Ngày 16-6-2017, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.
Buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung.
Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Trong quá trình thảo luận, đã có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật;
- Về nguyên tắc quản lý nợ công; kế hoạch vay trả nợ công;
- Xử lý vi phạm pháp luật, quản lý sử dụng nợ công, quản lý rủi ro đối với nợ công;
- Về vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài:
- Chỉ tiêu an toàn chiến lược, chương trình và kế hoạch vay trả nợ công; Quỹ tích lũy trả nợ;
- Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công;
- Điều kiện được vay lại, điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ;
- Việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật…
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Từ 10 giờ 30, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung. Quốc hội đã nghe:
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm 02 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm 02 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Sau đó, Quốc hội đã thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn bổ nhiệm 02 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung.
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 5 - chính sách của nhà nước về phát triển đường sắt, Điều 6 - ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt và toàn văn Luật Đường sắt (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung.
Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Trong quá trình thảo luận, đã có 17 đại biểu Quốc hội phát biểu và 08 đại biểu tranh luận. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Sự cần thiết sửa đổi Luật; phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo; trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác giải quyết tố cáo;
- Nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo; thẩm quyền giải quyết tố cáo;
- Hình thức tố cáo: bằng đơn, tố cáo trực tiếp, tố cáo qua điện thoại, email, fax; tố cáo nặc danh và việc xử lý đơn tố cáo nặc danh;
- Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo;
- Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết tố cáo, rút tố cáo;
- Bảo vệ người tố cáo; các biện pháp bảo vệ; trình tự, thủ tục yêu cầu bảo vệ;, điều kiện bảo đảm; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; tính khả thi;
- Khen thưởng và xử lý vi phạm;
- Tính cụ thể, tính khả thi của dự án Luật và tiến độ ban hành Luật; việc tổ chức lấy ý kiến, đánh giá tác động…
Sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ bảy, ngày 17-6-2017, các cơ quan của Quốc hội làm việc theo chương trình riêng.
Chủ nhật, ngày 18-6-2017, Quốc hội nghỉ.
Thứ hai, ngày 19-6-2017, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, tiếp tục xem xét, quyết định về công tác nhân sự và thảo luận về dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); buổi chiều, biểu quyết thông qua một số luật, nghị quyết.