ĐBQH: KIẾN NGHỊ XÂY DỰNG MỘT QUY CHẾ THỐNG NHẤT QUẢN LÝ KIẾN TRÚC

15/11/2018

Chiều ngày 14/11, tại phiên thảo luận tại hội trường về Luật kiến trúc, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng một quy chế thống nhất trong cả nước thay vì giao cho từng cấp như dự thảo Luật, để tạo thuận lợi và phát huy tính sáng tạo của kiến trúc.

Đa số các ý kiến đại biểu cho rằng việc ra đời của Luật kiến trúc là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với sự hội nhập của sự phát triển của đất nước. Dấu ấn, vai trò của kiến trúc sư trong các công trình xây dựng ngày càng được quan tâm. Vì vậy cần có một luật chuyên ngành để quản lý nghề nghiệp này, hạn chế tình trạng bị chồng chéo và bị điều chỉnh bởi nhiều luật, văn bản thi hành luật.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Đại biểu Bùi Huyền Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Bùi Huyền Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Kiến trúc luôn thể hiện văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng, miền và đặc biệt mang tính sáng tạo rất cao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các hoạt động liên quan đến kiến trúc đang được điều chỉnh rải rác ở rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Di sản văn hóa cùng với nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trong giai đoạn hiện nay, khi yêu cầu phát triển kiến trúc rất lớn, bao gồm cả kiến trúc đô thị cũng như kiến trúc nông thôn thì vai trò tham gia của các kiến trúc sư là rất quan trọng. Mặt khác, hiện nay các hoạt động của kiến trúc sư cũng rất phong phú, không chỉ tồn tại các hoạt động của kiến trúc sư trong nước mà còn bao gồm hoạt động của các kiến trúc sư nước ngoài. Chính vì vậy, hoạt động kiến trúc đang đặt ra rất nhiều vướng mắc hạn chế cần điều chỉnh bởi luật chuyên ngành.

Đối với quy chế quản lý kiến trúc, nên xây dựng một quy chế quản lý thống nhất trên cả nước thay vì để chính quyền các cấp xây dựng như dự thảo Luật đề cập. Việc này sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý chung cũng như thông thoáng thống nhất trong quản giữa các địa phương, tạo điều kiện cho người hành nghề. Với các địa phương đặc thù, việc xây dựng quy chế có thể giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành phố.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: Theo quy định trong dự thảo Luật, về việc phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc, chính quyền của từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chính quyền của từng đô thị từ loại 1 đến loại 4, và chính quyền cấp huyện có thẩm quyền phê duyệt quy chế này. Quy định như vậy sẽ tạo ra hàng trăm, hàng nghìn văn bản quy chế quản lý khác nhau. Điều này làm mất đi sự quản lý thống nhất trong văn bản trên toàn quốc.

Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa: Tôi đánh giá cao quy định về thiết kế các công trình đô thị phải có hạng mục dành cho người khuyết tật, chú ý nguyên tắc bình đẳng giới, đây được xem như một sự tiến bộ và hội nhập với quốc tế. Tuy nhiên, theo tôi nguyên tắc này cần mở rộng ra với tất cả các công trình ở cả đô thị và nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật.

Mai Trang