ĐBQH Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đắk Nông: Cần cụ thể hóa chiến lược về nông nghiệp

09/06/2015

Sáng 8/6, tại buổi thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, cần phải cụ thể hóa chiến lược về nông nghiệp bằng những dự án, đề án phát triển cụ thể, không thể chung chung được nữa.

                                Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh đánh giá, Báo cáo về kinh tế-xã hội của Chính phủ chỉ mới tập trung phân tích nhiều về ngành, ít chú trọng phân tích về vùng. Đại biểu cho rằng, ngoài những nội dung về ngành có tính chất chuyên sâu, có tính toàn quốc thì cử tri còn rất quan tâm đến những nội dung về kinh tế-xã hội tại khu vực sinh sống. Do đó, trong kỳ báo cáo lần sau mong Chính phủ quan tâm hơn để đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của cử tri.

Về chiến lược phát triển nông nghiệp, Báo cáo của Chính phủ nêu: "Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh".

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, cần phải cụ thể hóa nội dung này bằng những dự án, đề án phát triển cụ thể, không thể chung chung được nữa, vì nội dung chiến lược về nông nghiệp như trên chúng ta đã nhắc đi, nhắc lại khá nhiều lần rồi.

Đại biểu phân tích, Tây Nguyên là vùng đất màu mỡ, tiềm năng phát triển rất lớn, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loại cây công nghiệp dài ngày, nhưng cho đến nay tính tự phát gần như chiếm ưu thế trong quá trình phát triển của ngành nông nghiệp, hệ lụy sau phát triển tự phát do người nông dân hứng chịu như tình trạng chặt phá cây cao su khi giá cả xuống thấp.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị, cần sự thay đổi sâu sắc, toàn diện trên tất cả các mặt, như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh quan hệ sản xuất tiên tiến, kết nối chặt chẽ chuỗi giá trị, tăng cường tính cạnh tranh... đối với ngành nông nghiệp hiện nay.

Bên cạnh đó, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh đặc biệt nhấn mạnh về tình trạng di cư tự do trên địa bàn Tây Nguyên.

Đại biểu khẳng định, việc di cư đến những mảnh đất giàu tiềm năng cho phát triển nông nghiệp là nhu cầu và là quyền của người dân. Nhưng tình trạng di dân số lượng lớn kéo theo nhiều gánh nặng về an sinh xã hội, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, trật tự an toàn xã hội, nạn phá rừng,… Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần giải quyết thật căn cơ, xử lý những tồn đọng hiện nay ở các địa phương và để việc di dân tự do có tổ chức, thuận lòng dân nhưng không gây khó khăn cho địa phương tiếp nhận.

NN