Lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá phải nhanh hơn

05/11/2014

Mục tiêu của Chiến lược cải cách thuế đặt ra trong giai đoạn 2011 - 2020 đối với thuế tiêu thụ đặc biệt là điều chỉnh, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển KT-XH; xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, ô tô...

Nhiều ĐBQH cho rằng, đối chiếu với nội dung Tờ trình của Chính phủ cho thấy phạm vi sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật còn tương đối hẹp, một số nội dung đề ra trong Chiến lược cải cách thuế chưa được thể chế hóa trong lần sửa đổi, bổ sung này. Do vậy, Chính phủ cần đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung căn bản, đầy đủ, toàn diện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này.

ĐBQH Lò Văn Muôn (Điện Biên): Bên cạnh việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, cần có biện pháp để tăng cường hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu

Tôi đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhằm giảm việc hút thuốc lá, bởi xét về lâu dài thì đây là việc làm có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Mặc dù trước mắt biện pháp này sẽ chưa thể tác động ngay tới thói quen của người hút thuốc lá, nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ có tác động phần nào giúp giảm tiêu thụ mặt hàng này. Tờ trình của Chính phủ có đề cập đến khía cạnh khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, giá bán thuốc lá trong nước sẽ cao lên, gây kích thích cho hoạt động buôn lậu thuốc lá. Thực tế trước đây giá thuốc lá thấp thì hoạt động buôn lậu mặt hàng này vẫn diễn ra tràn lan. Mặc dù tình trạng buôn lậu, thuế và giá có liên đới với nhau nhưng không phải là những mối liên quan trực tiếp. Có chênh lệch giá giữa hàng hóa trong nước với bên ngoài là sẽ có buôn lậu, tuy nhiên đây là chỉ lập luận ở một góc độ nào đó, chứ không đúng hoàn toàn. Nhưng từ lập luận đó để thấy bên cạnh việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thì cần có biện pháp để tăng cường hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu, có như vậy thì mới đạt được mong muốn giảm tiêu thụ thuốc lá.

Chính phủ đã phê duyệt lộ trình phòng, chống tác hại thuốc lá từ nay đến năm 2020. Cần căn cứ vào lộ trình này để xem xét việc đạt được các chỉ tiêu đã đề ra. Ví dụ căn cứ theo lộ trình thì cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá lên mức bao nhiêu để hạn chế được số người hút thuốc. Theo lộ trình, chúng ta phấn đấu giảm khoảng 8% tỷ lệ người hút thuốc lá trong vòng 8 năm (từ 2012 đến 2020) thì mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cần tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015 và có lộ trình tăng lên 145% vào năm 2018 và tiếp tục xem xét tăng thuế lên 155% vào năm 2020. Lấy con số đấy để có số liệu tương quan giữa việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm mức tiêu dùng, từ đó mới tính ra lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng như Chính phủ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 90% vào năm 2020 thì e rằng sẽ không đạt được mục tiêu chúng ta đã đề ra. Riêng về lộ trình, tại sao chúng ta không đưa ra lộ trình gồm các năm 2015, 2016, 2017... mà cứ nhất thiết phải lộ trình 3 năm? Trên thế giới có nhiều nước đã áp dụng lộ trình tăng dần theo từng năm một, đỡ gây tâm lý đột ngột mà vẫn tạo sự ổn định. Nếu theo lộ trình từng năm thì chúng ta sẽ không đạt mục tiêu một cách giật cục. Vì vậy tôi đề nghị cần xem xét lại lộ trình.

ĐBQH Nguyễn Minh Quang (TP Hà Nội): Cần nâng cao hơn nữa mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá

Yêu cầu và thực tiễn đặt ra trong lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này rất lớn. Thứ nhất, sửa đổi những nội dung tồn tại, hạn chế, bổ sung những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Thứ hai, thể chế hóa những nội dung trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đối với thuế tiêu thụ đặc biệt là điều chỉnh, bổ sung đối tượng chịu thuế để hướng dẫn, điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển KT-XH và xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia... để thực hiện cam kết quốc tế. Tuy nhiên, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật trình QH tương đối hẹp, chưa bao quát một cách toàn diện các nhóm hàng hóa chịu thuế; một số nội dung đề ra trong Chiến lược cải cách thuế chưa được thể chế hóa. Ban soạn thảo cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt một cách toàn diện hơn, đáp ứng được yêu cầu và thực tiễn đặt ra.

Về thuế suất, đối với thuốc lá, so với quy định hiện hành thì mặt hàng thuốc lá được điều chỉnh thuế suất từ 65% lên 70% từ 1.1.2016 và từ 1.1.2019 là 75%. Theo tôi, mức thuế suất mà dự thảo đưa ra chưa thực sự phù hợp, cần nâng cao hơn nữa mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá (từ 85 -90%) để hạn chế người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm gây hại cho sức khỏe này.

Đối với bia, theo quy định tại dự thảo thì nâng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia từ 50% lên 55% từ 1.7.2015 và từ 1.1.2018 là 65% bằng mức thuế suất của rượu. Theo tôi, đây là mức tăng khá cao và không phù hợp với chính sách đối với phát triển ngành bia hiện nay. Bởi lẽ, thứ nhất, so với rượu thì tác hại của bia và các vấn đề xã hội là ít hơn do nồng độ cồn trong hai sản phẩm này là khác nhau, nồng độ cồn trong bia rất thấp so với nồng độ cồn trong rượu. Thứ hai, theo quy hoạch ngành bia đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Bộ Công thương phê duyệt thì năm 2010 sản lượng sản xuất đạt 2,5 tỷ lít bia; đến năm 2015, sản lượng sản xuất đạt 4 tỷ lít bia. Như vậy có thể thấy, đối với ngành bia, Nhà nước đang có chính sách khuyến khích phát triển theo hướng tăng sản lượng bia theo các năm. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét giảm mức thuế suất đối với bia uống ở mức 60% sẽ phù hợp hơn. Đồng thời, điều chỉnh lộ trình bắt đầu tăng từ 1.1.2016 thay vì 1.7.2015 như dự thảo Luật để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với thuế suất của casino, kinh doanh đặt cược, dự thảo Luật đưa ra mức thuế suất tương đối thấp, gần như không thay đổi hoặc thay đổi rất ít so với Luật hiện hành. Đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng tăng mức thuế suất đối với các dịch vụ này để hạn chế khuyến khích phát triển cũng như để tạo nguồn thu bổ sung cho ngân sách nhà nước khi chúng ta chuẩn bị ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể nên tăng mức thuế suất của casino từ 30% lên 40%, với kinh doanh đặt cược đưa mức thuế suất lên 35% thì sẽ hợp lý hơn.

ĐBQH Phạm Văn Cường (Lào Cai): Lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá phải nhanh hơn

Đọc Báo cáo, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, tôi thấy lăn tăn. Còn nhiều nội dung cơ quan trình và cơ quan thẩm tra có quan điểm trái ngược nhau, chưa thống nhất. Về phạm vi sửa đổi, bổ sung thì đơn giản rồi, nhưng bây giờ thuế suất cụ thể như thế nào?

Đối với mặt hàng thuốc lá, tôi không mong chờ việc tăng thuế thuốc lá sẽ giảm được số lượng người hút thuốc lá; việc tăng thuế thuốc lá chủ yếu là để đánh vào những đối tượng có khả năng hút thuốc lá để hạn chế việc tăng thêm số người hút thuốc lá mới. Cũng có ý kiến cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thì có ảnh hưởng gì đến các vùng nguyên liệu hay không? Vùng nguyên liệu thuốc lá cũng khá đặc thù, toàn là các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai... nhưng nói thực, Lào Cai chúng tôi sang năm 2015 không làm cây thuốc lá nữa vì cũng không giải quyết được việc gì. Trước đây, mỗi năm chúng tôi trích ngân sách địa phương 7-8 tỷ đồng để hỗ trợ dân trồng cây thuốc lá nhưng hiệu quả cũng không được bao nhiêu. Trồng cây thuốc lá rất vất vả, làm ngày, làm đêm. Ai trồng ngô thì cứ trồng xuống, cây sống là cuối vụ thu hoạch được, nhưng cây thuốc lá thì phải chăm sóc rất cẩn thận từ lúc trồng đến tận lúc thu hoạch, phân loại sản phẩm, sấy... Có khi trồng tốt rồi nhưng mà khâu sấy chỉ sơ suất một tý là coi như mất toi. Trồng thuốc lá còn vất vả hơn cả nuôi tằm. Trong khi đó, công ty thuốc lá mua nguyên liệu thì cứ ép giá dân. Sản phẩm loại 1, ông ấy bảo loại 2, loại 2 bảo loại 3, loại 3 bảo bị nát, rồi om ở đấy nên dân cũng chán rồi, không muốn làm thuốc lá nữa. Vì thế, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, theo tôi, cũng không ảnh hưởng gì lắm đến vùng nguyên liệu.

Tôi đề nghị, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá phải tăng lên và lộ trình tăng thuế phải nhanh hơn. Theo tôi, năm 2016 thực hiện luôn và mức thuế suất có thể cao hơn mức Chính phủ trình chứ không cần phải kéo dài đến tận năm 2019. Tôi đề nghị, từ năm 2016, áp dụng luôn mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ 65 đến 70%. Tuy nhiên, điều quan trọng là cùng với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thì các cơ quan chức năng, các địa phương phải làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá để thuốc lá ngoại không thâm nhập vào thị trường trong nước ảnh hưởng đến doanh nghiệp và ngành sản xuất thuốc lá nội địa. Báo cáo thống kê cho thấy hàng năm có hàng tỷ bao thuốc lá được buôn lậu vào nước ta – đây là con số rất lớn. Vậy thì, vấn đề quan trọng nhất là chúng ta có giải pháp gì hữu hiệu để chống được buôn lậu thuốc lá hay không? Tăng giá thuốc lá, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là đúng, nếu bảo đảm hạn chế được buôn lậu để thuốc lá nhập lậu không gây thiệt hại cho sản xuất trong nước thì kể cả tăng giá đến 150% vẫn cứ được.

(Theo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác