DỰ THẢO LUẬT GIÁO DỤC (SỬA ĐỔI): CÂN NHẮC VỀ KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA

28/08/2018

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Trên cơ sở xin ý kiến các đại biểu, Quốc hội đã thống nhất mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và đổi tên dự án Luật thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Hiện nay một trong những nội dung được nhiều đại biểu, chuyên gia và cử tri quan tâm góp ý là quy định về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Trước những bất cập về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như: Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông trung bình những năm gần đây đều vượt trên 90%, thậm chí, nhiều địa phương xấp xỉ 100%; gian lận kết quả thi tại một số địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018;… Theo ý kiến của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng đồng thời tham vấn rộng rãi ý kiến của các chuyên gia và cử tri để lựa chọn phương án tốt nhất với mục tiêu là nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa trả lời phỏng vấn

Phóng viên: Thưa đại biểu, vừa qua kỳ thi trung học phổ thông quốc gia với những sai phạm về kết quả điểm thi tại một số địa phương, đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào thì kỳ thi trung học phổ thông quốc gia những năm gần đây?  

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Vấn đề sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua đã gây nên 1 dư luận xã hội không tốt, khiến xã hội nghi ngờ về tính trung thực của kỳ thi. Hệ lụy của việc thi cử như vừa qua đã tạo ra sự không công bằng và 1 bộ phận học sinh sẽ bị chịu thiệt khi một số học sinh khác được nâng điểm. Việc nâng điểm cho một số học sinh làm ảnh hưởng, thay đổi toàn bộ kết quả thi. Đây chính là vấn đề mà chúng ta cần phải xem xét, xử lý nghiêm minh và rút kinh nghiệm. Vừa qua, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ đã dành thời gian để thảo luận về quy định thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu, ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia và đại biểu Quốc hội về dự luật này. 

Họp báo công bố sai phạm thi cử tại Hà Giang

Phóng viên: Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung bình những năm gần đây đều vượt trên 90%, thậm chí, nhiều địa phương xấp xỉ 100% cùng với việc các trường đại học, cao đẳng được tự chủ về phương thức tuyển sinh khiến dư luận nghi ngại về việc có tiếp tục giữ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hay không? Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Trước những bất cập của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia khiến các chuyên gia cũng như cử tri đặt ra vấn đề có nên tiếp tục duy trì việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Hiện nay, có nhiều ý kiến trái chiều và đang tranh luận là có nên hay không nên thi phổ thông trung học và cách thức tổ chức thi đại học như thế nào để nâng cao chất lượng.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã đi hết các phương pháp rồi, thi phổ thông trung học sau đó thi đại học; các trường tổ chức thi đại học và tổ chức thi đại học theo đề chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, vẫn cứ vướng mắc đâu đó và đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có 1 lối thoát, 1 cách thức phù hợp. Hiện nay, thi tốt nghiệp phổ thông trung học nhưng kết quả đỗ đến 95%, thậm chí nhiều địa phương xấp xỉ 100% thì vấn đề đặt ra là có tổ chức thi hay không tổ chức thi. Nhìn vào kết quả thi như vậy thì việc bỏ thi phổ thông là đúng vì không thực chất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, đi học mà không thi thì liệu rằng chúng ta có đánh giá được chất lượng học sinh hay không và học sinh khi không phải thi liệu có quyết tâm để học cho tốt hay không?

Thí sinh tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 

Phóng viên: Thưa đại biểu, Luật Giáo dục (sửa đổi) đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện. Theo ý kiến của đại biểu, nội dung về kỳ thi trung học phổ thông cần quy định trong dự thảo Luật như thế nào cho phù hợp?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Tôi nghĩ rằng, tất cả ý kiến của dư luận xã hội và các ý kiến khác đưa ra chúng ta phải nghiên cứu, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng để lựa chọn 1 phương pháp tốt nhất với mục tiêu nâng cao được chất lượng giáo dục đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta đang chuẩn bị tiếp nhận cách mạng công nghiệp 4.0 mà nền giáo dục như hiện nay thì rất khó khăn trong bối cảnh hội nhập. Hiện nay, Quốc hội đang xem xét sửa Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học cho phù hợp và đảm bảo tính khả thi trên thực tế. Trong quá trình sửa đổi, cần tính toán từng điều, khoản cụ thể đảm bảo tính chặt chẽ; thống nhất trong hệ thống pháp luật. Việc sửa đổi phải nhằm tạo ra 1 cơ chế, chính sách vừa thông thoáng, công khai, minh bạch vừa đảm bảo nâng cao được chất lượng đào tạo. Thiết nghĩ, trong việc tổ chức thi cần siết chặt cả đầu vào lẫn đầu ra.

Theo tôi, nên khuyến khích tốt nghiệp phổ thông trung học ở mức độ trung bình. Trên cơ sở có bằng tốt nghiệp, học sinh có thể đi học nghề đào tạo, công nhân kỹ thuật, trở thành người lao động có thu nhập ngay. Số còn lại, những học sinh thực sự có năng lực, thực sự giỏi thì chúng ta mới bắt đầu đào tạo đến hệ đại học trở lên. Lựa chọn phương án nào và quy định cụ thể ra sao về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét thận trọng và tiếp tục xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia và đông đảo cử tri cả nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh