ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương- Ninh Thuận: Quy định hội không nhận tài trợ của nước ngoài chưa được làm rõ

26/10/2016

Sáng 25/10, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật về hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương- Ninh Thuận cho rằng, quy định hội không nhận tài trợ của nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định chưa được làm rõ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại Hội trường                                        Ảnh: Đình Nam

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, tại Khoản 5, Điều 8 dự thảo quy định là hội không liên kết gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ của nước ngoài trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Đại biểu cho rằng quy định mới này cần được cụ thể hơn để việc hiểu nó là thống nhất, nhất là cần phải làm rõ các hội từ trước đến nay được cấp có thẩm quyền cho phép gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng theo quy định tại Khoản 13, Điều 23 của Nghị định 45 sẽ không còn phù hợp theo luật này thì sẽ xử lý như thế nào, có phải thôi tư cách thành viên mà hội đó đã gia nhập hay không.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, quy định về không nhận tài trợ của nước ngoài, trường hợp đặc biệt là do Chính phủ quy định cũng chưa được làm rõ, tài liệu mà gửi cho các đại biểu Quốc hội nhận được không có dự thảo nghị định kèm theo cho nên không rõ trường hợp đặc biệt được xác định như thế nào. Báo cáo giải trình, tiếp thu cho rằng trong số 63 nghìn hội có đăng ký thì số hội nhận tài trợ của nước ngoài không nhiều, không nhiều là bao nhiêu thì không có con số cụ thể, vài ngàn hội cũng là không nhiều, nhưng nếu chỉ cần vài trăm hội nhận tài trợ thì cũng không thể coi đó là trường hợp đặc biệt được.

Ngoài ra, Khoản 12, Điều 23 của Nghị định 45 quy định: Hội được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nay luật không cho phép thì xử lý như thế nào. Căn cứ nào để xác định trường hợp đặc biệt được nhận tài trợ của nước ngoài thì cần phải quy định rõ ở trong luật. Thực tế việc tài trợ nói chung là hành động có ý nghĩa không chỉ về vật chất mà còn về mặt tinh thần cho cả bên trao và bên nhận tài trợ. Đa số các hội được lập ra không chủ động được về mặt kinh phí nên nếu không có sự huy động hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài thì việc duy trì hoạt động cũng có thể gặp những khó khăn nhất định.

Đồng tình với phân tích của một số đại biểu cho rằng tài trợ và cứu trợ là khác nhau. Sau luật này nếu hội không cho phép nhận tài trợ thì nhiều hội sẽ nhận cứu trợ. Như vậy, quy định của chúng ta đặt ra không đạt được mục đích. Thực tế một số hội được lập ra chủ yếu để nhận tài trợ quốc tế để hoạt động và mang lại hiệu quả thiết thực. Đại biểu cũng nhất trí với báo cáo giải trình về việc phòng ngừa việc liên kết ra nhập nhận tài trợ để hoạt động trái pháp luật chống phá Nhà nước và chế độ. Nhưng cũng không nên phủ nhận trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay việc các hội liên kết gia nhập các tổ chức quốc tế là xu hướng tự nhiên và tất yếu, mang lại nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi và nguồn hỗ trợ hoạt động hiệu quả.

Vân Ngọc lược ghi

Các bài viết khác