Không thể nhận thức mơ hồ về Hiến pháp ở thời điểm này

26/11/2014

Luật Tổ chức chính quyền địa phương là để triển khai Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương. Không thể có một nhận thức mơ hồ nào về Hiến pháp tại thời điểm này.

Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rất rõ cấp chính quyền và mô hình của chính quyền địa phương. Nếu ai đó còn nghi hoặc về quy định của Hiến pháp thì cần xem lại. Điều 110 của Hiến pháp đã khẳng định rất rõ: cấp hành chính nước Việt Nam được chia thành các tỉnh, thành phố; tỉnh, thành phố có chia ra huyện, quận; huyện, quận thì chia thành xã, phường. Tức là Hiến pháp quy định rất rõ các cấp hành chính. Về lý thuyết từ ngàn xưa đến nay, chúng ta vẫn nói phân định cấp hành chính là cơ sở chính trị pháp lý để thành lập chính quyền. Hiến pháp đã khẳng định là có chính quyền Trung ương, có cấp hành chính cấp tỉnh, có cấp hành chính cấp huyện và cấp hành chính cấp xã, phường. Như vậy chính quyền từ Trung ương xuống cơ sở có 4 cấp là rõ ràng và cấp hành chính chính là cơ sở để xây dựng chính quyền. Vì vậy, ở đây chúng ta phải nhất quán quy định của Hiến pháp.

Điều 110, Điều 111 cũng khẳng định: mỗi cấp hành chính đều có tổ chức chính quyền và chính quyền gồm cơ cấu là HĐND và UBND. Điều này không có gì phải nghi hoặc. Tôi xin tranh luận thêm với ĐBQH Trần Du Lịch là dư địa mà Hiến pháp nói là ở chỗ HĐND và UBND ở địa bàn nông thôn, hải đảo, đô thị và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì có thể khác nhau cho phù hợp với điều kiện KT-XH, đặc thù của các địa phương ấy. Nhưng nhất quyết, chính quyền ở đâu cũng phải có HĐND và UBND, bởi vì HĐND là một thiết chế đại diện dân chủ, đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân. Chúng ta không thể bỏ thiết chế này. Bỏ thiết chế này là vô hình trung, chúng ta đã khước từ luôn bản chất Nhà nước của chúng ta. Tôi rất tiếc là khi ĐBQH Phạm Trí Thức có dẫn một câu của Lênin khi bàn về nhà nước, bàn về Xô Viết. Lênin nói về Xô Viết rất hay, chỉ nói khác nhau ở chỗ chính là thực hiện chức năng KT-XH ở từng địa bàn đơn vị, chứ không nói là ở đâu đó không có Xô Viết.

Mặt khác, khi chúng ta tiến hành thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường là chúng ta chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiến pháp chứ không phải chuẩn bị cho việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Khi Hiến pháp đã khẳng định rồi thì không còn nghi hoặc gì về việc tổng kết thí điểm nữa.

 

(Theo Đại biểu Nhân dân)