Ý KIẾN ĐBQH TỈNH QUẢNG NAM: VỀ NGUYÊN NHÂN SỰ CỐ TẠI THUỶ ĐIỆN SÔNG BUNG 2, QUẢNG NAM

17/05/2018

Bộ Trưởng Bộ Công thương đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về việc làm rõ các nguyên nhân đằng sau sự cố vỡ ống dẫn dòng tại Thuỷ điện Sông Bung 2, Quảng Nam.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam chất vấn Bộ Công Thương

Do không có điều kiện về thời gian để trả lời chất vấn tại phiên chất vấn tại Hội trường vào Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIV, ngày 26/12/2016, Bộ Trưởng Bộ Công thương đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, về việc làm rõ các nguyên nhân đằng sau sự cố vỡ ống dẫn dòng tại Thuỷ điện Sông Bung 2, Quảng Nam.

Toàn nội dung chất vấn như sau:

Hiện trường sự cố vỡ ống dẫn dòng tại Thuỷ điện Sông Bung 2, Quảng Nam (Ảnh: Báo Xây dựng)

Về vấn đề thuỷ điện rất nhiều Đại biểu quan tâm. Tôi xin đặt câu hỏi với Bộ trưởng một câu hỏi ngắn. Thuỷ điện Sông Bung 2 tại Quảng Nam vừa nghiệm thu, tích nước vào đầu năm 2016, nhưng đến ngày 13/9/2016 xảy ra sự cố vỡ ống dẫn dòng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Sau khi sự cố xảy ra, Bộ Công Thương đã vào kiểm tra, đã có thông tin tới báo chí. Nhưng dư luận đặt ra có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do lũ từ cơn bão số 4. Ngoài ra, theo một số chuyên gia độc lập về thuỷ điện, cần kiểm tra làm rõ hồ sơ thiết kế và chất lượng thi công công trình. Đề nghị Bộ trưởng nói rõ nguyên nhân nào là chính, có nguyên nhân do thiết kế và thi công không đảm bảo chất lượng hay không? Trách nhiệm thuộc về tổ chức cá nhân nào? Bộ đã kiểm tra và xử lý như thế nào? Riêng công trình này cũng như các công trình thuỷ điện trong cả nước có còn sự cố xảy ra tương tự như thế này không?

Bộ Trưởng Bộ Công Thương đã có nội dung trả lời chất vấn như sau:

Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn

Sau sự cố hầm dẫn dòng công trình thuỷ điện Sông Bung 2, gây thiệt hại về người và tài sản, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ Điều tra sự cố với sự tham gia của Bộ Xây dựng, địa phương các cơ quan và chuyên gia. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã lựa chọn Tổng công ty Tư vấn xây dựng thuỷ lợi Việt Nam làm tư vấn kiểm định nguyên nhân sự cố.

Qua xem xét, đánh giá ban đầu có thể thấy rằng sự cố có nguyên nhân liên quan đến chất lượng công trình chưa đảm bảo. Hiện nay, Bộ Công thương đang tích cực chỉ đạo Tổ Điều tra và Tư vấn kiểm định khẩn trương đánh giá nguyên nhân sự cố và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị có liên quan. Dự kiến trong tháng 01 năm 2017 sẽ hoàn thành việc này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ có văn bản báo cáo tới Đại biểu.

Bộ Công Thương cũng xin báo cáo với Đại biểu, việc kiểm soát chất lượng công trình được quy định tại Luật Xây dựng năm 2014 và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan được phân cấp để quản lý chất lượng công trình thuỷ điện như sau:

- Về thiết kế công trình: Tư vấn thiết kế chịu tráchh nhiệm chính; tư vấn thẩm tra chịu trách nhiệm với kết quả thẩm tra thiết kế.

- Về thẩm định thiết kế công trình: Bộ Công Thương chịu trách nhiệm đối với công trình cấp I trở lên; Sở Công Thương chịu trách nhiệm thẩm định đối với các công trình còn lại.

- Về phê duyệt thiết kế: Chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm xem xét, phê duyệt sau khi hồ sơ thiết kế đã được thẩm tra và thẩm định.

- Quá trình thi công xây dựng: Các nhà thầu xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện thi công đảm bảo chất lượng công trình theo thiết kế, bảo hành chất lượng công trình trong thời hạn quy định; Tư vấn thiết kế phải giám sát tác giả, xử lý kịp thời các phát sinh hoặc vướng mắc liên quan đến chất lượng tại hiện trường; tư vấn giám át chịu trách nhiệm giám sát nhằm đảm bảo chất lượng công trình theo thiết kế; Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức kiểm soát chất lượng công trình.

- Cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngànnh theo phân cấp nêu trên chịu trách nhiệm kiểm tra công tác nghiệm thu các giai đoạn trước khi công trình đưa vào sử dụng. Riêng đối với các công trình lớn theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng do Bộ Xây dựng chủ trì sẽ kiểm tra, nghiệm thu chất lượng công trình.

- Các cơ quan tư vấn và nhà thầu phải tuân thủ quy định về yêu cầu năng lực theo quy định, phù hợp với quy mô và kết cấu của công trình.

Với quy định khá chặt chẽ nêu trên, khu tuân thủ nghiêm ngặt sẽ đảm bảo được chất lượng của công trình. Để hạn chế sự cố trong xây dựng công trình, các cơ quan nhà nước theo phân cấp nêu trên sẽ cần tiếp tục phải tăng cường quan tâm, phối hợp với tư vấn và chuyên gia để thẩm định thiết kế; Chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu phải nghiêm túc tổ chức, thực hiện theo quy định.

Với trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình từ giai đoạn thiết kế đến thi công xây dựng và nghiệm thu để đưa vào vận hành khai thác; yêu cầu Chủ đầu tư nghiêm túc chấp hành, thực hiện đúng theo quy định. Các trường hợp vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng, qua đó sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Toàn bộ văn bản trả lời chất vấn xin xem tại file đính kèm./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác