ĐBQH ĐỖ THỊ LAN – QUẢNG NINH: HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2017 VÀ 2018 CÓ NHIỀU ĐỔI MỚI MANG LẠI HIỆU QUẢ CAO TRONG THỰC TIỄN

08/06/2018

Sáng 7/6, thảo luận ở Hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan - Quảng Ninh cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và 2018 được thực hiện một cách rất bài bản, chuyên nghiệp và có rất nhiều sự đổi mới mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan - Quảng Ninh phát biểu tại Hội trường

Qua nghiên cứu báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát của Quốc hội năm 2017 và triển khai thực hiện hoạt động giám sát năm 2018 và tờ trình dự kiến chương trình giám sát năm 2019 của Quốc hội, đại biểu Đỗ Thị Lan nhận thấy cần thiết phải có sự tham gia ý kiến về quá trình thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội trong thời gian vừa qua và từ đó có nội dung bổ sung trong nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát năm 2019.

Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và 2018 được thực hiện một cách rất bài bản, chuyên nghiệp và có rất nhiều sự đổi mới mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn. Hoạt động giám sát của Quốc hội được phát huy vai trò ở tất cả các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các cả các đại biểu Quốc hội. Về cách thức tổ chức giám sát linh hoạt, phù hợp, có chương trình giám sát tối cao của Quốc hội thì đích thân các đồng chí lãnh đạo Quốc hội cũng đã tực tiếp làm trưởng đoàn giám sát, có những hoạt động giám sát đã phải thực hiện từ 3 giờ sáng. Ví dụ như giám sát đối với hoạt động thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, hoạt động chất vấn của Quốc hội cũng là một trong những hoạt động giám sát quan trọng trong quá trình hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội thì các đại biểu Quốc hội cũng đã tiến hành chất vấn các nội dung cụ thể và việc điều hành giám sát cũng đã rất linh hoạt và đạt kết quả như mong muốn của cử tri, nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận

Giám sát giữa hai kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã làm rõ được một số vấn đề, ví dụ như giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện việc trình các dự án luật và việc liên quan đến thực hiện thẩm định các dự án luật, rồi giám sát về thực hiện chính sách người có công v.v... Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng đã chỉ rõ được kết quả, hạn chế, bất cập, kiến nghị những giải pháp để khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật cũng như là đưa ra những nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đang làm ảnh hưởng, ách tắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống của nhân dân. Nhiều cuộc giám sát của Quốc hội đã mang lại hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực góp phần thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình giám sát, trong thời gian vừa qua, đại biểu thấy có 2 vấn đề cần quan tâm:

Thứ nhất là việc thực hiện kiến nghị của các đoàn giám sát, sau giám sát thì vẫn còn có nơi, có chỗ, có cấp tổ chức chưa quan tâm, do vậy có thể giám sát xong thì các nội dung vấn đề đó cũng dừng lại tại đó.

Thứ hai là qua giám sát phát hiện thấy những vấn đề thuộc nội dung giám sát rồi nhưng còn có những vấn đề thuộc về những vấn đề cần phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì các đoàn giám sát cũng đã chỉ ra rất rõ và trong nghị quyết của Quốc hội cũng đã chỉ rất rõ. Tuy nhiên, việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này rất chậm, cũng đã có việc đưa vào sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các luật và đồng thời xây dựng các luật mới để đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, còn rất nhiều nội dung mà đại biểu thấy đã chỉ ra rất rõ. Ví vụ như những vấn đề bất cập trong thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, hay thể chế hóa những văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chủ trương của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan, hệ thống chính trị trong thời gian tới còn thiếu rất nhiều văn bản mà trong nghị quyết của Quốc hội cũng đã nêu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện khắc phục những vấn đề này, thời gian thực hiện cũng như thực hiện cụ thể những nội dung đã được kiến nghị và đã được thể hiện trong nghị quyết của Quốc hội còn chậm.

Việc thực hiện giải quyết những kiến nghị của cử tri trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu trong các kỳ họp, việc giải quyết những vấn đề kiến nghị của cử tri đã được các cấp, các ngành, Chính phủ quan tâm rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn có rất nhiều kiến nghị của cử tri được giải quyết, được trả lời bằng các văn bản nhưng nội dung còn rất chung chung. Cho đến nay, trước kỳ họp thứ 5 khóa XIV vẫn còn 126 kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm. Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa 2 nội dung nay vào trong nội dung, định hướng trong hoạt động giám sát của Quốc hội được thể hiện trong nghị quyết của Quốc hội. Có thể giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay các cơ quan của Quốc hội và định hướng cho các đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát. Đại biểu cũng mong muốn có một nội dung giám sát về việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện chủ trương về thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện các chủ trương của Trung ương. Ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan có liên quan, đây cũng là một nội dung đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm để có thể đưa vào trong nghị quyết của Quốc hội định hướng cho các cơ quan của Quốc hội giám sát trong thời gian tới.

Vân Ngọc

Các bài viết khác