GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: THAY ĐỔI TÍCH CỰC TRONG QUẢN LÝ MÙA LỄ HỘI NĂM 2019

26/02/2019

Với người Việt, mùa Xuân cũng đồng nghĩa với mùa lễ hội. Trước thực trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự tại các lễ hội, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương cùng các địa phương đã khẩn trương vào cuộc với những hành động quyết liệt, mạnh mẽ nhằm chấn chỉnh lấy lại uy tín và nét đẹp cho lễ hội, tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã hội. Phát huy những mặt tốt, tiết giảm tối đa những mặt còn hạn chế của mùa lễ hội 2018 là mục tiêu trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội 2019.

Năm 2018, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Hầu hết các lễ hội đều được diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội.

Để mùa lễ hội 2019 diễn ra an toàn, thể hiện thuần phong mỹ tục, góp phần đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, ngay từ tháng 1/2019, Bộ VHTTDL đã có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công văn số 5709-CV/BTGTW ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc chỉ đạo hoạt động văn hóa - văn nghệ Xuân Kỷ Hợi 2019 và Nghị định số 110 ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Quản lý và tổ chức lễ hội.

Tại thành phố Nam Định, nơi có lễ hội đền Trần - một trong những lễ hội lớn của miền Bắc có phong tục khai Ấn, mùa lễ hội 2019 là năm thứ 8 lễ hội đền Trần thay đổi giờ phát Ấn (từ 23 giờ 30 phút đêm 14 tháng Giêng âm lịch chuyển sang 5 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch).

Trước đó, trong mùa lễ hội năm 2018, Ban tổ chức lễ hội đến Trần đã chủ động chuẩn bị đủ số lượng ấn và phát cho du khách từ 5h ngày 2/3 (tức Rằm tháng Giêng) cho đến khi hết ấn nhằm tránh tình trạng lễ khai ấn đền Trần bị xuyên tạc, thương mại hóa với các hành vi hỗn loạn tranh, mua bán ấn. Bên cạnh đó, lễ hội còn duy trì nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo như: rước kiệu Ngọc Lộ; rước nước, tế cá; múa lân; biểu diễn võ thuật...

Sự thay đổi này tạo nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong mùa lễ hội 2018 không còn tình trạng dẫm đạp lên nhau để tranh cướp ấn, cướp lộc hoặc tung tiền vào các nơi thờ tự, nhất là khi địa phương bố trí hợp lý các vòng kiểm soát an ninh, lắp camera giám sát cũng như công tác tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, loa đài để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm của người dân và du khách...

Lễ hội khai ấn Đền Trần năm 2019 có nhiều thay đổi tích cực bảo đảm an ninh, trật tự

Có thể nói, với gần 8.000 lễ hội được tổ chức trên khắp đất nước, đặc biệt là các lễ hội diễn ra vào mùa Xuân, Việt Nam xứng đáng được xem là đất nước của lễ hội. Đây không chỉ là một kho tàng di sản văn hóa quý giá đối với mỗi người dân Việt Nam mà còn có sức hút rất lớn đối với tất cả những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt.

Nhưng thực tế nhiều năm qua, các lễ hội đã và đang bộc lộ những hạn chế cần được chấn chỉnh, khắc phục. Không ít lễ hội bị lạm dụng, thương mại hóa, trở thành nơi kinh doanh trục lợi, làm lu mờ giá trị văn hóa, lịch sử. Đó là chưa nói đến tình trạng mê tín dị đoan và những hủ tục lạc hậu; gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự.

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về Quản lý và tổ chức lễ hội. Đây là Nghị định đầu tiên của Chính phủ về lĩnh vực này. Nghị định đưa ra các biện pháp quản lý: phân cấp quản lý ở các địa phương, đặc biệt đối với những lễ hội truyền thống, tùy theo quy mô và tính chất ở từng lễ hội; nguyên tắc tổ chức lễ hội… Khắc phục những biến tướng thương mại hóa lễ hội, Nghị định nhấn mạnh, không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đáng lưu ý là quy định “Tạm ngừng tổ chức lễ hội”. Đây là biện pháp mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi biến tướng, lộn xộn khi triển khai quản lý lễ hội trong thực tế. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp: Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội; tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, gây cháy nổ, làm chết người; xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương; có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội, gây hoang mang trong nhân dân.

Đến nay, rất nhiều lễ hội truyền thống đã thay đổi cách hành lễ cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Cụ thể như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; hội Phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn; lễ hội Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn năm đầu tiên thay đổi hình thức cướp lộc, không xuất hiện cảnh tranh giành cướp giò hoa tre.

Mới đây, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Phú Thọ đã yêu cầu xã Hiền Quan (huyện Tam Nông) tạm dừng phần tranh phết vào chiều 17/2 (13 tháng giêng) do không đảm bảo an ninh như kịch bản trước khi lễ hội diễn ra. Điều này cho thấy nhiều địa phương đã có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt thực hiện đúng chỉ đạo đảm bảo an toàn, vui tươi, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, không gian thực hành tín ngưỡng của nhân dân.

Theo báo cáo công tác năm 2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số lượng các lễ hội nước ta là rất lớn, việc kiểm tra, kiểm soát, quản lý gặp không ít khó khăn. Bên cạnh những yếu tố truyền thống, còn những yếu tố khác bắt nguồn từ sự xâm lấn của yếu tố xã hội hóa, thương mại hóa và các hiện tượng tiêu cực khác… luôn là những vấn đề nhức nhối còn tồn tại. Vậy làm thế nào để hạn chế được những mặt hạn chế, phát huy nét đẹp truyền thống của các lễ hội? Giải pháp nào để các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đi vào cuộc sống? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Với gần 8.000 lễ hội được tổ chức trên khắp đất nước, đặc biệt là số lượng lớn các lễ hội diễn ra vào mùa Xuân, đại biểu đánh giá như thế nào về thực trạng củacác lễ hội đang diễn ra ngày nay?

Đại biểu Triệu Thế Hùng – đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Ở Việt Nam, hàng ngàn năm nay, lễ hội đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, món ăn tinh thần không thể thiếu sau mỗi dịp xuân về. Nhưng lễ hội cũng đang là vấn đề gây nhiều tranh luận, bức xúc trong xã hội.

Đại biểu Triệu Thế Hùng tại phiên họp của Quốc hội

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm nước ta có tới gần 8000 lễ hội dân gian tức trung bình mỗi ngày người Việt có 22 lễ hội và mỗi giờ có 1 lễ hội. Bên cạnh những mặt tích cực, tốt đẹpt hì không ít các vấn đề nảy sinh về quy mô lễ hội, cách thức tổ chức, hiện tượng thương mại hóa và một số hình ảnh phản cảm tại một số lễ hội gây nhiều tranh cãi. Tôi cho rằng lễ hội truyền thống cần có sự thay đổi để phù hợp với thực tiễn ngày hôm nay, thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Phóng viên: Thực tế tại các Lễ hội như lễ hội khai Ấn đền Trần - Nam Định, lễ hội Đền Kiếp Bạc - Hải Dương và 1 số lễ hội khác, tình hình an ninh trật tự cũng như công tác quản lý của các Lễ hội có rất nhiều điểm mới, điều này đã làm nên thành công cho các lễ hội vì không có tình trạng cướp lộc, hay chen lấn xô đẩy.. . Đại biểu có đánh giá như thế nào về công tác quản lý trong các lễ hội vừa qua?

Đại biểu Triệu Thế Hùng – đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Phải khẳng định rằng, một vài năm trở lại đây công tác quản lý lễ hội đã có những chuyển biến. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có tham mưu cho Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đáng chú ý là năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Đây là nghị định đầu tiên của Chính phủ về lĩnh vực này, là hành lang pháp lý quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội thời gian qua.

Từ đó có công cụ vững chắc để cho các Bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ việc tổ chức lễ hội. Đã có sự phân cấp quản lý ở các đại phương, đặc biệt đối với những lễ hội truyền thống tùy theo quy mô và tính chất ở từng lễ hội, cơ quan có thẩm quyền được yêu cầu tạm ngừng lễ hội trong một số trường hợp. Cùng với đó, các địa phương cũng nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng địa phương nơi có lễ hội và người dân tham gia lễ hội.

Phóng viên: Những hạn chế tồn tại trong các lễ hội đang dần được khắc phục, những biến tướng, thương mại hóa dần được đẩy lùi. Tuy nhiên thì tình trạng biến tướng vẫn xảy ra trong lễ hội ví dụ như đánh bạc, chọi gà dưới hình thức đánh bạc gây ảnh hưởng, bức xúc trong dư luận. Nhiều người cho rằng, chế tài xử phạt đưa ra trong việc xử phạt các tệ nạn xã hội nhẹ. Đại biểu có đánh giá như thế nào và đâu là giải pháp nào để ngăn chặn các tệ nạn này?

Đại biểu Triệu Thế Hùng – đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Để tăng cường quản lý lễ hội cũng từ đó ngăn chặn các mặt trái tại lễ hội, tôi cho rằng cần phải quy hoạch phát triển lễ hội đặt trong tổng thể với các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Quản lý lễ hội cũng cần có sự phối hợp liên ngành. Bên cạnh đó, cũng cần có sự thống kê, phân loại các lễ hội của từng tỉnh, từng vùng để có biện pháp quản lý phù hợp. Có sự kiểm soát việc tổ chức lễ hội cả lễ hội mới và lễ hội truyền thống để tránh những tiêu cực phát sinh như thương mại hóa, mê tín dị đoan hay hành chính hóa các lễ hội.

Đặc biệt cần nâng cao hơn nữa vai trò của quản lý lễ hội của người dân, cộng đồng. nâng cao sự tự quản cộng động, trả lễ hội về với người dân sẽ là một biện pháp để việc tổ chức và quản lý lễ hội hiệu quả hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!

Bảo Yến