GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẮT GIẢM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, ĐIỀU KIỆN KINH DOANH - CÒN TÌNH TRẠNG “TRÊN NÓNG, DƯỚI LẠNH”

23/07/2019

Thời gian qua các bộ, ngành được đánh giá là khá "mạnh tay" trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tuy nhiên nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng những con số thủ tục đã được cắt giảm vẫn còn khoảng cách khá xa với thực tế, bởi có những điều kiện, thủ tục được cắt giảm không thực chất, đặc biệt còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để hoạt động này không chỉ là phong trào, khẩu hiệu chung chung, mà trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương?

Cắt giảm thủ tục hành chính ... vẫn chưa vào thực chất

Là doanh nghiệp nhỏ và vừa, Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội đã nhiều lần tìm hiểu các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bởi có quá nhiều thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Đó là chưa kể, đối với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, nhưng lại bị áp dụng những chính sách cũng như điều kiện ngặt nghèo, khiến công ty gặp khó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc hỗ trợ mặt bằng sản xuất, việc bố trí quỹ đất tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương cũng chậm được triển khai nên khó khăn cứ nối tiếp khó khăn.

Cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh giúp giảm thời gian chờ đợi cho người dân và doanh nghiệp

Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, cho biết: Hoạt động của công ty rất cần đất đai xây dựng. Quan điểm chủ trương của thành phố Hà Nội là rất là tốt nhưng ở đâu đó cấp huyện vẫn chưa được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Vì vậy doanh nghiệp mong muốn thành phố tiếp tục tập trung cải cách hành chính ở cấp huyện, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Với phương châm của Chính phủ hành động, chính phủ kiến tạo, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tính đến tháng 12/2018, các Bộ đã trình và ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa 6.776 trong tổng số 9.926 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành. Có 7 trong tổng số 16 Bộ đã có báo cáo đánh giá tác động kinh tế của việc đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh mang lại, ước tính tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân khoảng 5.847.925 ngày công mỗi năm, tương đương 872,2 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó đứng đầu là Bộ Y tế, ước tiết kiệm được 750.000 ngày công mỗi năm, tương đương 225 tỷ đồng mỗi năm. Tiếp đến là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tiết kiệm được 435.980 ngày công mỗi năm, tương đương 214,9 tỷ đồng mỗi năm. Bộ Giao thông vận tải cũng tiết kiệm được 1.340.000 ngày công mỗi năm, tương đương 183,6 tỷ đồng mỗi năm... Như vậy, tính chung của cả 7 bộ thì việc cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính thời gian qua đã giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm tổng cộng gần 18 triệu ngày công mỗi năm và hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm.

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá: Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung cải cách trên 2 nhóm vấn đề quan trọng, đó là cải cách toàn diện quy định về điều kiện kinh doanh. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, rà soát, bãi bỏ ít nhất 50% điều kiện kinh doanh. Nhóm thứ hai mà Chính phủ đang làm và làm rất tốt là tạo thuận lợi thương mại, tức là liên quan đến hoạt động xuất nhậu khẩu ra bên ngoài thì Chính phủ yêu cầu cắt bỏ ít nhất giảm số mặt hàng bị kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu ra bên ngoài. Còn nhóm thứ ba quan trọng là doanh nghiệp phải đầu tư, tạo tài sản để phát triển nâng cao năng lực sản xuất, thì thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục quan tâm có giải pháp đẩy nhanh cải cách hành chính.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Trước những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đang đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính. Chưa bao giờ sự kỳ vọng vào một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng lại lớn như lúc này. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, một số bộ, ngành mặc dù hô hào cắt giảm điều kiện kinh doanh khá mạnh mẽ nhưng thực tế thực hiện lại không như vậy. Đáng nói là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên bảo dưới không nghe” đến nay vẫn là vấn nạn toàn quốc, mãn tính, kéo dài ở một số nơi khiến doanh nghiệp giảm sút niềm tin vào chính sách đúng đắn của Chính phủ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu chỉ chuyển động ở một bộ phận, nhất là ở cấp trên thì toàn bộ các hoạt động ở dưới mà không thay đổi thì chắc chắn sẽ vô hiệu quá. Vì vậy, cùng với chủ trương nhận thức và quyết tâm ở cấp trên thì ở cũng phải triển khai ở cấp dưới, thông qua những chương trình, kế hoạch, quy chế hoạt động, đặc biệt là phân công nhiệm vụ và bắt lỗi trách nhiệm rõ ràng. "Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra từ cấp trên xuống, việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng là rất tốt; Việc kiểm soát, giám sát, xử lý kỷ luật nêu gương là rất cần thiết. Tôi tin rằng chỉ cần xử lý nghiêm một vài vụ việc, thậm chí đuổi việc một số biên chế cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa", ông Nguyễn Minh Phong nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ lo lắng, hoài nghi về những người trực tiếp thực hiện cải cách chính sách. Mặc dù trên thực tế, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt bỏ hoặc đơn giản hóa, nhưng không tạo được tác động tích cực đến doanh nghiệp. Bởi thủ tục hành chính dù được cắt giảm nhưng người thực thi không minh bạch thì doanh nghiệp vẫn không được hưởng lợi. Vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng vào một công cuộc cắt giảm thủ tục hành chính  thực chất hơn nữa, các điều kiện kinh doanh không còn "núp bóng" trong các thông tư, nghị định...

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - phân tích, hiện nay các bộ quản lý chuyên ngành cứ cắt khúc vấn đề quản lý của mình. Ví dụ, Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ quản lý về đầu tư, Bộ tài nguyên thì lại cắt khúc các mảng, bộ phận chuyên ngành khác nhau… Thực tế các vấn đề này liên quan đến nhau. Còn đối với doanh nghiệp, họ đi làm thủ tục để xây dựng một nhà máy hay một thủ tục kinh doanh nào đó. Khi các bộ cắt khúc thì thiếu sự phối hợp, như vậy sẽ gây khó và mất thời gian cho doanh nghiệp.

Trong báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, trong số hơn 5.000 điều kiện kinh doanh thì đã có 542 điều kiện được sửa đổi, 771 điều kiện được bãi bỏ, 111 điều kiện được thay thế. Như vậy, tính ra có khoảng hơn 30% số điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ và sửa đổi thực chất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế nhiều nội dung sửa đổi điều kiện kinh doanh chỉ nhằm mục đích tránh gây sự chú ý, chứ không phải cắt giảm thực sự. Nhiều nơi đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh nhưng nội dung cắt giảm cũng như hiệu quả cắt giảm vẫn là vấn đề doanh nghiệp lo ngại.

Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng - cũng nêu thực trạng: cùng nhận sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa đạt. Thậm chí nhiều nơi còn có hiện tượng làm chưa thực chất, cắt giảm cơ học, giảm điều kiện này nhưng lại đưa ra quy định trong thông tư khác; hoặc tuy đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhưng tỷ lệ kiểm tra còn rất nhiều... Điều này cho thấy trách nhiệm của người đứng đầu là lãnh đạo các bộ cũng như cấp cục, vụ chưa quan tâm và quyết tâm trong việc cải cách. Tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là phải quyết liệt, yêu cầu công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính phải đi vào thực chất, nhưng trên thực tế người dân, doanh nghiệp vẫn nghi ngại là có căn cứ.

Vẫn tình trạng... "trên nóng, dưới lạnh"

Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; “trên bảo, dưới không nghe”, đó chính là “hội chứng” coi thường kỷ cương, pháp luật; đó chính là tình trạng quản lý còn mang nặng tâm lý “cát cứ” địa phương, lợi ích nhóm. Vì tâm lý này mà một số cơ quan, đơn vị, địa phương và người thực thi pháp luật tìm mọi cách “né” luật, “lách” luật, thậm chí… cả “nhờn” luật. Tại sao nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn kêu trời? Bởi những số liệu về đơn giản thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất; bởi việc kiến tạo xây dựng chính sách của một số bộ, ngành dường như còn như chạy theo sau thực tế cuộc sống. Giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên nóng, dưới lạnh đang diễn ra hiện nay? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã tích cực cải cách hành chính, cải cách điều kiện kinh doanh, tuy nhiên vẫn còn thực trạng “trên nóng dưới lạnh”. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này?

- Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Cải cách hành chính đã được Chính phủ nhìn nhận, đánh giá đúng, coi đây là bước cản trở phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước. Vì vậy, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo phải cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, tạo đà phát triển kinh tế nhanh hơn. Mặc dù chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa thật lan tỏa đến từng địa phương, các bộ ngành. Có một số địa phương, người đứng đầu rất quyết liệt nhưng lại “lạnh” ở cấp dưới. Tại các bộ phận một cửa, số lượng các thủ tục có giảm đi nhưng thời gian chờ đợi vẫn còn dài, cản trở sự phát triển đất nước.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng cải cách hành chính chưa thật lan tỏa đến từng địa phương, các bộ ban ngành.

- Ông Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII: Tôi cũng có dịp tiếp xúc, xin giấy tờ ở một số phường xã nơi tôi ở, có thể thấy một số năm gần đây thái độ phục vụ, cách giải quyết của cơ quan hành chính nhanh chóng, trên cơ sở tôn trọng người dân, khác biệt hơn so với trước đây. Đây là điều đáng được ghi nhận. Còn về thủ tục hành chính, tôi cho rằng, có những thủ tục đặt ra không hợp lý, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan, đơn vị đang xem xét, rà soát, cắt giảm nhưng vẫn còn nhiều nơi chưa giảm. Theo tôi nguyên nhân là sợ trách nhiệm, vì muốn đảm bảo an toàn cho mình, nên đẻ ra nhiều tủ tục, nhiều hàng rào, để khi vượt qua những hàng rào đó thì sẽ an toàn.

- Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Giảm bớt thủ tục kinh doanh là yếu tố cần, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, là yếu tố tạo nguồn thu ngân sách cho quốc gia. Thời gian qua Thủ tướng Chính phủ có nhiều buổi đối thoại với doanh nghiệp và từ đó có nhiều chính sách thay đổi tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ quyết liệt và có nhiều giải pháp tích cực, tất nhiên trong quá trình thực hiện ở cơ sở vẫn còn gây phiền hà, yêu cầu nhiều thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Phóng viên: Thưa đại biểu, để cải cách đi vào thực chất, hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, theo đại biểu cần tiếp tục triển khai các giải pháp gì?

- Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Hiện nay nhiều hoạt động kinh doanh đang bị trì trệ, vướng mắc, đó là Luật Quy hoạch vừa được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2019 nhưng các nghị định thì chưa kịp thời ban hành vì vậy cho nên tất cả các luật chuyên ngành đều mất hiệu lực từ 1/1/2019 và vì vậy hiện nay có trên 25 doanh nghiệp cấp quốc gia và khoảng 93 doanh nghiệp cấp tỉnh, thành phố trực thuộc đã được các bộ, ngành xét duyệt nhưng lại không được Chính phủ thông qua vì Luật Quy hoạch chưa có nghị định hướng dẫn thi hành.

Ông Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII

- Ông Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII: Chính phủ cũng phải quyết liệt chỉ đạo và phải rà soát nghiêm túc, vì có khi cắt bớt thủ tục con, nhưng lại gộp lại một thủ tục lớn càng gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Vấn đề ở đây là phải có quy định thông thoáng trên cơ sở của pháp luật để bảo đảm quyền của người dân, nhưng đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền lợi của người được hưởng thụ dịch vụ. Thứ hai là các cơ quan, từ cơ quan lập pháp cao nhất là Quốc hội đến các cơ quan bên dưới mỗi khi đề ra một thủ tục cũng cần cân nhắc tính toán, có nhất thiết có không, đã có luật nào quy định mà thay thế các thủ tục đó không?

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương