ĐBQH ĐỖ NGỌC THỊNH - KHÁNH HOÀ: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CỤ THỂ THẾ NÀO LÀ SỰ KIỆN TRỌNG ĐẠI CỦA ĐẤT NƯỚC

13/06/2018

Sáng 11/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị Chính phủ cần làm rõ và quy định cụ thể thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu tại phiên họp

Góp ý kiến vào dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), về phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự thảo luật, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, do dự thảo luật có phạm vi sửa đổi rộng, sửa đến 18/36 điều, bổ sung 3 điều mới, nhiều nội dung sửa đổi là chính sách lớn, cơ bản của Luật Đặc xá năm 2007 nên việc sửa đổi tên của dự thảo luật là Luật Đặc xá (sửa đổi) là phù hợp.

Hai, về thời điểm đặc xá, Điều 5 dự thảo luật quy định, đại biểu tán thành với dự thảo luật giữ nguyên quy định của luật hiện hành về 3 thời điểm đặc xá gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ quy định cụ thể thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước, ví dụ ngày bầu cử Quốc hội, ngày Đại hội Đảng toàn quốc có là sự kiện trọng đại của đất nước không? Đối với trường hợp nhân ngày lễ lớn của đất nước chỉ nên quy định chỉ đặc xá vào những năm chẵn vì việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015 được thực hiện 3 lần mỗi năm Điều 368 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu đặc xá với những thời điểm ngắn quá sẽ làm mất ý nghĩa của việc đặc xá.

Ba, về điều kiện được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước. Điều 10 dự thảo luật quy định về đối tượng đặc được xá để khắc phục được tình trạng đặc xá với số lượng lớn như thời gian vừa qua nên chăng chỉ quy định áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định như quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 10 của dự thảo luật. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị không nên áp dụng đặc xá đối với những người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII các tội xâm phạm an ninh quốc gia, Chương XVI các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, Điều 299 tội khủng bố của Bộ luật Hình sự.

Về điều kiện được đề nghị đặc xá đối với những đối tượng nêu trên nên lới lỏng điều kiện đề nghị đặc xá so với quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể nên giữ như quy định của Luật Đặc xá hiện hành là đã chấp hành được ít nhất 1/3 đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân. Đồng thời bỏ quy định phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí trừ những người bị phạt tù về tội tham nhũng hoặc do Chủ tịch nước quy định như Luật Đặc xá hiện hành quy định.

Bốn, về người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt tại Điều 21 đặc xá trong trường hợp đặc biệt có thể hiểu là việc đặc xá không tiến hành theo đợt đặc xá và chỉ để đáp ứng yêu cầu của đối ngoại, của nhà nước. Do vậy, nên chăng chỉ quy định trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối ngoại của Nhà nước bỏ quy định yêu cầu đối nội.

Năm, về thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài tại Điều 19 dự thảo luật. Về cơ bản đại biểu tán thành với quy định tại Điều 19 của dự thảo luật. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc quy định về lưu trú nên chăng quy định trong trường hợp người nước ngoài được đặc xá nhưng cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của họ chưa đến nhận thì cơ quan công an tạo điều kiện cho họ tự trở về nước.

Đối với người nước ngoài được đặc xá đề nghị bỏ các quy định tại các điểm b, điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 20 và khoản 3 Điều 23 dự thảo vì những quy định này không phù hợp với người được đặc xá là người nước ngoài.

 

Mai Trang

Các bài viết khác