ĐBQH DƯƠNG TRUNG QUỐC: ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI VẬN ĐỘNG "HÀNG VIỆT NAM CHINH PHỤC NGƯỜI VIỆT NAM"

20/08/2018

Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, đã đưa ra ý kiến chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xung quanh vấn đề vận động người dân phát triển hàng hoá Việt.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chất vấn 

Nội dung chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc tập trung về việc cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mặc dù được phát động cách đây 17 năm, là một chủ trương lớn và đã có hiệu quả thiết thực. Nhưng trước sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thực tế, đã đến lúc cần phải thay đổi tâm thế để chuyển thành cuộc vận động “hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” nhằm phát triển ngay tại thị trường trong nước.

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trả lời phỏng vấn

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có ý kiến chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Vậy, cụ thể nội dung chất vấn của đại biểu được tập trung vào khía cạnh nào?

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được phát động cách đây đã 17 năm. Mặc dù, đây là một chủ trương lớn và đã có hiệu quả thiết thực nhưng theo tôi, đã đến lúc cần thay đổi. Trong khi các rào cản giám sát của các nền kinh tế tiên tiến của thế giới buộc chúng ta phải làm ăn đàng hoàng thì việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam khiến thị trường trong nước bị một số doanh nghiệp lợi dụng tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Mặt khác, trên thực tế, năng lực và chất lượng sản phẩm Việt đã có nhiều thay đổi tích cực, bằng chứng là hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường "khó tính" ngày càng nhiều. Vì thế, đã đến lúc kêu gọi "ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cần được xem lại; đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tâm thế để chuyển thành cuộc vận động "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" để chinh phục ngay thị trường ngót trăm triệu dân đang bị nhiều doanh nghiệp nước ngoài chinh phục.

Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xung quanh vấn đề đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta phải đặt vấn đề rằng “hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Tức là đầu tiên chúng ta phải coi đó là nền sản xuất phục vụ cho chính đồng bào của mình. Tôi cũng rất vui mừng vì khi trao đổi với Thủ tướng, ngay từ đầu Thủ tướng đã rất ủng hộ đề xuất này. Điều đó, thể hiện ở phát biểu của Thủ tướng khi tiếp xúc với các doanh nhân vào tháng 5 năm trước. Tuy nhiên, khi tôi đặt vấn đề là tại sao chúng ta không triển khai thì rõ ràng phải có 1 khâu chuẩn bị. Hơn nữa, chúng ta biết rằng cuộc vận động “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” là do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do Trung ương đưa ra nên nó cần phải có 1 sự chuyển hóa nào đó và phải có một sự chuẩn bị đầy đủ.

Người dân mua sắm hàng tiêu dùng trong nước 

Phóng viên: Thời gian qua, hàng loạt các vụ việc liên quan đến hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng bị phanh phui mà điển hình như các vụ việc mà đại biểu đã đề cập đến trong văn bản chất vấn khiến dư luận bất bình. Theo quan điểm của đại biểu, những vấn đề này đang phản ánh thực trạng gì của thị trường Việt Nam?

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Đương nhiên trong sự phát triển, cạnh tranh sẽ có sự loại bỏ. Về căn bản, tôi cho là nếu chúng ta đặt hàng nội địa đúng vị thế chúng ta sẽ phát huy được mặt tích cực. Câu chuyện của Nhật Bản chẳng hạn, hàng nội địa bao giờ chất lượng cũng phải là cao nhất, tốt nhất, có thể gạt bỏ 1 phần những cái hào nhoáng bên ngoài nhưng phải là chất lượng cao nhất. Bởi hàng nội địa trước hết là để phục vụ cho đồng bào của mình và đồng bào của mình chính là "bệ phóng" để các doanh nghiệp sản xuất trong nước vươn ra xa hơn.

Phóng viên: Để xảy ra những xảy ra thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng thì bên cạnh những nguyên nhân khách quan vẫn còn những nguyền nhân chủ quan cũng như không loại trừ việc có lợi ích nhóm, thậm chí có hiện tượng tiếp tay bảo kê cho những sản phẩm là hàng nhái hàng giả hàng kém chất lượng có cơ hội lưu thông trên thị trường. Quan điểm của Đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Vẫn còn tồn tại một số tiêu cực, hạn chế nhất là khi hoạt động kinh tế mang lại những lợi ích rất cụ thể, trực tiếp. Vì thế, tôi nghĩ là phải tạo ra một hệ thống giá trị xã hội được tạo ra trên cơ sở nhận thức mang lại lợi ích thực sự. Rõ ràng, nếu doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tốt thì doanh nghiệp sẽ có chỗ đứng trong đời sống và có điều kiện để phát triển mang lại lợi ích trước hết là cho doanh nghiệp bên cạnh đó là đóng góp cho xã hội. Nhà nước phải xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ tạo ra một môi trường thuận lợi để cho doanh nghiệp phát triển. Lâu nay, tôi vẫn cảm giác là chúng ta vẫn đang rải thảm đỏ cho người ngoài vào nhà mà quên mất rằng chính trong nhà chúng ta cũng cần có thảm đỏ để được hưởng thụ những ưu tiên đó.

Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ nguyên nhân nào khiến đại biểu cho rằng cần phải thay đổi tâm thế để chuyển cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  thành “hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”?

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Trước hết là từ thực tiễn đời sống chứng minh, thuyết phục chúng ta. Tôi thấy rất nhiều sản phẩm của chúng ta tốt mà rõ ràng hiện nay thể hiện ở năng lực xuất khẩu. Chúng ta nhớ câu chuyện cá basa, ta cứ mải mê xuất khẩu trong khi chính người Việt Nam cũng chưa hiểu cá basa là gì và chưa có trên mâm cơm của người Việt. Tại sao lại như vậy? Và hàng Việt Nam của chúng ta đã đạt tới một trình độ như thế tại sao chúng ta không mạnh dạn, tự tin chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam . Một thị trường gần 100 triệu dân, thị trường mà các nước đang kéo đến vậy mà chúng ta lại cảm thấy nhỏ bé. Hơn thế nữa, tôi nghĩ đã đến lúc đội ngũ những doanh nhân Việt Nam họ phải có quyền ở một vị thế cao hơn trước để họ tiếp tục phấn đấu.

Phóng viên: Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo hết sức quyết liệt và cụ thể. Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn đang bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh, các doanh nghiệp Việt Nam thì vẫn loay hoay tìm đường xuất khẩu hay câu chuyện "giải cứu" vẫn cứ lặp lại từ năm này qua năm khác... Theo quan điểm của đại biểu, những cơ quan chức năng, đặc biệt những người đứng đầu, sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Tôi nghĩ vấn đề ở đây là vấn đề tổ chức xã hội, chức năng quản lý nhà nước vẫn còn bị buông lỏng. Chúng ta vẫn mải mê những chuyện khác nhiều hơn, vẫn còn hiện tượng vì lợi ích trước mắt chưa vì lợi ích lâu dài. Nhưng dù sao cũng phải nhìn thấy rõ, có những chuyển động tích cực. Ví dụ chuyện xuất khẩu nông sản đặc biệt là hoa trái là lợi thế rất lớn nhưng rõ ràng việc tổ chức phải nằm trên 1 hệ thống và phải được điều chỉnh bằng quy luật kinh tế thì chính vai trò Nhà nước phải làm chuyện đó. Chúng ta thấy vai trò Nhà nước ở đây chưa được phát huy đúng mức cho nên người đân mới bước vào thời kỳ chuyển đổi này còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Nhà nước phải tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân nhập cuộc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

 

Lê Anh