ĐBQH NGUYỄN THỊ YẾN - TP.HCM: LÀM RÕ QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM, TÁI THẨM

19/09/2018

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Ni sư Thích nữ Tín Liên), Đoàn ĐBQH Tp.HCM đã có văn bản chất vấn Chánh án Toà án nhân dân tối cao về Quy trình giải quyết đơn đề nghị Giám đốc thẩm, tái thẩm; trách nhiệm thông báo của Toà án sau khi nhận đơn đề nghị Giám đốc thẩm, tái thẩm; và về việc người dân có quyền khởi kiện hay không khi bản án có hiệu lực pháp luật...

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Ni sư Thích nữ Tín Liên), Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 15/11/2017, Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản số 552 trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Yến. Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, quy chế giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, thông báo đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khá đầy đủ, chi tiết. Tuy nhiên, thực tiễn tiếp xúc cử tri thì tình hình khiếu kiện vượt cấp, kéo dài vẫn diễn ra. Ở địa phương còn tồn tại tình trạng bản án có hiệu lực pháp luật nhưng Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kéo dài thời gian thi hành bản án.

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Vậy, đại biểu cho biết cụ thể nội dung chất vấn được tập trung vào khía cạnh nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Ni sư Thích nữ Tín Liên), Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tôi đã có văn bản chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Nội dung chất vấn tập chung vào 3 vấn đề chính: Thứ nhât, đề nghị làm rõ quy trình giải quyết đơn trong giám đốc thẩm và tái thẩm. Thứ hai, khi nhận đơn để giám đốc thẩm/tái thẩm, Tòa án có cần thiết phải báo nguyên đơn và bị đơn thời gian giải quyết của mình là trong bao lâu không? Thứ ba, đề nghị Chánh án cho biết khi bản án của Tòa án nhân dân tỉnh đã ban hành, có hiệu lực thi hành mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh lấy lý do này lý do khác kéo dài đến hai năm không thi hành án thì người dân có quyền khởi kiện tiếp hay không và thủ tục cụ thể ra sao?

Phóng viên: Ngày 15/11/2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản trả lời chất vấn. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Ni sư Thích nữ Tín Liên), Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Nhận được văn bản số 552 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc trả lời chất vấn, tôi thực sự rất hài lòng và đánh giá cao nội dung trả lời của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Văn bản trả lời rất là công phu, chi tiết thể hiện được đầy đủ những nội dung mà đại biểu và cử tri quan tâm. Bên cạnh đó còn cung cấp rõ Quy chế về tiến trình, quy trình giải quyết giám đốc thẩm như thế nào để giúp đại biểu và cử tri hiểu rõ hơn về quy trình tố tụng.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Ni sư Thích nữ Tín Liên) trao đổi với phóng viên về nội dung trả lời chất vấn của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao

Phóng viên: Trong văn bản trả lời chất vấn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã viện dẫn đến Quy chế giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, thông báo đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về Quy chế này?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Ni sư Thích nữ Tín Liên), Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Quy chế này khá dài, gồm 32 điều. Trong đó, có quy định rất cụ thể về tiến trình khi nhận được hồ sơ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì bộ phận văn phòng cần thực hiện những công việc gì. Tiếp đó, theo nguyên tắc ngẫu nhiên, khách quan, Phó Chánh án được ủy quyền phân công Thẩm phán trong Tổ Thẩm phán giải quyết văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Phó Chánh án phụ trách báo cáo Chánh án về việc phân công Thẩm phán và kết quả giải quyết văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy, quy trình cụ thể việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân tối cao đã được hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể tại Quy chế giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, thông báo đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân.

Phóng viên: Đối với chất vấn về thời hạn giải quyết của Tòa án sau khi nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời, thời hạn giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là 09 tháng, vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 12 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc. Theo đại biểu khoảng thời gian như vậy đã hợp lý hay chưa?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Ni sư Thích nữ Tín Liên), Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Tôi đã nghiên cứu kỹ Quy chế giải quyết, trong đó có quy định tại Điều 15 Quy chế hướng dẫn: Các Vụ Giám đốc kiểm tra của Tòa án nhân dân tối cao, Phòng Giám đốc kiểm tra của Tòa án nhân dân cấp cao có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ việc, xây dựng tờ trình, lập tiểu hồ sơ báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 3 tháng (trường hợp đặc biệt không quá 06 tháng) kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc đối với các trường hợp: Vụ việc khiếu nại bức xúc, kéo dài hoặc có ý kiến của nhiều phương tiện thông tin đại chúng, vụ việc có ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao yêu cầu khẩn trương giải quyết, vụ việc có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án, vụ việc mà Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm để giải quyết lại. Đối với các vụ việc không thuộc trường hợp nêu trên thì thời hạn giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là 09 tháng, vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 12 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc. Tôi nghĩ đây là khoảng thời gian hợp lý.

Phóng viên: Có 1 thực tế là Tòa án nhân dân cấp cao hiện đang bị quá tải trong việc giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm và tái thẩm. Vậy theo đại biểu nguyên nhân do đâu? và cần có giải pháp gì để giảm tải cho các cấp tòa án?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Ni sư Thích nữ Tín Liên), Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Trong thời gian gần đây những khiếu tố, kiếu nại rất nhiều. Chúng ta thấy rằng, khiếu nại không dừng lại ở 1 lần giải quyết cho nên các tòa án nhân dân ở cấp tỉnh và tối cao thường đơn bị tồn đọng rất nhiều. Việc tồn đọng như vậy bởi tâm lý người dân bao giờ cũng muốn theo kiện đến tận cùng, đến cấp nào giải quyết có lợi cho họ hơn. Để giải quyết tình trạng này, cần làm rõ quyền kháng cáo, phúc thẩm là của người dân. Tuy nhiên có trường hợp nếu xét thấy lý do không chính đáng mà người dân cứ đưa đơn lên cấp trên gây tồn đọng và gây khó khăn trong quá trình giải quyết thì cũng nên có chế tài để khi kháng cáo, người dân phải có cân nhắc,suy xét hợp lý thì mới kháng cáo để hạn chế tình trạng kháng cáo tràn lan gây lãng phí.

Phóng viên: Thưa đại biểu, về việc khi bản án của Tòa án nhân dân tỉnh đã ban hành, có hiệu lực thi hành mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh kéo dài không thực hiện thì trên thực tiễn tiếp xúc cử tri có nhiều kiến nghị hay không và đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Ni sư Thích nữ Tín Liên), Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Trong thời gian tôi đi tiếp xúc cử tri, các khiếu tố khiếu nại của người dân rất là nhiều. Trong đó, có những trường hợp Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, tỉnh, thành phố đã kéo dài không thi hành bản án. Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân khách quan, chủ quan đều có. Khách quan có thể do khối lượng công việc hành chính quá nhiều nên Ủy ban bị chi phối trong việc xử lý, chủ quan có thể là do khả năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề của chủ tịch còn hạn chế.

Phóng viên: Trong văn bản trả lời chất vấn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã viện dẫn về quy định quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án trong quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 71 ban hành năm 2016 của Chính phủ về quy định trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án. Đại biểu nhận thấy với những quy định như vậy thì người được thi hành án đã có đủ căn cứ pháp lý để yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện hoặc cấp thành phố thi hành án nhanh chóng hay chưa?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Ni sư Thích nữ Tín Liên), Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 71 của Chính phủ quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án. Tuy nhiên, những quy định như vậy chưa đủ đáp ứng yêu cầu. Trong thực tế, Nghị định 71 cũng chưa phát huy được hiệu quả và cần thiết phải bổ sung thêm các quy định để làm rõ thêm về trách nhiệm của lãnh đạo địa phương như cấp quận, huyện và cấp tỉnh, thành phố trong quá trình thúc đẩy việc thi hành án được hiệu quả, nhanh chóng hơn, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh