Trong quá trình thảo luận, đã có 46 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Những kết quả, hạn chế, yếu kém trong triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; nguyên nhân chủ quan, những bài học kinh nghiệm rút ra cho giai đoạn sắp tới;
- Các yếu tố tác động, mục tiêu, động lực của việc đổi mới mô hình tăng trưởng và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; các giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân;
- Về cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước; cải cách thể chế kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh; huy động các nguồn lực đầu tư trong toàn xã hội;
- Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;
- Việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng và quy hoạch ngành theo từng vùng; các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch, tập trung phát triển nhanh hơn các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…; về đầu tư hạ tầng để tăng liên kết ngang nội vùng và giữa các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và các tỉnh biên giới;
- Các chính sách phát triển giáo dục, đào tạo, y tế; việc đầu tư cơ sở, vật chất cho các trường học, trạm xá, đặc biệt là các trụ sở làm việc cấp xã; về mức lương và phụ cấp nghề nghiệp của nhà giáo; phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn;
- Các chính sách đối với người có công với cách mạng đảm bảo toàn diện thực hiện chính sách an sinh xã hội và chăm lo đời sống cho nhân dân; chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên nguồn lực đầu tư tập trung vào các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn;
- Các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào nông nghiệp; đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao để tăng năng suất lao động, giảm giá thành nâng cao chất lượng sản phẩm;
- Việc rà soát các chính sách đối với các khu vực tái định cư thủy điện, đặc biệt chú trọng giải quyết những vấn đề hậu tái định cư; về chính sách bảo vệ, phát triển rừng;
- Vấn đề ô nhiễm môi trường; công tác quy hoạch, điều hành, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm về môi trường; các giải pháp hỗ trợ cho nhân dân bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển miền Trung;
- Các chính sách bảo đảm an toàn thông tin mạng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
- Về đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển; tăng cường kỷ luật, kỷ cương bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương xuống địa phương; trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong khi thực thi công vụ;
- Các giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại…;
Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ nội vụ Lê Vĩnh Tân đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nêu.
Phiên họp đã được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi.
Thứ năm, ngày 03-11-2016, Quốc hội làm việc tại hội trường. Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội. Phiên họp sẽ được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp.