ĐBQH HỒ THANH BÌNH - AN GIANG: BIỆN PHÁP ỨNG PHÓ NÀO CHO CHÍNH SÁCH BẢO HỘ THƯƠNG MẠI CỦA MỸ?

13/08/2018

Ngày 15/6/2018, Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, về những biện pháp bảo hộ mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ trước những chính sách bảo hộ thương mại đơn phương của nước này.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang chất vấn Bộ Công thương
 
Nội dung chất vấn của Đại biểu như sau:
 
“Việc xuất khẩu cá tra và tôm vào thị trường Mỹ thường xuyên gặp trắc ngại, khó khăn do chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ dưới nhiều hình thức chống bán phá giá và hàng rào kỹ thuật. Nhiều biện pháp bảo hộ thương mại rất vô lý như áp đặt thuế chống bán phá giá hiện tại vào đầu năm 2018. Các biện pháp truyền thống mà Việt Nam áp dụng như chính trị, ngoại giao, hiệp hội ngành nghề có tác dụng tích cực nhưng không ngăn chặn được dứt điểm hành vi bảo hộ thương mại đơn phương của phía Mỹ. Hiện nay Mỹ đã có nhiều mặt hàng nông sản như trái cây, thịt, nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc nhập khẩu vào Việt Nam với giá trị lớn và tăng dần. Bộ trưởng đã cân nhắc biện pháp gì để bảo hộ cá tra và tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ để góp phần tạo đối trọng răn đe các hành động bảo hộ đơn phương của Mỹ trước mắt và lâu dài?
 
Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời chất vấn như sau:
 
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt 380,2 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ; trong đó 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra đều đạt tăng trưởng dương, cụ thể tôm đạt 160 triệu USD, chiếm 44,5%, tăng 2,5%, cá tra đạt 110,7 triệu USD, chiếm 27,5%, tăng 22,7%.
 
Trong xu thế toàn cầu hóa, khi các rào cản thuế quan ngày càng được cắt giảm, các nước có xu hướng gia tăng sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) và các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Đây là khó khăn, thách thức với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và cá tra, tôm nói riêng. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ nêu trên phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
 
Thời gian qua, Mỹ đã áp đặt mức thuế cao lịch sử đối với mặt hàng cá basa, tôm xuất khẩu của Việt Nam 
 
Trong thời gian qua, với quan điểm quyết liệt “lợi ích Hoa Kỳ trên hết”, Hoa Kỳ đã liên tiếp thực hiện các chính sách bảo hộ thương mại như áp thuế chống bán phá giá cao bất hợp lý đối với cá tra, tôm xuất khẩu của VN thông qua việc thay đổi phương pháp xác định biên độ bán phá giá và thông lệ điều tra )mức thuế chống bán phá giá cá tra - basa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường, có thể nói là bảo hộ quá mức); thực hiện quyết liệt Chương trình thanh tra cá da trơn theo Đạo luật Farm Bill; áp dụng Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu áp dụng với 17 loài thủy sản khác nhau, theo đó tôm và một số loại hải sản khác sẽ phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc cũng nhưu quy trình bảo quản, chế biến, phân phối (dự kiến Bộ Thương mại Hoa Kỳ có thẻ sẽ ban hành Chương trình vào tháng 11 năm 2018). Các động thái nêu trên của Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tiếp tục gây tác động bất lợi đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.
 
Đối với các biện pháp chống bán phá giá và các hàng rào kỹ thuật của Hoa Kỳ với cá tra và tôm xuất khẩu của Việt Nam, một mặt Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản và các doanh nghiệp đấu tranh ở nhiều kênh khác nhau như chính trị, ngoại giao, đấu tranh pháp lý, mặt khác hướng dẫn các doanh nghiệp phối hợp đầu đủ với các cơ quan của Hoa Kỳ để giảm thiểu tác động tới ngànnh thủy sản của ta. Đặc biệt, đối với những biện pháp của Hoa Kỳ có dấu hiệu vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ khởi kiện Hoa Kỳ tại Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Cụt hể, đối với vụ việc ta khở kiện biện pháp chống bán phá giá tôm của Hoa Kỳ, Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO đã đưa ra kết luận cuối cùng với hầu hết phán quyết có lượi cho Việt Nam. Hiện tại, Bộ Công thương đang phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản và doanh nghiệp tiếp tục khởi kiện Hoa Kỳ tại WTO đối với biện pháp chống bán phá giá cá tra - basa và chương trình giám át cá da trơn.
 
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
 
Để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, những biện pháp bảo hộ quá mức, không phù hợp với cam kết quốc tế, gây khó khăn c ho xuất khẩu của Việt Nam như đã nêu trên, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hiện nay CVT đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai một số công tác sau: (i) Chủ động hướng dẫn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đấu tranh và khở kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO các sắc thuế phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ bất hợp lý, vi phạm quy định của WTO; (ii) Tăng cường cơ chế cảnh báo sớm, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng; (iii) Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đấu tranh đồng bộ trên các phương diện kỹ thuật - pháp lý, chính trị - ngoại giao - kinh tế để đảm bảo quyền lợi tốt nhất của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
 
Các biện pháp phòng vệ thương mại nếu được sử dụng một cách đúng đắn sẽ là những công cụ hữu hiệu, phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, trong đó có các ngành nông sản. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý ngoại thương và ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương, góp phần củng cố và hoàn thiện khung pháp lý cho việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại này. Trên cơ sở các quy định trong Luật và Nghị định, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phối hợp với các Bộ, ngành và các doanh nghiệp nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, trong đó có các mặt hàng nông sản, thủy sản, theo đúng cam kết quốc tế cũng như pháp luật trong nước.
 
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang bám sát diễn biến tình hình thị trường, nghiên cứu và tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Mỹ La - tinh, Trung Đông) nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho cá tra và tôm Việt Nam, góp phần giảm thiểu các tác động bất lượi đang phải đối mặt tại thị trường Hoa Kỳ./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội