ĐBQH TRẦN THỊ HIỀN - HÀ NAM: VIỆC XÉT DUYỆT PHẢI CHẶT CHẼ HƠN ĐỂ ĐẶC XÁ ĐÚNG NGHĨA LÀ ÂN HUỆ ĐẶC BIỆT

13/06/2018

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, sáng 11/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng công tác xét duyệt, thẩm định, đề xuất phải chặt chẽ hơn để đặc xá đúng nghĩa là ân huệ đặc biệt dành cho những người thực sự xứng đáng, không đặc xá số lượng quá lớn như hiện nay.

Đại biểu Trần Thị Hiền phát biểu tại phiên họp

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hiền cho biết, qua 10 năm với 7 lần đặc xá có khoảng 87.000 người được đặc xá, trong đó có khoảng 50.000 người, bằng 57% có việc làm và thu nhập ổn định khi trở lại cộng đồng. Tỷ lệ tái phạm vi phạm pháp luật trong số người được đặc xá là 1,16%. Từ thực tế này, đại biểu đồng tình quan điểm sửa đổi luật phải hướng tới nâng cao chất lượng công tác đặc xá, khắc phục tình trạng số lượng người được đặc xá quá lớn, bảo đảm ý nghĩa đặc biệt và giá trị khác biệt cơ bản của đặc xá so với chính sách khoan hồng khác dành cho những người thực sự xứng đáng. Đại biểu xin tham gia 2 vấn đề sau:

Thứ nhất, giá trị của đặc xá với tính chất là ân huệ đặc biệt được hiến định thuộc thẩm quyền của người đứng đầu nhà nước có gì khác biệt so với hình thức khoan hồng khác. Ví dụ miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Vấn đề này chưa được thuyết minh làm rõ trong tờ trình cũng như tài liệu khác. Theo khái niệm đặc xá nêu tại khoản 1 Điều 3 dự thảo luật giá trị của đặc xá đối với người được nhận ân huệ này là tha tù trước thời hạn. Như vậy, đặc xá chỉ tác động đến chấp hành phần hình phạt chính trong bản án đã tuyên không làm thay đổi hình phạt bổ sung. Đề nghị cân nhắc thêm vấn đề này đặc biệt với người bị tuyên một số hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân vì các lý do sau.

Lý do thứ nhất, tỷ lệ 57% người được đặc xá có việc làm và thu nhập ổn định phần nào cho thấy con đường hoàn lương không dễ dàng. Thực tế không ít doanh nhân, những nhà quản lý, người có chuyên môn sâu vướng vào vòng lao lý từ chính kinh nghiệm phải trả giá bằng những năm tháng mất tự do họ có khao khát được làm lại cuộc đời nhưng khi được đặc xá rồi cơ hội mưu sinh phấn đấu của họ tạm thời bị chặn lại bởi hình phạt bổ sung bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Dù được tự do nhưng hòa nhập cộng đồng thực sự chỉ đến với họ khi chấp hành xong hình phạt bổ sung để được xóa án tích và cấp phiếu lý lịch tư pháp có giá trị che giấu án tích khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Cần thấy rằng các hình phạt bổ sung này tác động và để lại hậu quả khác nhau đối với người ở những độ tuổi khác nhau. Đại biểu nhận thức rằng việc sửa đổi quy định về đặc xá cần bảo đảm mối tương quan giữa thực hiện chính sách khoan hồng đặc biệt với tính nghiêm minh trong thực thi bản án của Tòa án, tránh tạo ra khả năng lạm dụng chính sách nhân văn của nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng để củng cố giá trị nhân văn của chính sách khoan hồng đặc biệt này, việc mở rộng giá trị của đặc xá bao gồm cả xem xét, miễn nhiệm giảm một số hình phạt bổ sung nhằm tiếp lửa một cách thực chất cho con đường hoàn lương của những người thực sự xứng đáng được đặc xá rất cần được nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo.

Lý do thứ hai, nếu coi đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt chỉ dành cho những người thực sự ăn năn hối cải, có thành tích tốt, đã chứng minh được sự tiến bộ của mình trong quá trình chấp hành án và việc đưa họ quay lại hòa nhập cộng đồng không ảnh hưởng gì đến an ninh, trật tự xã hội thì việc xem xét miễn, giảm hoặc giảm thời gian chấp hành các hình phạt bổ sung nói trên mới thực sự tạo ra sự khác biệt cơ bản về giá trị của đặc xá ở khía cạnh tạo động lực đối với người bị kết án phạt tù, tạo điều kiện thuận lợi để họ có cơ hội phấn đấu hoàn lương, trở thành người có ích cho xã hội, đồng thời điều này cũng đòi hỏi công tác xét duyệt, thẩm định, đề xuất phải chặt chẽ hơn để đặc xá đúng nghĩa là ân huệ đặc biệt dành cho những người thực sự xứng đáng, không đặc xá số lượng quá lớn như hiện nay.

 

Mai Trang

Các bài viết khác