ĐBQH NGUYỄN THANH THỦY: CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM LÀ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

06/11/2018

Chiều ngày 05/11, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Các đại biểu đều thống nhất cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam và cho rằng, việc xây dựng luật bảo đảm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận đó là làm rõ địa vị pháp lý của Cảnh sát biển. Bên cạnh đó cần quy định rõ chức năng nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển, việc phối hợp của Cảnh sát biển với các lực lượng khác trên biển để tránh sự chồng chéo, chồng lấn. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đại biểu, việc làm rõ địa vị pháp lý của Cảnh sát biển trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam có vai trò quan trọng như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam xác định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của cảnh sát biển Việt Nam là hết sức quan trọng. 20 năm trước, chúng ta có Pháp lệnh về Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và tại kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội dự kiến thông qua dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Luật sẽ nâng cao được vị trí, vai trò của cảnh sát biển, tính pháp lý về cảnh sát biển cũng cao hơn. Điều này hết sức cần thiết. Bản thân tôi đánh giá cao tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong dự thảo luật đã làm rõ được vị trí, chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.

Trước đây nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận là lực lượng cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang hay thuộc lực lượng vũ trang. Qua tiếp thu giải trình và quá trình thực hiện Pháp lệnh về Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, dự thảo Luật lần này cũng xác định rõ cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, là lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam ở trên biển, cùng phối hợp với các lực lượng khác trên biển. Như vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình thì khi có Luật ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý, thuận lợi hơn, cụ thể hơn cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam hoạt động và hoàn thành tốt vai trò, nhiệm  vụ của mình trong bảo vệ quyền chủ quyền, quyền biển Việt Nam.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, luật cũng cần quy định phạm vi hoạt động, sự phối hợp của Cảnh sát biển để không chồng lấn, chồng chéo với các lực lượng khác trên biển. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: Lo ngại này là chính đáng và cần thiết. Một số điều khoản trong Luật thì vẫn cần phải cụ thể hóa hơn nữa. Bên cạnh đó, giao cho Chính phủ hay Bộ Quốc phòng có các văn bản dưới Luật hướng dẫn cụ thể hơn, bao quát hết được nhiệm vụ của các lưc lượng trên biển để làm sao không chồng chéo và cũng không bỏ sót. Trong dự thảo Luật tại khoản 5, điều 23 cũng đã có quy định cụ thể đó là trong khi các lực lượng hoạt động thì phải có sự phối hợp chặt chẽ và trong phạm vị quyền hạn của mình, lực lượng nào phát hiện trước vấn đề đó thì lực lượng đó phải xử lý ngay. Và trong quá trình xử lý nếu không thuộc thẩm quyền của mình thì sẽ chuyển hồ sơ cho lực lượng có chức năng để xử lý. Đồng thời lực lượng được chuyển giao thì cũng phải có sự phối hợp báo cáo, thông báo kết quả xử lý. Như vậy, bên cạnh hoạt động của lực lượng biên phòng, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng kiểm ngư, hải quân, nếu chúng ta quy định chặt chẽ và có hướng dẫn cụ thể thì chắc chắn sẽ tránh được chồng chéo.

Phóng viên: Theo đại biểu, sau khi Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam thì sẽ tạo cơ sở như thế nào cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm trên biển?

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: Cử tri và nhân dân rất hy vọng khi Luật có hiệu lực thi hành thì sẽ tạo hành lang pháp lý, tạo cơ sở thuận lợi cho các lực lượng trong đó có lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ của mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chung trong tình hình mới. Tuy nhiên, để thực thi như vậy có rất nhiều vấn đề đặt ra đó là làm thế nào để xây dựng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam theo chủ trương chính quy, hiện đại. Và muốn chính quy, hiện đại thì cần có nguồn lực. Điều này đòi hỏi phải dồn lực, dồn sức có đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện để cho lực lượng cảnh sát biển thực hiện luật pháp trên biển tốt nhất. Bên cạnh việc tăng cường phối hợp với các lực lượng khác thì tại điều 4 của dự thảo Luật có sự tham gia của nhân dân, sự giám sát của nhân dân. Điều này cho thấy, dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam có sự đồng lòng, góp sức của cả hệ thống chính trị, các lực lượng. Hi vọng, sau khi luật ban hành thì Cảnh sát biển Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò nhiệm vụ của mình.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

 

 

 

 

Lê Phương