Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thúy- Tp Hồ Chí Minh: Đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan làm oan sau cùng để tránh đùn đẩy trách nhiệm

05/06/2017

Sáng 31/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thúy- Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan làm oan sau cùng để rõ ràng về thẩm quyền, tránh đùn đẩy trách nhiệm.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thúy- Tp Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội trường

Về thiệt hại được bồi thường, cụ thể là vấn đề thiệt hại, phát sinh trong quá trình tố tụng dân sự, đại biểu đề nghị nhà nước chỉ bồi thường về các quyền, lợi ích, tài sản hợp pháp của người bị thiệt hại khi và chỉ khi tài sản đó không thể thu hồi được vì những lý do sau:

Thực tế việc quy định bồi thường trách nhiệm bồi thường trong tố tụng dân sự, không phải quốc gia nào cũng quy định. Hơn nữa, tranh chấp dân sự về quyền và lợi ích tài sản chỉ xảy ra khi các đương sự có giao dịch với nhau, có mối quan hệ khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ không thể hòa giải được và xảy ra tranh chấp mới yêu cầu tòa án giải quyết. Ngoài ra, luật pháp còn quy định, tòa án phải thụ lý giải quyết cả những vụ việc mà pháp luật chưa quy định, áp dụng phong tục, tập quán, lợi ích công bằng để giải quyết. Vì vậy, trong khi giải quyết vụ việc dân sự, quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự là đối lập nhau. Quyền của người này phát sinh, đồng thời với việc người khác phải có nghĩa vụ. Khi có bản án quyết định trái pháp luật có thể xảy ra thiệt hại về vật chất cho một hoặc một số đương sự, lợi ích vật chất không thể mất đi, thiệt hại về vật chất của người này sẽ chuyển thành lợi ích của người khác trong vụ việc đó. Khi cấp thẩm quyền xác định bản án quyết định trái pháp luật thì bản án quyết định đó sẽ bị hủy. Lúc này sẽ xảy ra hai trường hợp:

Thứ nhất, bản án quyết định trái pháp luật đó chưa được thi hành thì thiệt hại về tài sản tranh chấp chưa xảy ra, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự chưa bị xâm phạm.

Thứ hai, trường hợp bản án quyết định đó đã được thi hành, nếu vụ việc được giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật thì quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự được khôi phục lại đầy đủ theo bản án mới. Nếu người được lợi từ bản án quyết định trái pháp luật, trước đó không còn tài sản để hoàn trả, tài sản của họ đã chuyển cho người thứ 3, trường hợp này để bảo vệ quyền, lợi ích của người bị thiệt hại, đề nghị nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường và những người hưởng lợi ích vật chất không đúng quy định của pháp luật phải có nghĩa vụ hoàn trả cho nhà nước theo quy định về nghĩa vụ hoàn trả do chiếm giữ, sử dụng được lợi từ tài sản không có căn cứ pháp luật.

Vấn đề thứ hai, về cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng từ Điều 34 đến Điều 36, trong quá trình tố tụng hình sự từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, việc xác định oan sai được xác định trong từng giai đoạn tố tụng. Có trường hợp xác định được từng giai đoạn cụ thể thì cơ quan giải quyết bồi thường rõ ràng là cơ quan có hành vi quy định thuộc trường hợp trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Tuy nhiên, trong trường hợp quá trình tố tụng hình sự diễn ra có khi qua nhiều cơ quan tiến hành tố tụng, quá trình điều tra, truy tố, tranh tụng xét xử mới xác định được một người nào đó bị oan. Theo đại biểu, trường hợp này nếu phát sinh trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì cơ quan nào giải quyết bồi thường cho nhân dân cũng là thay mặt nhà nước để giải quyết. Người bị oan cũng vẫn được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.

Tuy nhiên, để rõ ràng về thẩm quyền, để tránh đùn đẩy trách nhiệm, đại biểu đề nghị trong trường hợp này, cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan làm oan sau cùng với các lí do sau: Cơ quan này giải quyết bồi thường sẽ phù hợp với thực tế khách quan vì sau quá trình tố tụng, quan điểm giải quyết của cơ quan này vẫn kết tội người bị oan. Giao cơ quan làm oan người sau cùng giải quyết để từ đó phân tích rõ nguyên nhân, quá trình, bản chất, hậu quả của việc gây thiệt hại, giúp cơ quan này có ý thức nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong quản lý công chức của mình, bảo đảm trách nhiệm khắc phục hậu quả một cách triệt để do chính công chức, viên chức của mình gây ra. Là người có kết luận sau cùng oan sai trong quá trình giải quyết, công chức, viên chức nào có liên quan thuộc các cơ quan khác đến việc làm oan này, có nghĩa là có quyết định, có cùng quan điểm kết tội thì phải có nghĩa vụ liên đới hoàn trả cho nhà nước và chịu trách nhiệm bị xử lý.

Vấn đề thứ ba, đối với cơ quan giải quyết bồi thường là Tòa án, trong trường hợp này, khi giải quyết bồi thường không thành thì người yêu cầu có thể khởi kiện ra Tòa án giải quyết. Đại biểu đồng tình với thẩm quyền quy định tại Điều 53 của dự thảo luật. Quy trình này  không có gì chồng chéo hay bất cập, vì giai đoạn giải quyết bồi thường chỉ là thương lượng. Người giải quyết đại diện cho các cơ quan quản lý trực tiếp gây thiệt hại chưa đưa ra ý kiến mang tính quyết định nào. Việc thương lượng chỉ hình thành khi các bên đạt tự nguyện thương lượng. Nếu không thành thì yêu cầu bồi thương đó, người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án giải quyết và thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định rõ tại Điều 53 của dự án luật. Khi xét xử, Tòa án tuân theo nguyên tắc xét xử độc lập và tuân theo pháp luật. Phán quyết của tòa án, đương dự có quyền kháng cáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền kháng nghị nên sẽ không có tình trạng không vô tư, khách quan trong quá trình giải quyết bồi thường.

Vấn đề thứ tư, về vấn đề phạm vi, trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đại biểu đồng tình với quy định của dự án luật là tòa án trong trường hợp nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp quy định trong dụ án với các lý do sau: Vì khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo tố tụng dân sự thì những người yêu cầu này sẽ tạm ứng một số tiền để bảo đảm nếu khi có thiệt hại xảy ra do áp dụng đúng yêu cầu của họ thì những người này phải là người bồi thường. Do đó, quy định như trong luật là đầy đủ.

Vấn đề thứ năm, đối với Điểm 1, Khoản 2, Điều 72 quy định Bộ Tư pháp có nhiệm vụ kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án quyết định của tòa án yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thu hồi quyết định giải quyết bồi thường. Quy định như vậy là chưa đầy đủ vì bản án quyết định của tòa án có thể bị kháng nghị nhưng việc kháng nghị phải tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, ở đây người thu hồi không thu hồi thì không có cơ quan nào hủy phiếu thu hồi này, đồng thời cũng chưa quy định được thời hiệu như thế nào, khi nào sẽ không được hồi quyết định này nữa. Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong quy định của pháp luật.

Vân Ngọc lược ghi

Các bài viết khác