GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: NGỌN LỬA HẢI AN LAY ĐỘNG LÒNG NGƯỜI

27/03/2018

Trong những thời gian gần đây, câu chuyện về cô bé 7 tuổi Hải An với tâm nguyện muốn được hiến tặng toàn bộ mô tạng của mình trước khi rời xa cuộc đời đã khiến hàng triệu trái tim lay động. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam quy định chỉ nhận tạng hiến của người đủ 18 tuổi trở lên. Do đó, dù muốn thực hiện toàn bộ ý nguyện của cô bé nhưng các cán bộ của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chỉ có thể nhận được giác mạc của Hải An. Như vậy, vấn đề đặt ra là có hay không sự mâu thuẫn giữa ý nguyện được hiến tạng với quy định của pháp luật về hiến tạng?

Xem clip chi tiết tại: NGỌN LỬA HẢI AN LAY ĐỘNG LÒNG NGƯỜI

Trước thông tin về ước nguyện được hiến tặng mộ tạng của bé gái Hải An, các đại biểu Quốc hội đều rất cảm động và trân trọng sự hy sinh của bé. Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá rất cao hành động của bé Hải An, vì nhờ mong muốn của em mà có hai người thoát khỏi tình trạng bị mù loà. Đại biểu cũng cho rằng đây là một tấm gương, một hành động đẹp và là một nghĩa cử rất cao quý.

Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Đồng tình với suy nghĩ trên, Đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: “Nghĩa cử này cần phải được tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa trong các tầng lớp nhân dân và cũng phải có những cái tôn trọng, tôn vinh và nghi nhận những nghĩa cử cao đẹp này của bé.”

Đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng 

Còn Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng đây là một sự hy sinh vượt qua được các phong tục tập quán của người Việt Nam, vì từ xưa tới nay có ít người có được những suy nghĩ và hành động cao đẹp như vậy.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Ngày 22/2/2018, tất cả các cán bộ của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người sững sờ và nghẹn lại khi từ đầu dây bên kia là giọng của mẹ bé gái 7 tuổi. Người mẹ trao gửi ước nguyện với mong muốn còn có cơ hội nghe lại nhịp đập trái tim con mình trong lồng ngực bạn nhỏ khác. Chia sẻ về sự hy sinh của con gái mình, mẹ của bé Hải An, chị Nguyễn Trần Thùy Dương cho biết: “Con được dạy về lòng nhân ái, về những công việc giúp ích cho đời. Song sau đấy là những ngày mà con bị bệnh nặng hơn, thì con muốn mẹ có thể tiếp tục sống và chứng kiến sự hồi sinh lại của con ở trên thân thể một bạn khác.”  Trước khi qua đời, bé Hải An có nói với mẹ rằng: "Mẹ ơi, thiên đường có đẹp không ạ và con sẽ chờ mẹ ở đấy nhưng không phải lúc này mẹ nhé". 

Tuy nhiên, theo luật hiến tặng mô tạng ban hành năm 2006 và có hiệu lực từ tháng 1 năm 2007, thì bất kỳ ai từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô tạng khi còn sống hoặc đăng ký vào danh sách hiến tặng mô tạng tiềm năng, tức hiến tặng sau khi chết, chết não. Nhưng đáng tiếc, bé Hải An mới 7 tuổi nên chỉ có thể hiến được giác mạc. Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người Nguyễn Hoàng Phúc cho biết thêm, sau khi Trung tâm liên lạc với bác sĩ điều chỉnh trực tiếp của bé Hải An thì được biết con không rơi vào trường hợp chết não; và trong trường hợp không được xác định chết não thì pháp luật không cho phép được tiếp nhận nguồn nội tạng đó; mặc khác, nếu như Hải An lúc đó được xác định chết não thì bé cũng chưa đủ tuổi để hiến tặng được toàn bộ mô tạng của mình.

