Buổi sáng:
Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng, an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội đọc Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; nghe Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh đọc dự thảo Nghị quyết.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết Điều 3, Điều 7 và thông qua toàn văn Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với 91,08% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội đọc Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết Điều 1 và thông qua toàn văn Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư với 83,16% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong phiên thảo luận, đã có 16 đại biểu Quốc hội phát biểu và 5 đại biểu tham gia tranh luận. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật; mối quan hệ giữa dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với các luật có liên quan;
- Về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ (doanh thu, quy mô vốn, số lượng người lao động);
- Về nội dung hỗ trợ cơ bản doanh nghiệp vừa và nhỏ (Chương II); chương trình hỗ trợ trọng tâm (Chương III) và tính khả thi của các nội dung, chương trình hỗ trợ này; nguyên tắc hỗ trợ; về nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; vấn đề lựa chọn nhóm doanh nghiệp để hỗ trợ; vấn đề khuyến khích hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển sang loại hình doanh nghiệp;
- Về việc thành lập và quản lý Quỹ khởi nghiệp, Quỹ đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo;
- Về trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp;
- Về vấn đề xã hội hóa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước và nước ngoài;
- Việc bãi bỏ, bổ sung, sửa tên, hợp nhất một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…
Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Buổi chiều:
Quốc hội thảo luận về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Trong phiên thảo luận, đã có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và tên gọi của dự án luật; mối quan hệ của dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) với các luật có liên quan;
- Về chính sách của Nhà nước về chuyển giao công nghệ nói chung và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng; vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ;
- Về các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học, công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ;
- Về nâng cao hiệu quả sử dụng các quỹ hỗ trợ chuyển giao công nghệ ; đưa ra tỉ lệ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ phù hợp hơn;
- Về thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư; kiểm toán giá chuyển giao công nghệ; công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ;
- Về công tác giám sát kiểm tra đối với hoạt động chuyển giao công nghệ để bảo đảm môi trường, hạn chế tình trạng đưa các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam…
Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh giải trình làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Quốc hội họp riêng, thông qua Nghị quyết dừng thực hiện Chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội đọc Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết dừng thực hiện Chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; nghe Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh đọc dự thảo Nghị quyết.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết dừng thực hiện Chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với 92,69% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Buổi sáng thứ tư, ngày 23-11-2016, Quốc hội họp phiên bế mạc. Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Phiên bế mạc sẽ được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi.