GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ TĂNG TỶ LỆ NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI?

20/12/2018

Nghị quyết số 28 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã đặt mục tiêu đến năm 2021 có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; năm 2025 đạt khoảng 45% và năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Theo một số đại biểu Quốc hội, để đạt mục tiêu này cần có chính sách ưu đãi cho lao động ở khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện...

Nghị quyết số 28 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã khẳng định: Bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hoá dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn dưới mức tiềm năng. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội chậm được khắc phục. Hiện vẫn còn hàng chục triệu lao động, đặc biệt là lao động tự do chưa được tiếp cận với chính sách bảo hiểm xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hà, quê tại tỉnh Hà Nam là lao động tự do lên Hà Nội làm việc 

Nhiều năm nay, cử tri Nguyễn Thị Hà, quê tại tỉnh Hà Nam, lên Hà Nội bán hàng rong. Số tiền kiếm được là nguồn thu nhập chính của gia đình để trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi con ăn học. Nhắc đến lương hưu thì nhiều người thường nghĩ chỉ cán bộ công nhân viên chức hay người lao động làm việc trong công ty, đơn vị, tổ chức đóng bảo hiểm lâu năm thì mới được nhận. Nhưng trong thực tế, những người lao động tự do như người bán nước, bác xe ôm hay người bán hàng rong như bà Hà đều có thể được nhận lương hưu nếu tham gia bảo hiểm xã hội. Điều đáng nói là dù chính sách này đã có từ 10 năm trước nhưng đến nay rất ít người lao động tự do biết đến hoặc có biết nhưng cũng không mặn mà tham gia. Cử tri Nguyễn Thị Hà cũng không được tiếp cận với những thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội cũng như lương hưu, và chỉ biết cố gắng làm, tiết kiệm để sau này có một khoản tiền dự phòng khi về già - cử tri Hà chia sẻ.

Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước có hơn 50 triệu người thuộc độ tuổi lao động, trong đó chỉ có gần 15 triệu người tham gia chính sách bảo hiểm xã hội và phần lớn thuộc nhóm có quan hệ lao động. Như vậy, có tới hơn 35 triệu lao động còn lại đang chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội, chủ yếu thuộc khu vực không có quan hệ lao động như nông thôn, lao động thời vụ, lao động tự do…

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Hiện nay tỷ lệ lao động đặc biệt là lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội còn rất hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền của ta còn hạn chế, người lao động tự do chưa nhận thức được vai trò ý nghĩa của việc đóng bảo hiểm có tác dụng về sau này. Mức đóng cho loại hình bảo hiểm này hiện vẫn còn ở mức khá cao so với thu nhập của họ. Có người dân biết thông tin lại không biết đến đâu đăng ký, các thủ tục thực hiện như thế nào, mức đóng tiền ra sao...”

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cho thấy, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng hàng năm nhưng rất chậm. Trong số hơn 243.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay, chỉ có khoảng 30% là đối tượng mới, còn lại là những đối tượng tự nguyện đóng tiếp vì đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó để đủ quỹ hưởng lương hưu. Mặc dù Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2016 quy định nhiều chính sách để thu hút người lao động tự nguyện tham gia, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng bảo hiểm xã hội là 20 năm thì khá dài với nhiều người lao động. Quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp cũng là một trong những lý do khiến người dân chưa mặn mà tham gia. Cụ thể, khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người tham gia được hưởng 5 chế độ gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Còn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp chưa tham gia Bảo hiểm xã hội còn rất lớn, cả nước có khoảng gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng mới có hơn 235.000 doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, đạt khoảng 47%. Nguyên nhân chính là một số doanh nghiệp cố tình trốn tránh trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động; tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội còn cao tại các doanh nghiệp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến cuối tháng 5/2018, tổng số nợđọng bảo hiểm xã hội là 10.450 tỷ đồng.

