THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ 5 KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV

24/10/2021 16:32

Chủ nhật, ngày 24/10/2021, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 5 theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

 

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, ngày 24/10/2021

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận trực tuyến về: i) Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; ii) Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tại phiên thảo luận đã có 42 ý kiến đại biểu phát biểu và 01 ý kiến đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong các báo cáo, tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và cho rằng nội dung các báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng, phản ánh toàn diện kết quả các mặt công tác của ngành. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về nội dung cụ thể như sau:

i) Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật: Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung đánh giá về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2021 và dự báo thời gian tới; việc chấp hành pháp luật trong công tác xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông; phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, tội phạm giết người, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm về môi trường và các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đánh giá kết quả công tác điều tra các vụ án hình sự; việc chấp hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong công tác điều tra; những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và những nguyên nhân, giải pháp khắc phục về công tác này trong thời gian tới.

ii) Về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân: Các đại biểu tập trung cho ý kiến về việc đánh giá công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự; về chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính; công tác kiểm sát thi hành án; về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; về những kết quả đạt được của ngành kiểm sát trong thời gian qua và những hạn chế, nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

iii) Về công tác của ngành Tòa án nhân dân: Các ý kiến đại biểu tập trung đánh giá về công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, dân sự;  công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác giải quyết yêu cầu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của TAND các cấp; những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các tòa án và giảm tỷ lệ hủy, sửa các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính vì những nguyên nhân chủ quan,...

iv) Về công tác thi hành án: Các đại biểu tập trung đánh giá công tác chỉ đạo, phối hợp thi hành án, nhất là thi hành các vụ án phức tạp; những bất cập trong công tác thi hành án tử hình; công tác cưỡng chế thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án; tình hình vi phạm pháp luật trong công tác thi hành án; nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu cho rằng đối với các vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng, lĩnh vực kinh tế, đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng cần áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết như thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; sớm nghiên cứu, sửa đổi quy định của Luật Thi hành án dân sự đối với trường hợp ủy thác xử lý tài sản khi người phải thi hành án có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau để rút ngắn thời gian và xử lý hiệu quả tài sản thi hành án.

v)Về công tác phòng, chống tham nhũng: Các ý kiến đại biểu tập trung đánh giá về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; kết quả thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng để từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng.

vi) Về dự thảo Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến: Các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các điều kiện, nguồn lực đảm bảo tổ chức phiên tòa trực tuyến; thẩm quyền ban hành Nghị quyết; căn cứ ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn; đồng thời, các đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ về phạm vi áp dụng; cần áp dụng thí điểm việc tổ chức phiên tòa trực tuyến trong 03 năm, sau đó báo cáo Quốc hội về kết quả thí điểm, xây dựng lộ trình sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong công tác xét xử.

Trong quá trình thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu tài liệu.

Thứ Hai, ngày 25/10/2021: Buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê./.