BỘ TRƯỞNG BỘ TN&MT TRẦN HỒNG HÀ: BIẾN TRƯỜNG HỌC TRỞ THÀNH NƠI GIỮ XE NGÀY ĐÊM LÀ DO CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHƯA ĐẾN NƠI ĐẾN CHỐN

25/07/2018

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra giải pháp cụ thể để chuyển đổi mục đích sử dụng đất xen kẹt giữa khu dân cư; đồng thời khắc phục tình trạng biến trường học thành nơi trông giữ xe ngày đêm.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Chưa có một chính sách chuyển đổi chung cho các mảnh đất xen kẹt

Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội Phùng Văn Hùng - Cao Bằng đề cập tới vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng của những mảnh đất xen kẹt giữa các khu dân cư. Đại biểu chỉ ra rằng, ở những khu đất này, người dân gặp rất nhiều khó khăn, bán không được mà xây nhà để ở thì cơ quan chính quyền đến đập chỉ vì nguồn gốc của mảnh đất không phải là đất thổ cư. Nếu chấp nhận bán đất đó cho một số đầu lậu với giá thấp hơn nhiều giá thị trường có khi thì mọi việc sẽ suôn sẻ. Tuy nhiên số tiền chênh lệch đó, người dân thì mất, nhà nước cũng không thu được. Từ vấn đề trên đại biểu đặt ra câu hỏi, Bộ trưởng Bộ TN &MT có biết tình trạng này không? Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với vấn đề này như thế nào? Tại sao ta chưa có một chính sách chuyển đổi chung cho các trường hợp này chặt chẽ, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân để người dân không bị thiệt thòi, nhà nước không bị thất thoát nguồn thu?

Đại biểu Quốc hội đưa ra câu hỏi chất vấn

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đất xen kẹt mà đại biểu đề cập đến thông thường đây là tại các đô thị, các thành phố như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vấn đề này, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đồng ý cho Ủy ban nhân dân 2 thành phố đó thí điểm trong việc giải quyết đất xen kẹt. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng giải thích rõ, theo quy hoạch trước đây, đất xen kẹt không phải đất ở, không phải đất thổ cư mà là đất nông nghiệp xen kẹt với đô thị, còn nếu theo quy hoạch hiện nay nó chính là đất đô thị và đất thổ cư. Hai thành phố là Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh đang thí điểm tính toán ghép các mảnh đất này xen vào nhau tiến hành đấu giá để đầu tư nếu đấy là những khu đất có vị trí có thể thương mại; hoặc thực hiện việc bố trí đất đó làm các công trình công cộng để phục vụ khu dân cư.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, những mảnh đất xen kẹt này chưa hoàn toàn được quản lý. Theo Bộ trưởng, về mặt chủ trương thì đây chính là đất đô thị và đất thổ cư, nếu phù hợp với quy hoạch, sẽ phục vụ cho những công trình thương mại, nếu nó không thuộc quy hoạch thì nên bố trí cho các nhu cầu công cộng.

Không thể biến các trường học trở thành nơi giữ xe ngày đêm

Gửi đến Bộ trưởng Trần Hồng Hà câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Ninh Thuận cho rằng, việc quản lý sử dụng đất đai ở các đô thị hiện nay gây lãng phí ghê gớm nguồn lực về đất đai. Đại biểu đưa ra ví dụ, các đô thị hiện nay rất thiếu chỗ đỗ xe, đề xuất xây bãi đỗ xe thì được trả lời là không có quỹ đất. Tuy nhiên mới đây, Hà Nội tự rà soát thì phát hiện ra 499 bãi trông giữ xe trái phép; chưa kể, tiền trông giữ xe không biết chảy về đâu? Ngoài ra, hầu hết các trường học đều bị biến thành điểm trông giữ xe ngày và đêm. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng vai trò quản lý đất đô thị thuộc về Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố; liên quan đến từng cấp, kể cả cấp quận, cấp huyện, cấp phường, cấp xã. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu rõ, trên thực tế, chúng ta đã có quy hoạch sử dụng đất đai; có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Cụ thể quy hoạch xây dựng thì có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Bộ trưởng cũng cho rằng vấn đề đại biểu phản ánh liên quan đến khâu quản lý các quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất đã cấp cho các cơ quan sự nghiệp, các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị quản lý nhà nước, đất của nhiều dự án.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra rằng, các dự án nói không có quỹ đất thì cũng có nhiều nguyên nhân, có phần lỗi của Bộ là chưa bố trí khi quy hoạch đất đai cho địa phương đó. Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận Hà Nội chỉ có 7% trong quỹ đất cho giao thông tĩnh và giao thông động, trong khi nhiều nước họ phải làm các công trình ngầm và công trình liên quan đến giao thông tĩnh, thông minh. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nhu cầu về bãi đỗ xe của các đô thị là rất lớn, thời gian qua tuy đã sử dụng các quỹ đất có thể đưa vào làm các khu trông giữ xe nhưng do quản lý kém nên đã sử dụng không đúng mục đích; nguồn thu từ những bãi trông giữ xe này chúng ta cũng không nắm được.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu rõ, thông qua ví dụ của đại biểu nổi lên cả vấn đề triển khai cụ thể hóa quy hoạch; vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp có nhiều quỹ đất chưa sử dụng. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình việc biến các trường học, trường đại học trở thành nơi giữ xe ngày đêm. Bộ trưởng cho rằng để xảy ra tình trạng này là do công tác quản lý chưa đến nơi đến chốn; không đảm bảo an toàn môi trường và không đúng quy hoạch. Do đó, theo Bộ trưởng, cần phải có tính toán quy hoạch một cách căn cơ, có tiêu chí và nhiều biện pháp xử lý vấn đề bãi đỗ xe trong thời gian tới./.

Hồ Hương

Các bài viết khác