Một thông tin vui đối với người lao động là từ ngày 1/1/2018, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ cụ thể là bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo, hỗ trợ 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác. Đây được xem là một trong những giải pháp thu hút, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Nghị quyết số 28 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã đặt mục tiêu đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; năm 2025 đạt khoảng 45% và năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Liệu mục tiêu mà Nghị quyết 28 đề ra có đạt được trong khi hiện tại mới chỉ khoảng 29%, tương đương 13,6 triệu người lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu, đâu là nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động, đặc biệt là lao động tự do ở khu vực phi chính thức không mặn mà tham gia bảo hiểm xã hội?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Mục tiêu của chúng ta là phổ cập tất cả lực lượng lao đông từ 15 tuổi trở lên phải tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội để tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân cho lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên. Có như vậy, 20 năm sau chúng ta mới có 100% người cao tuổi có nguồn thu nhập từ lương hưu để đảm bảo tuổi già. Bài toán đặt ra của chúng ta thực hiện Nghị quyết 28 của Trung ương là làm sao để bao phủ nhanh, rộng và toàn diện lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, đó chính là bài toán khó khăn và thách thức. Đến nay, Việt Nam mới có khoảng 29% lực lượng lao đông tham gia bảo hiểm xã hội, có nghĩa là 71% lực lượng lao động đang làm việc mà không tham gia mô hình bảo hiểm xã hội nào để sau này về già có lương hưu. Rõ ràng đây là thách thức rất lớn đối với với Việt Nam.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Thời gian qua, cơ quan chức năng đưa nhiều đơn vị chây ì đóng bảo hiểm xã hội và đã xử phạt và có tiến bộ nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe và chưa đủ tầm. Hiện tượng trốn tránh, không đóng bảo hiểm cho người lao động vẫn còn diễn ra phổ biến. Tôi cho rằng đây là một trong những nguyên nhân làm mất niềm tin của người lao động, lao động sẽ không mặn mà tham gia vào chính sách xã hội này.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Thời gian qua có một số cơ quan, đơn vị, công ty cố tình không tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, làm ảnh hưởng đến người lao động, gây khó khăn cho cả cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Quốc tế đặc biệt nhìn vào sẽ thiếu sự tin tưởng, không đặt niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng đến thương hiệu Việt Nam. Vì vậy tôi cho rằng phải có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để các doanh nghiệp tuân thủ quy định đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Phóng viên: Theo đại biểu, để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 28 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; năm 2025 đạt khoảng 45% và năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội thì cần có những giải pháp như thế nào?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Tôi cho rằng, chúng ta phải lấy bài học về hỗ trợ bảo hiểm y tế để rút ra bài học cho thực hiện chính sách về bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm y tế là hộ nghèo được hỗ trợ 100%, trẻ em dưới 6 tuổi, người già hỗ trợ 100%; người cận nghèo hỗ trợ đóng 70% và nâng lên 90%, như vậy mới bao phủ hết và thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Đối với bảo hiểm xã hội, mức đóng cao nhưng chỉ hỗ trợ mức cao nhất là 30% cho hộ nghèo thì điều này khó khả thi. Tôi đề nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ của nhà nước để tạo sự khuyến khích, động lực, cú hích để mọi lao động đều tham gia. Đây là bài toán, là quyết tâm chính trị. Chủ trương của Đảng đã có, bây giờ chúng ta cần hành động bằng thực tiễn và bằng sự tăng tốc hỗ trợ cao hơn của nhà nước.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Để đạt được mục tiêu này, theo tôi biện pháp quan trọng nhất vẫn là tăng cường ý thức, trách nhiệm của người quản lý lao động. Chúng ta cũng cần sửa lại các quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, bằng cách nâng mức xử phạt đối với những doanh nghiệp trốn, nợ đọng bảo hiểm xã hội. Chỉ có vậy, mới đảm bảo được quyền lợi của người lao động, tạo niềm tin cho người lao động tham gia đóng bảo hiểm.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Có thể nói, rất nhiều doanh nghiệp có ý thức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động với trách nhiệm cao, nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, không đóng bảo hiểm, tìm cách lảng tránh. Trong trường hợp này cần có chế tài đủ sức răn đe, nâng mức xử phạt cao hơn đối với những tập thể, cá nhân không tham gia đóng bảo hiểm xã hội, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đối với lao động ở khu vực phi chính thức, cũng cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa để các đối tượng này có thể tiếp cận với chính sách bảo hiểm xã hội; đồng thời cũng nên mở rộng phạm vi thụ hưởng, không chỉ có chế độ lương hưu và tử tuất và tuyên truyền rộng rãi những ưu việt của chính sách này tới người lao động.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các Đại biểu!

Lan Hương