ĐBQH Lê Nam - Thanh Hoá: Cần giao cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thẩm quyền khởi tố một số loại án hình sự đặc biệt nghiêm trọng về tham nhũng và các loại tội phạm khác

28/10/2014

Tôi thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Qua nghiên cứu cho thấy các nội dung của dự án luật đã tiếp thu cơ bản các tham gia đóng góp, đặc biệt là quán triệt đầy đủ và đảm bảo các nguyên tắc hiến định của Hiến pháp năm 2013 về Viện kiểm sát nhân dân. Trên tinh thần đó, tôi đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cần nghiên cứu, bổ sung và làm rõ thêm một số điểm sau đây:

Đại biểu Quốc hội Lê Nam - Thanh Hoá phát biểu ý kiến

Thứ nhất, Viện kiểm sát nhân dân hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân đảm bảo cho hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân là một chức danh hiến định có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để trực tiếp thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân. Nghiên cứu dự thảo luật quy định về việc thực hiện chức năng công tố và chức năng kiểm sát, tôi thấy chỉ nêu chung là Viện kiểm sát nhân dân mà chưa thấy quy định rõ về trách nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và kiểm sát viên trong việc thực hiện 2 chức năng đó. Trên tinh thần đó, đối với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tôi đề nghị luật cần giao cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thẩm quyền khởi tố một số loại án hình sự đặc biệt nghiêm trọng về tham nhũng và các loại tội phạm khác để tăng cường việc đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng trước yêu cầu hết sức bức xúc và đòi hỏi của nhân dân hiện nay. Quyền khởi tố một số vụ án giao cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao số lượng không nhiều và cũng không trùng lắp với thẩm quyền của các cơ quan điều tra khác.

Thứ hai, vấn đề bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng, là một trong những điểm sáng của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt trong điều kiện đất nước đang phát huy dân chủ, bảo vệ và bảo đảm nhân quyền, Quốc hội vừa xem xét phê chuẩn Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Dự án luật đã quy định trách nhiệm và quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong thực hành quyền công tố và kiểm sát bắt đầu từ giai đoạn giải quyết tin báo và tố giác tội phạm, nhưng chưa quy định rõ được trách nhiệm của Viện kiểm sát và của kiểm sát viên,Viện trưởng Viện kiểm sát ngay từ khi thụ lý giải quyết vụ việc trong việc lấy lời khai, hỏi cung và các biện pháp ngăn chặn và trách nhiệm của kiểm sát viên cùng với điều tra viên hoặc cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan điều tra, dư luận đang rất quan tâm về một đề xuất về quyền im lặng trong tố tụng hình sự. Nếu làm rõ trách nhiệm và vai trò của kiểm sát viên trong Luật Viện kiểm sát và Luật tố tụng hình sự thì chắc chắn việc vi phạm pháp luật về quyền con người trong hoạt động tư pháp sẽ được ngăn chặn và phòng ngừa có hiệu quả.

Thứ ba, là về kiến nghị và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân, quyền kháng nghị dùng trong trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng và người được kháng nghị phải giải quyết theo kháng nghị, còn kiến nghị khi có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng và người được kiến nghị không bắt buộc phải thực hiện mà được quyền xem xét, giải quyết và trả lời trong dự án luật cũng quy định những trường hợp Viện kiểm sát kiến nghị trong lúc kiến nghị khởi tố vụ án hình sự là không thỏa đáng, vì trường hợp tội phạm đã xảy ra cơ quan có trách nhiệm đã không khởi tố vi phạm đó về hoạt động tư pháp là nghiêm trọng là bỏ lọt tội phạm. Bản thân trong tội phạm thì có tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, với 3 trường hợp tội phạm này mà kiến nghị khởi tố để cơ quan điều tra được xem xét và tùy nghi thực hiện là không đảm bảo nguyên tắc kịp thời nghiêm minh và thống nhất trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do vậy, cần phải kháng nghị để khởi tố vụ án hình sự là mới thỏa đáng.

Vấn đề về quyền khởi tố, khởi kiện vụ án dân sự, trên thực tế có những vụ việc xâm phạm đến quyền lợi của Nhà nước và xã hội của công dân, nhưng mà không có ai khởi tố, mặc dù trong các chế định của pháp luật đã quy định các tổ chức xã hội hoặc các chủ thể phải được quyền khởi tố, nhưng không có ai khởi tố. Tôi nghĩ giao cho Viện kiểm sát nhân dân thì nó đảm bảo được việc bảo đảm, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và chúng ta sẽ thấy rằng tăng lên được hiệu lực, hiệu quả trong việc bảo đảm và bảo vệ pháp luật cũng như lợi ích của Nhà nước của xã hội. Tôi nghĩ như vậy, không có việc gì mà không giao cho Viện kiểm sát nhân dân.

Về kiểm sát viên, tôi thấy hiện nay quy định kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, cao cấp và tối cao, nếu là kiểm sát viên sơ cấp, về tên gọi cũng như tâm tư không thỏa đáng, kể cả kiểm sát viên trung cấp cũng vậy. Ngay kiểm sát viên trung cấp mà được quy định ở cấp tỉnh cũng không thỏa đáng. Anh em bây giờ toàn học cao học, ít nhất là đại học mà lại quy định là trung cấp thì không thỏa đáng và bản thân ở Viện kiểm sát cấp tỉnh người ta cũng tâm tư chứ không phải là Viện kiểm sát cấp huyện. Cho nên tôi đề nghị chỉ quy định là kiểm sát viên và chúng ta giải quyết theo ngạch bậc, kiểm sát viên cao cấp và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

ĐBQH Lê Nam - Thanh Hoá