ĐBQH Đặng Công Lý - Bình Định: Cần thành lập Ban giám sát thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh

27/10/2014

Số lượng thẩm phán hiện nay thì hoạt động của thẩm phán sẽ giám sát không hết, không kịp thời, không hiệu quả đối với thẩm phán trên toàn quốc. Nên cần thiết thành lập Ban giám sát hoạt động của thẩm phán ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, để giám sát hoạt động của thẩm phán theo địa hạt.

Đại biểu Quốc hội Đặng Công Lý - Bình Định phát biểu ý kiến

Tôi hoàn toàn thống nhất với dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Tôi cũng thống nhất cao với bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) của Ủy ban Tư pháp. Tuy nhiên, theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp, tôi xin phát biểu bổ sung một số vấn đề sau.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, luật này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy của tòa án nhân dân, thẩm phán, hội thẩm và các chức danh khác trong tòa án nhân dân, đảm bảo hoạt động của tòa án nhân dân. Theo tôi cần ghi đúng cụm từ "hội thẩm nhân dân", không nên ghi "hội thẩm", để phân biệt hội thẩm nhân dân không phải là biên chế của tòa án mà là Hội thẩm nhân dân bầu ra thông qua Hội đồng nhân dân. Một trong những đặc trưng của nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Bản thân chế định Hội thẩm nhân dân là sự thể hiện tư tưởng lấy dân làm gốc, bảo đảm nguyên tắc thực hiện quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử của Tòa án.

Thứ hai, về nhiệm kỳ của thẩm phán ở Điều 69. Theo nội dung Điều 69 dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã được chỉnh lý thì nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là 5 năm, nếu được bổ nhiệm lại là 10 năm, như vậy không phân biệt thẩm phán tối cao với các thẩm phán khác. Một trong những định hướng quan trọng được xác định tại Nghị quyết 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị là tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không kỳ hạn.

Tại Điều 67 của dự thảo luật trước đây đã quy định tăng thời hạn bổ nhiệm thẩm phán, riêng với thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là ngạch thẩm phán đặc biệt với những tiêu chuẩn, điều kiện rất cao. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn thì người được bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải trải qua một quá trình công tác lâu dài, trải nghiệm từ công tác cơ sở, có năng lực thực tiễn và có uy tín được ghi nhận qua vài chục năm công tác và là những người tuổi đã cao. Việc bổ nhiệm họ làm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác là phù hợp với dự thảo trước đây. Bên cạnh đó, theo quy định của Hiến pháp thì thẩm phán tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm. Quy định thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là 10 năm, nếu được bổ nhiệm lại trong khi nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm thì cũng có điều chưa hợp lý.

Tới đây các thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ được bổ nhiệm theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), hầu hết chỉ trong nhiệm kỳ đã đến tuổi nghỉ hưu, hoặc nếu còn tuổi công tác thì thời gian còn lại cũng rất ngắn, nên việc quy định nhiệm kỳ bổ nhiệm lần 2 cũng không hợp lý.

Đối với các ngạch thẩm phán cao cấp, thẩm phán cung cấp, thẩm phán sơ cấp, tôi thống nhất nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm, nếu được bổ nhiệm lại nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Vì vậy, chúng tôi đề nghị chỉnh lý quy định tại Điều 69, dự thảo luật như sau: Một là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được bổ nhiệm không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu; Hai là nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm, nếu được bổ nhiệm lại thì kỳ tiếp theo là 10 năm.

Thứ ba, tại Điều 66, Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia. Theo tôi, cần quy định thêm một khoản của Điều 66, cần thành lập thêm Ban giám sát thẩm phán ở cấp Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giúp Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia. Bởi vì, với số lượng thẩm phán hiện nay thì hoạt động của thẩm phán sẽ giám sát không hết, không kịp thời, không hiệu quả đối với thẩm phán trên toàn quốc. Nên cần thiết thành lập Ban giám sát hoạt động của thẩm phán ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, để giám sát hoạt động của thẩm phán theo địa hạt. Cũng là căn cứ, cơ sở thực tiễn cho Hội đồng giám sát thẩm phán về vấn đề khen thưởng, vinh danh thẩm phán, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, tư cách đạo đức, lối sống của thẩm phán.

Cổng thông tin điện tử