Trước sự việc này, chị Nguyễn Trần Thuỳ Dương cảm thấy rất đau và bứt rứt vì không thực hiện được toàn bộ di nguyện của con mình. Chị chia sẻ: “Dù sao cũng chỉ mong con đừng giận mẹ, vì luật đã ra như vậy. Giá như con trưởng thành hơn chút nữa, có nhiều thời gian, lúc ấy mọi người công nhận rằng con trưởng thành rồi, thì con có quyền tự do làm điều con muốn.”

Chị Nguyễn Trần Thuỳ Dương, mẹ bé Hải An

Tâm nguyện được hiến toàn bộ mô tạng của Hải An để trao lại sự sống cho những bệnh nhân khác là hành động cao đẹp, xứng đáng được tôn vinh và nhân rộng. Nếu điều luật này được sửa đổi, sẽ không chỉ có 2 người được nhìn thấy ánh sáng nhờ giác mạc của thiên thần nhỏ Hải An, mà nhiều người khác sẽ có cơ hội sống từ các mô tạng của con. Đối với mẹ của Hải An, đó cũng là cách để con chị vẫn hiện hữu và sống mãi trong tình cảm yêu thương của mọi người. Chị tin rằng ở đâu đó, con mình vẫn đang nhìn thế giới này bằng ánh mắt an vui và tự hào rằng con đã làm được điều tốt đẹp cho cuộc đời.

Qua câu chuyện của bé Hải An, có thể nhận thấy sự mâu thuẫn nhất định giữa những quy định của Luật Hiến tạng và sự tự nguyện của người hiến tạng chưa đủ 18 tuổi. Trước thực tế này, các Đại biểu Quốc hội cũng có những ý kiến khác nhau về việc có nên sửa đổi quy định này hay không?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, hành động hy sinh của bé Hải An là đóng góp có ích cho xã hội, không có lỗi gì và nên được xã hội tôn vinh. Ông Nguyễn Ngọc Phương cho biết: “Luật có quy định tuổi vì luật là áp dụng cho tuổi 18 tuổi trở lên để quy trách nhiệm, quy tội, để áp dụng cho các tội danh; mà tội danh là chỉ áp dụng cho những đối tượng có nhận thức là 18 tuổi trở lên. Còn vấn đề hiến tạng là việc làm có lợi cho xã hội, và xã hội tôn vinh thì không liên quan gì tới pháp luật cả và tôi nghĩ việc làm này không có lỗi gì.”

Đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng nên xem lại quy định tuổi trong việc hiến tặng mộ tạng, vì cho dù tại độ tuổi nào, khi một người nào đó vừa chết não hoặc tử vong, thì khi đó họ cũng không còn khả năng cho ý kiến; và quyết định khi đấy nên được uỷ thác cho bố mẹ, người bảo trợ và người nuôi dưỡng của người hiến tặng.

Tuy nhiên, Đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ ra rằng, việc sửa đổi quy định có thể tạo ra cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng nội tạng của các bé chưa đủ tuổi quy định. Phó Chủ nhiệm Ủy ban chia sẻ: “Trường hợp của bé Hải An  thì người mẹ đã rất hiểu con và cũng đã cho con được tiếp cận với thông tin về hiến mô tạng người; và bé cũng đã đủ những thông tin, đủ suy nghĩ cùng người mẹ của mình để quyết định việc hiến mô tạng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp chưa đủ suy nghĩ, chưa đủ trưởng thành và chưa có người giám hộ đồng hành và bảo vệ các em theo luật pháp, thì cần thận trọng bởi ở độ tuổi vị thành niên các em rất dễ bị lợi dụng, không loại trừ trường hợp bị ép để mua bán nội tạng.”

Mặc dù luật pháp chưa cho phép người dưới 18 tuổi được hiến tạng nhưng hành động cao đẹp của bé Hải An chắc chắn đã khiến nhiều người bật khóc, và đó là những giọt nước mắt đầy tự hào về hành động của em. Nếu điều này được lan tỏa sẽ góp phần tạo ra một dòng chảy văn hóa mới, dòng chảy văn hóa tự hiến trong cộng đồng và xã hội./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác