụng hành chính, thi hành án dân sự, thi hành án hình sự.

- Về thiệt hại được bồi thường (xác định thiệt hại; thiệt hại do tài sản bị xâm phạm trong tố tụng dân sự; tính thiệt hại theo mức lương tối thiểu hay lương cơ bản và khoảng thời gian tính thiệt hại; mức bồi thường và đối tượng được bồi thường thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết); các thiệt hại Nhà nước không bồi thường.

- Về cơ quan giải quyết bồi thường (mô hình phân tán hay mô hình cơ quan chuyên trách); nguyên tắc chung về xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự; xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong trường hợp Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung, cơ quan điều tra ra kết luận điều tra bổ sung hoặc giữ nguyên kết luận điều tra ban đầu nhưng Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

- Về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường (hồ sơ yêu cầu bồi thường; thủ tục tiếp nhận và xử lý hồ sơ; thương lượng trong giải quyết bồi thường).

- Về phục hồi danh dự (các trường hợp được phục hồi danh dự; việc cơ quan quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại chủ động xin lỗi, cải chính công khai hay phải có yêu cầu của người bị thiệt hại; địa điểm, trình tự, thủ tục, thành phần tham gia xin lỗi, cải chính công khai).

- Về trách nhiệm hoàn trả (nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ; xác định mức hoàn trả; nguyên tắc xác định lỗi của người thi hành công vụ; trách nhiệm liên đới bồi hoàn trong trường hợp có nhiều công chức thuộc nhiều cơ quan tiến hành tố tụng gây oan; thời hạn hoãn việc hoàn trả; thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả; thực hiện việc hoàn trả; trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ chết.

- Về kinh phí bồi thường và lập dự toán kinh phí bồi thường; về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, từ 14 giờ 00 đến 15 giờ 30, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Trong quá trình thảo luận, đã có 17 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:

- Đánh giá kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV đến nay; nguyên nhân của các bất cập, hạn chế và kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện chương trình.

- Về công tác lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; nguyên tắc chỉ đạo lựa chọn các dự án đưa vào chương trình; hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; xác định thứ tự ưu tiên của các dự án luật, pháp lệnh...

- Về các dự án dự kiến đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017: cơ bản nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề nghị xem xét bổ sung một số dự án (sửa đổi: Luật tổ chức Chính phủ; Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức, Luật Công an nhân dân, các luật thuế để thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm; ban hành: Luật đối tác công tư, Luật Nhà giáo, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở...); đề nghị điều chỉnh thời hạn trình một số dự án (Luật An ninh mạng, Luật Dân số); xác định thời hạn trình dự án Luật về hội, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); bổ sung vào chương trình năm 2017, 2018 việc sửa đổi các dự án luật để bảo đảm thống nhất với Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; bổ sung dự án Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp trình tại kỳ họp thứ 4.

- Về một số biện pháp bảo đảm thực hiện chương trình.

Từ 15 giờ 50 đến 17 giờ 00, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp.

Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Trong quá trình thảo luận, đã có 12 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:

- Dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018.

- Về lựa chọn 2 trong 4 dự kiến nội dung giám sát chuyên đề để đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018: (1)-Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; (2)-Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; (3)- Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; (4)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Về nội dung và hình thức dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018; dự thảo Nghị quyết về giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018.

- Các giải pháp để đảm bảo hoàn thành chương trình đề ra, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

Thứ năm, ngày 01-6-2017, buổi sáng, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật này. Buổi chiều, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này.

(Văn phòng Quốc hội)