LUẬT PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG CẦN ĐẢM BẢO TÍNH THỰC TIỄN, LÝ LUẬN VÀ TÍNH KHẢ THI

25/10/2018

Vào sáng 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đây là 1 trong những dự án Luật quan trọng được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua theo quy trình 3 kỳ họp nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đấu tranh, xử lý và phòng chống tham nhũng được hiệu quả hơn.

Bên lề kỳ họp Phóng viên Cổng thông tin điện tử ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan nội dung này.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Tôi hoan nghênh vấn đề. Chúng ta phải quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng nhưng phải đảm bảo được tính khoa học, tính thức tiễn, tính lý luận và tính khả thi. Về vấn đề sử dụng thuế, nhiều cử tri có băn khoăn rằng tài sản trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ đây là tài sản tích lũy nhiều năm, nhiều đời hoặc có thể do rất nhiều nguồn gốc để lại. Vậy do không giải trình được mà thu thuế thì trước đó biết đâu tài sản này đã được đánh thuế nhiều lần. Vậy việc đánh thuế này có trùng với những lần trước hay không. Thứ hai, đánh thuế được coi là biện pháp tạm coi là tài sản cần phải thu thuế thì việc tạm coi tức là hình thức giả định, giả định mà sử dụng biện pháp là thu thuế thì rất khó thuyết phục đối với cử tri và nhân dân cả nước. Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay nên mở rộng đến phạm vi chúng ta có khả năng thực thi được. Còn nếu chúng ta không có khả năng thực thi lại mở rộng quá sẽ dẫn đến không có tính khả thi. Chính vì vậy, tôi đề nghị cần đảm bảo dự thảo Luật có mở rộng, nhưng mở rộng đúng với năng lực làm việc của chúng ta, không mở rộng vượt quá phạm vi cho phép. Về cơ bản tôi đồng tình với dự luật nêu ra.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đà Nẵng

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đà Nẵng: Trải qua 3 kì họp Quốc hội đã tiến hành xây dựng dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đây là đạo luật quan trọng, dự thảo Luật tương đối cơ bản đã được các đại biểu góp ý kiến kỹ lưỡng, đã đến lúc đưa Luật Phòng chống tham nhũng vào thực tiễn đáp ứng những yêu cầu một cách kịp thời. Khi nào vẫn còn xã hội con người, xã hội phát tiển thì việc phòng chống tham nhũng vẫn cần phải tiếp tục một cách kiên trì để đảm bảo quá trình phát triển của đất nước đi đúng hướng đặt ra.

Một điểm nổi bật trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng là trong dự thảo có các quy định điều chỉnh hoạt động mang tính định hướng kiểm soát cơ bản trên cơ sở quy định của pháp luật cho các đơn vị ngoài nhà nước để các đơn vị cơ quan tổ chức này căn cứ vào pháp luật tổ chức công tác phòng chống tham nhũng trong đơn vị của mình.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành Phố Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành Phố Hồ Chí Minh: Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng đã nhiều lần được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tranh luận về việc thu hồi tài sản không rõ nguồn gốc. Theo tôi, khi chưa xác định rõ nguồn gốc tài sản đó là tài sản tham nhũng thì chưa nên tịch thu vì như vậy là trái luật pháp mà cần yêu cầu kê khai và điều tra, xét xử xác định tài sản đó có thực sự là tài sản tham nhũng hay không. Nếu tài sản đã xác định là tài sản tham nhũng thì chắc chắn sẽ phải thu hồi toàn bộ./.

Mai Trang