ĐBQH NGUYỄN THỊ PHÚC – BÌNH THUẬN: ĐỀ NGHỊ QUY ĐỊNH BỘ QP, BỘ GTVT VÀ CÁC BỘ LIÊN QUAN TỔ CHỨC ĐO ĐẠC, THÀNH LẬP HẢI ĐỒ THEO SỰ PHÂN CÔNG CỦA CHÍNH PHỦ

04/06/2018

Chiều 1/6, tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc – Bình Thuận đề nghị quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và các bộ có liên quan tổ chức đo đạc thành lập hải đồ theo sự phân công của Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc – Bình Thuận phát biểu tại Hội trường 

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ cùng các tài liệu có liên quan, đại biểu có ý kiến một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ, Điều 4, so với dự thảo luật được gửi lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, nguyên tắc trong hoạt động đo đạc và bản đồ đã được bổ sung vào khoản 1, nội dung bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và quốc phòng an ninh. Đại biểu hoàn toàn thống nhất bởi đây là nguyên tắc quan trọng trong hoạt động đo đạc và bản đồ. Tuy nhiên, tại khoản 2 dự thảo luật có nêu "thông tin dữ liệu sản phẩm phải đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đại biểu, quy định như thế là chưa đầy đủ, chặt chẽ.

Một trong những nguyên tắc rất quan trọng là phải phù hợp với địa giới hành chính các cấp. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung nguyên tắc này và khoản 2 Điều 4 được điều chỉnh như sau: "Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, phù hợp với địa giới hành chính các cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội".

Thứ hai, về thành lập bản đồ hành chính, Điều 26, qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy khoản 1 Điều 19 có nêu: "Đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính là hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh, giải quyết tranh chấp địa giới các đơn vị hành chính và xác định địa giới hành chính". Khoản 5 Điều 19 quy định: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quy định điểm đ khoản 2 điều này đối với cấp huyện, cấp xã". Như vậy, Điều 19 có quy định việc đo đạc và bản đồ địa giới hành chính cả cấp xã. Tuy nhiên, tại Điều 26 về thành lập bản đồ hành chính không thể hiện đối với cấp xã. Vì vậy, đại biểu đề nghị khoản 1 Điều 26 về thành lập bản đồ hành chính cần bổ sung thêm khoản đ, bản đồ hành chính cấp xã và khoản 3 sẽ được điều chỉnh lại là "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thành lập bản đồ hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thuộc phạm vi quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thành lập bản đồ hành chính" cho phù hợp với nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh đã được quy định tại điểm b khoản 5 Điều 19.

Toàn cảnh phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ

Thứ ba, về đo đạc thành lập hải đồ tại khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 27 quy định việc đo đạc thành lập hải đồ của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và của các bộ có liên quan. Theo đại biểu, việc thể hiện nội dung tại các khoản 4, 5, 6 là không rõ ràng, không thống nhất và đồng bộ giữa các khoản trong một điều. Cụ thể, khoản 4 có nêu Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện đo đạc thành lập hải đồ vùng biển Việt Nam và liền kề.

Khoản 5, Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện đo đạc thành lập hải đồ theo quy định của pháp luật về hàng hải.

Khoản 6, các bộ có liên quan tham gia đo đạc thành lập hải đồ theo sự phân công của Chính phủ, như vậy Bộ Quốc phòng thực hiện việc đo đạc thành lập hải đồ có phải tuân theo quy định của pháp luật như đã thể hiện ở khoản 5 quy định của Bộ Giao thông vận tải hay không hoặc Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải có phải thực hiện việc đo đạc thành lập hải đồ theo sự phân công của Chính phủ như đã thể hiện ở khoản 6 hay không.

Từ các lý do nêu trên, đại biểu đồng tình cần quy định cụ thể trách nhiệm Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải. Nhưng đề nghị khoản 4, khoản 5, khoản 6 gộp lại thành một khoản thể hiện như sau: Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải và các bộ có liên quan tổ chức đo đạc thành lập hải đồ theo sự phân công của Chính phủ. Thể hiện như thế là cụ thể, rõ ràng, đảm bảo sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện và đồng thời cũng đã nhấn mạnh được trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải trong việc đo đạc thành lập hải đồ. Còn trách nhiệm cụ thể sẽ theo sự phân công của Chính phủ.

Thứ tư, về điều kiện cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho nhà thầu nước ngoài. Tại điểm a khoản 2 Điều 52 có nêu "có quyết định trúng thầu và có hợp đồng với chủ đầu tư hoặc với nhà thầu hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, trong đó có nội dung về hoạt động đo đạc và bản đồ". Theo đại biểu, việc quy định như thế là mâu thuẫn, không phù hợp. Thực tế nếu nhà thầu nước ngoài chưa có giấy phép hoạt động tại Việt Nam thì không thể tham gia đấu thầu để có quyết định đấu thầu. Chủ đầu tư căn cứ cơ sở nào để ký hợp đồng, trường hợp nếu ký hợp đồng nhưng vì lý do nào đó không cấp phép hoạt động thì xử lý ra sao. Như vậy, việc quy định điều kiện cấp phép hoạt động cho nhà thầu nước ngoài cần được nghiên cứu và có quy định lại cho phù hợp với thực tế và đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động của nhà thầu nước ngoài.

Thứ năm, về cấp bổ sung, gia hạn, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, tại khoản 7 Điều 51, đại biểu cho rằng tính khả thi không cao. Việc giao cho cơ quan chuyên ngành thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nội dung công việc như trên dễ dẫn đến trường hợp cấp phép cho các doanh nghiệp chậm trễ vì tập trung quá nhiều việc về cơ quan trung ương. Hiện nay hoạt động đo đạc và bản đồ đã được xã hội hóa rất mạnh, thu hút rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu phân cấp cho phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong hoạt động đo đạc và bản đồ trong tình hình hiện nay.

Vân Ngọc

Các bài viết khác