Phải ban hành nhiều quy định hơn nữa cho báo chí

21/11/2013

ĐBQH LÊ NHƯ TIẾN (QUẢNG TRỊ): Hiện nay chúng ta có 838 cơ quan báo chí in với hàng trăm ấn phẩm khác nhau; 67 đài phát thanh truyền hình, với trên 300 kênh trong nước và 80 kênh nước ngoài; hàng trăm báo, trang tin điện tử. Bộ trưởng cho biết, trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc quy hoạch báo chí. Vấn đề này đã được các ĐBQH đặt ra từ nhiệm kỳ trước để khắc phục tình trạng vừa lãng phí nguồn lực Nhà nước, vừa trùng lặp thông tin, vừa cạnh tranh thiếu lành mạnh trong lĩnh vực thông tin – truyền thông.

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN  VÀ TRUYỀN THÔNG NGUYỄN BẮC SON:

Các cơ quan báo chí trong những năm vừa qua đã có nhiều đóng góp cho đất nước, thực sự là những cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội  và là diễn đàn của nhân dân. Những thành tựu, thành tích, thành công của báo chí không thể kể hết được. Nhà nước luôn tôn vinh vai trò của báo chí. Báo chí không chỉ nghiêng về cung cấp thông tin, mà quan trọng hơn nữa báo chí là người tạo dựng lòng tin, xây dựng sự đồng thuận trong xã hội, để toàn đảng, toàn dân đồng tâm vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Chính vì vậy, trong thời gian tới, quản lý báo chí là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, của cả xã hội. Riêng trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng tôi có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều quy định, quyết định để thực hiện công tác quản lý báo chí. Chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ ban hành nhiều quy định hơn nữa để báo chí hoạt động tốt hơn.

Quan trọng hơn, báo chí phải nâng cao sự lãnh đạo, đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế 25 về cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là những nội dung, nội hàm được cung cấp cho báo chí để chúng ta được tiếp cận nhanh nhất, kịp thời nhất nguồn thông tin chính xác của các cơ quan, địa phương để báo chí có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nếu chúng ta nhiều thông tin tốt thì sẽ có điều kiện đẩy lùi thông tin xấu trên các trang mạng như khi  ánh sáng tỏa khắp mọi nơi thì bóng tối sẽ không còn nữa. Khi tiếp cận những thông tin, kể cả những mặt trái trong xã hội hiện nay, nhà báo phải tiếp cận theo cách để làm sao đúng với vai trò là người xung kích trên mặt trận tư tưởng. Chúng ta phê phán mặt trái, mặt tiêu cực trong xã hội, không đưa lên một cách cẩu thả, thậm chí đưa lên những vụ án rất phức tạp nhưng mô tả tỷ mỷ, những vụ việc sai trái với thuần phong mỹ tục được đưa nhiều kỳ làm cho xã hội hoang mang. Đó là trái với mục đích, tôn chỉ của báo chí, cũng như trái với chức năng của báo chí là đưa thông tin nhằm xây dựng lòng tin. Chúng ta đưa người tốt, việc tốt là đương nhiên rồi, nhưng đưa những mặt trái, phân tích nguyên nhân của mặt trái là để cảnh báo cho người dân, cho doanh nghiệp, cho các cơ quan, đơn vị để tránh mặt trái chứ không phải đưa lên để xã hội thấy u ám hoặc gây hoang mang. Do đó cần đào tạo, nâng cao trách nhiệm của báo chí thường xuyên.