CÁC CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC CÒN NẰM RẢI RÁC, CHƯA ĐỦ MẠNH ĐỂ THÚC ĐẨY LOẠI HÌNH NÀY PHÁT TRIỂN

13/06/2019

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thư viện vào chiều 11/6, nhiều đại biểu đánh giá các quy định liên quan đến thư viện trường học còn nằm rải rác, còn mờ nhạt, do đó cần rà soát, thiết kế rõ ràng một số nội dung liên quan đến nội dung này.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nêu rõ, đối với trường học, thư viện là nơi lưu trữ, bảo quản và phổ biến tài liệu, đáp ứng nhu cầu học tập và hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần phát triển văn hóa đọc, truyền bá thông tin và nâng cao dân trí; từ đó mà hệ thống thư viện, đặc biệt là thư viện trường học đóng vai trò quan trọng đối với giáo dục. Tuy nhiên, trong dự thảo luật, các quy định liên quan đến thư viện trường học còn nằm rải rác, còn mờ, chưa đủ mạnh để thúc đẩy loại hình này phát triển. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 5 khi phân loại theo chức năng và nhiệm vụ thư viện gồm 5 loại hình là thư viện quốc gia, thư viện công cộng, thư viện đại học, thư viện chuyên ngành, thư viện thuộc các cơ sở giáo dục khác.

Theo đại biểu, quy định ở đây coi thư viện tại các cấp học khác nhau đều nằm trong một loại hình chung là thư viện tại các cơ sở giáo dục khác là không phù hợp cả về tên gọi và phân loại cụ thể theo từng cấp học bởi các lý do sau: Về quy mô, hiện nay chúng ta có 400 thư viện tại các trường đại học và cao đẳng, gần 26000 thư viện ở trường phổ thông các cấp. Hệ thống thư viện trường học đang chiếm đến 85% trên tổng số các thư viện cả nước và hơn 50% nếu kể cả các tủ sách phòng đọc cơ sở, tức là hệ thống thư viện trường học có quy mô và số lượng rất lớn trên toàn quốc. Về vị trí, thư viện trường học thực chất có vị trí, nhiệm vụ và chức năng vô cùng quan trọng. Rõ ràng thư viện trường học mang tính đặc thù riêng, không đồng nhất với chức năng, nhiệm vụ giáo dục của nhà trường, vai trò của nó phải là vai trò động lực đóng góp vào việc cải tiến giáo dục thông qua sử dụng các nguồn tài liệu nhằm hỗ trợ cho việc học tập và giảng dạy. Tuy nhiên, tên gọi như quy định tại khoản 2 Điều 5 đã vô hình chung coi thư viện trường học chỉ là một bộ phận của nhà trường, chỉ thành lập sau khi cơ sở giáo dục được thành lập, như vậy là không phù hợp. Do đó, đại biểu đề nghị cần thay đổi tên gọi của loại hình thư viện thuộc các cơ sở giáo dục khác ở trong dự thảo, để việc thay đổi này kéo theo thay đổi về cả nội hàm và bảo đảm việc quy định trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của các thư viện này tương xứng với vai trò của nó, không coi thư viện trường học là một bộ phận nằm trong hệ thống nhà trường thì mới có thể thúc đẩy được hệ thống này phát triển thực sự.

Bên cạnh đó, Thư viện đại học và thư viện các cấp học khác thực chất có sự khác nhau về quy mô tổ chức, đối tượng phục vụ và tính chất hoạt động. Vì vậy, cần tách bạch thư viện thuộc các cơ sở giáo dục khác thành các loại hình cụ thể, phù hợp với đối tượng và mang mục đích tương ứng. Đại biểu đề nghị dự thảo quy định loại hình này thành ba loại hình chi tiết sau đây: Thư viện trường mầm non, tiểu học nhằm hình thành, nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách cho học sinh; Thư viện trường trung học cơ sở nhằm cung cấp thông tin để giải đáp thắc mắc cho học sinh; Thư viện trường trung học phổ thông nhằm tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu cho học sinh.

Đại biểu Bùi Thị Thủy phát biểu

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Bùi Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng cùng với thư viện đại học, thư viện thuộc cơ sở giáo dục khác có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, quyền học tập, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa theo hiến định cũng như phục vụ nhu cầu giải trí của cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh trong các nhà trường. Từ đó hình thành phát triển văn hóa đọc, xây dựng môi trường học tập lành mạnh. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động của các thư viện chưa được đánh giá đầy đủ, tồn tại rất dễ nhận thấy đó là nhiều thư viện trong các nhà trường không được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị thư viện, vốn tài liệu, phòng đọc vắng người, tủ sách nghèo nàn, phủ bụi. Theo đại biểu, những tồn tại, hạn chế nêu trên là do những nguyên nhân sau: Thứ nhất, người đọc có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng mà không cần đến thư viện thông qua công cụ tìm kiếm google. Thứ hai, có hiện tượng học sinh ngại đọc sách báo, nhiều em lựa chọn game online, mạng xã hội v.v...để giải trí. Thứ ba, thư viện trong các nhà trường không đáp ứng được nhu cầu người đọc.

Từ nhận định trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc để thể hiện rõ hơn trong luật những nội dung liên quan đến thư viện thuộc cơ sở giáo dục khác nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, cụ thể như sau:

Một là, cần có chính sách cụ thể đầu tư cho thư viện thuộc cơ sở giáo dục công lập, tránh việc chỉ phụ thuộc vào sự quan tâm của Ban giám hiệu hay Hiệu trưởng như hiện nay, quy định vào Điều 4.

Hai là, quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc bổ sung vốn tài liệu mới theo nhu cầu sử dụng vào Điều 32. Bởi trên thực tế, thư viện của các trường trung học phổ thông đặc biệt ở miền núi rất thiếu tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy, nhất là tài liệu ôn thi học sinh giỏi, ôn thi trung học phổ thông quốc gia dành cho học sinh thi tuyển vào các trường đại học. Các tài liệu này phải bỏ tiền mua mới có được chứ không thể khuyến khích hay vận động như quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 32.

Ba là, cần bổ sung thêm vào khoản 5 Điều 32 về trách nhiệm đưa các sáng kiến kinh nghiệm được công nhận vào trong thư viện thuộc các cơ sở giáo dục. Đồng thời bổ sung Điều 34 về trách nhiệm của người dạy là khai thác, sử dụng vốn tài liệu trong thư viện, trong đó có các sáng kiến kinh nghiệm hay nhằm phát huy hiệu quả loại tài liệu này bởi đây là sản phẩm trí tuệ được đúc rút từ thực tiễn giảng dạy và hoạt động giáo dục của thầy cô và được kiểm chứng bằng hiệu quả học tập của học sinh. Tuy nhiên, nguồn tài liệu này vẫn chưa được đưa vào thư viện các trường học để tham khảo áp dụng mà chỉ nằm trong mục đề xuất kiến nghị sau mỗi đề tài sáng kiến kinh nghiệm của các thầy cô giáo.

Bốn là, tại Điều 28 cần làm rõ tại sao thư viện thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác không có quyền và nghĩa vụ tổ chức hoạt động nhằm khuyến đọc. Các thư viện này có nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục hay không. Từ đó cân nhắc liệu có nên quy định thành 2 khoản như trong dự thảo là khoản 1: "Thư viện thuộc cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông". Khoản 2: "Thư viện thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác". Theo đại biểu, điều này cần tách thành 2 khoản, một khoản quy định về quyền và một khoản quy định về nghĩa vụ của thư viện thuộc cơ sở giáo dục, tránh việc quy định thiếu và trùng lặp.

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai cho ý kiến

Cùng mối quan tâm đến thư viện các cơ sở giáo dục, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh chỉ ra rằng, dự thảo Luật chỉ dành một điều để nói chung về thư viện thuộc cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông là chưa rõ vai trò, tầm quan trọng, vị thế đầu tư phát triển cho loại hình phát triển thư viện này. Bởi vì số người đọc tập trung lớn, mỗi cấp học có đặc thù riêng, nhất là bậc tiểu học, hoạt động và tiện ích thư viện hình thành thói quen đọc, góp phần quan trọng việc hình thành nhân cách trẻ, hình thành văn hóa đọc, nâng cao đời sống tinh thần, hạn chế bạo lực học đường, nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, đại biểu đề nghị dự án Luật nên dành bố cục nội dung cho loại hình thư viện trường học thỏa đáng hơn, đồng thời gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh trong việc đóng góp nguồn lực, góp phần phát triển thư viện trường học cụ thể, thiết thực và hiệu quả./.

Hồ Hương

Các bài viết khác