GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐỀ XUẤT THU PHÍ Ô TÔ CỦA SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TP. HÀ NỘI

14/09/2019

Để từng bước thực hiện các giải pháp hạn chế xe cá nhân vào trong khu vực nội đô, nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường, Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa trình UBND thành phố đề án thu phí phương tiện xe ô tô vào nội đô. Tuy nhiên, đề án đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và lo ngại không hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Việc thu phí xe ô tô vào nội đô là cần thiết

Theo đề án của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, lộ trình thu phí ôtô vào nội đô được xây dựng và trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt trong hai năm (2019, 2020); giai đoạn 2020 đến 2030, căn cứ vào nội dung được duyệt, cơ quan chức năng sẽ triển khai đề án. Theo đó, ô tô vào nội thành Hà Nội ở một số tuyến đường thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm sẽ phải đóng phí.

Chị Hoàng Thị Thơm đồng tình với việc thu phí xe ô tô vào trong nội đô

Chị Hoàng Thị Thơm - người dân Hà Nội, cho rằng đề án này rất tốt vì hiện này sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động. Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng.

Theo thống kê, giai đoạn 2011-2016, trên địa bàn thành phố có trên 5 triệu xe máy, gần 500 nghìn xe ôtô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ôtô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm. Chỉ tính đồng thời 60% số phương tiện cùng hoạt động đã chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị. Dự báo, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ôtô, hơn 6 triệu môtô, xe gắn máy; đến năm 2030 số ôtô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu. Như vậy, việc tác động trực tiếp vào kinh tế đối tượng tham gia giao thông sẽ hạn chế được phương tiện cá nhân vào trong nội đô giờ cao điểm.

Việc thu phí xe ô tô vào nội đô không khả thi

Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn về tính khả thi của đề án này, bởi rất có thể sẽ gia tăng lượng xe máy vào thành phố khi người dân tìm đến phương tiện lưu thông thay thế là xe máy do phương tiện công cộng ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung chưa được cải thiện.

Thực tiễn trên thế giới, các nước thực hiện thành công việc thu phí ôtô vào nội đô vì họ giải quyết tốt vấn đề giao thông công cộng, phương tiện công cộng đáp ứng khoảng 50 đến 60% nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, giao thông công cộng ở Hà Nội hiện nay mới giải quyết được trên 10%, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại nên việc đại bộ phận người dân. Do vậy rất có thể người dân tiếp tục lựa chọn phương tiện lưu thông cá nhân.

Anh Đoàn Văn Toán: Nếu áp dụng thu loại phí này sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí

Ngoài ra, nếu áp dụng thu loại phí này sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí, tăng chi phí đi lại của người dân, dẫn đến nhiều hệ lụy. Bởi thực tế hiện nay việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô đang ở mức cao; phí trước bạ 10% với các tỉnh, riêng ở Hà Nội, phí trước bạ là 12% và mỗi ô tô dưới 9 chỗ ngồi còn phải nộp thêm 20 triệu đồng khi đăng ký biển số.

Thu phí thế nào để đảm bảo công bằng cho người dân? Và khu vực thu phí được phân vùng từ đâu cũng là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong đề án này. Dư luận bày tỏ, nếu đường nào cũng làm 1 trạm thu phí thì Hà Nội sẽ bị “tắc” bởi các trạm thu phí. Nếu chỉ đặt trạm thu phí ở một số tuyến phố chính thì sẽ xảy ra ùn tắc ở các tuyến phụ vì người tham gia giao thông sẽ tìm cách đi vào những đường nhánh, đường phụ để không mất phí.

Hệ thống giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển

Nhiều ý kiến lại cho rằng, việc xảy ra tình trạng tắc đường không chỉ vì ô tô đi vào nội đô mà còn nhiều nguyên nhân như hệ thống giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội; Quá trình đô thị hóa thiếu quy hoạch, hạ tầng giao thông còn hạn chế. Ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao.

Trên thực tế, nhiều đoạn đường ở Hà Nội hẹp nhưng phải gồng gánh tới hàng chục tòa nhà chung cư, dân số tăng quá nhanh đã dẫn đến tắc đường và ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra, khi tốc độ tăng phương tiện giao thông cá nhân tại Hà Nội rất lớn, trên 10%/năm với ô tô, nhưng phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ chỉ tăng 3-4%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm. Tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông không tương xứng với tốc độ gia tăng của của mật độ giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Như vậy, việc thu phí, hạn chế xe cá nhân là quá vội vàng, cần phải được xem xét và có lộ trình thích hợp.

Ùn tắc giao thông để lại những hậu quả và hệ luỵ hết sức nặng nề trong phát triển kinh tế xã hội. Lãng phí về thời gian, nguyên nhiên liệu; ảnh hưởng đến chất lượng sống của hàng triệu người; làm gia tăng chi phí trong kinh doanh, mất mát cơ hội, tai nạn và ô nhiễm môi trường cũng gia tăng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hạn chế phương tiện vào nội thành là cần thiết, song theo kế hoạch "cuối năm 2019 trình và thông qua đề án, có thể triển khai ngay vào năm sau" là nóng vội vì bối cảnh hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật của nước ta còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, trong Luật Phí và Lệ phí nước ta hiện nay cũng không có loại phí này nên việc triển khai gấp đề án này là chưa khả thi, chưa có cơ sở.

Xây dựng bãi đỗ xe ở ngoại đô và phát triển hệ thống giao thông công cộng

So với các tỉnh, thành khác, có thể nói thành phố Hà Nội đầu tư hạ tầng khá tốt về các tuyến đường kết nối, đường vành đai, đường xuyên tâm. Tuy nhiên, dù được đầu tư lớn, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến hết sức phức tạp và đáng báo động, đặc biệt là vào các giờ cao điểm, dịp lễ, Tết tại các cửa ngõ Thủ đô, các tuyến đường vành đai. Tuy nhiên, Hà Nội cũng bị xếp là một trong hai thành phố ô nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á. Những hạn chế này đặt ra thách thức không nhỏ với chính quyền thành phố về một Thủ đô không ùn tắc, không ô nhiễm. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, thành phố Hà Nội đang lên kế hoạch thu phí ô tô vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Phùng Văn Hùng: Tôi ủng hộ việc thu phí xe ô tô vào nội đô

- Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Tôi ủng hộ việc thu phí xe ô tô vào nội đô. Thực ra chúng ta thấy rằng tình trạng xe ô tô ở các đô thị lớn hiện nay tăng lên rất nhanh. Chúng ta đẩy mạnh ngành sản xuất ô tô, chúng ta mở cửa và nhiều cơ chế của các hiệp định tự do thương mại với các nước, hạ thuế nhập khẩu...thì rõ ràng lượng ô tô vào nước ta rất lớn. Do giá lại chấp nhận được nên người dân mua ô tô nhiều. Đây cũng là xu thế phát triển. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Thu phí vào nội đô phù hợp với thực trạng về ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường của thành phố Hà Nội

Tuy nhiên chúng ta chưa có điều kiện đáp ứng kịp thời hệ thống hạ tầng giao thông thì chúng ta phải có biện pháp để đảm bảo không gian trong đô thị được tiếp tục duy trì một cách lành mạnh. Nếu không chúng ta sẽ gây nên tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Khi đã chấp nhận sử dụng ô tô đi vào thành phố mà phải đóng góp một chút tôi nghĩ là phù hợp. Ở một số nước trên thế giới, các nước phát triển người ta cũng áp dụng biện pháp này.

- Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Vấn đề thu phí vào nội đô, theo tôi việc làm này hợp lý để hạn chế được số lượng xe của các tỉnh và khu vực ngoại đô vào trong thành phố. Nếu người dân muốn vào thành phố không phải trả phí thì có thể đi xe công cộng, xe doanh nghiệp, như vậy xe cá nhân sẽ giảm. Đề án này nó sát thực với thực trạng về ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường của thành phố Hà Nội trong những năm gần đây. Thời gian qua, thành phố Hà Nội cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để xử lý tình trạng ùn tắc giao thông hay ô nhiêm môi trường, tuy nhiêu, các giải pháp đưa ra vẫn chưa mang lại hiệu quả.

- Đại biểu Đào Thanh Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Phương tiện giao thông cá nhân ngày một gia tăng, tuy nhiên hạ tầng giao thông của chúng ta chưa đảm bảo cho sinh hoạt của một thành phố hiện đại. Đây là một áp lực rất lớn. Chính quyền thành phố cũng đã mất rất nhiều công sức và cùng với các cơ quan của Trung ương, của Chính phủ để triển khai các biện pháp giải pháp để tăng cường năng lực giao thông cho những đô thị lớn.

Tuy nhiên, trong thực tế quá trình chúng ta thực hiện không đáp ứng được tốc độ gia tăng về phương tiện. Hiện nay Hà Nội đã có gần 1 triệu xe ô tô, gần 6 triệu xe máy, nhưng giao thông phát triển cũng chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng của phương tiện. Nhu cầu có các phương tiện lưu thông của người dân là chính đáng, người ta có quyền sở hữu tài sản, quyền mua các phương tiện để người ta phục vụ cuộc sống.

Phóng viên: Thưa đại biểu, nếu như chúng ta triển khai việc thu phí vào nội đô thì cần phải giải quyết những bài toán nào khác để thực hiện hiệu quả việc thu phí này:

- Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Việc thu phí vào nội đô nó sẽ giảm ùn tắc. Tuy nhiên chúng ta phải xây dựng các bãi đỗ xe ở ngoài vành đai, có những bãi xe lớn để khi người dân đi vào thành phố người ta sẽ đỗ xe ở các bãi gửi xe bên ven đô, sau đó người ta sẽ sử dụng các phương tiện công cộng đi vào trong nội đô và như vậy chúng ta phải phát triển hạ tầng giao thông công cộng thành phố. Còn nếu ai muốn đi xe cá nhân vào trong nội đô thì phải trả tiền. Như vậy sẽ hạn chế phần nào đó xe cá nhân, giảm ùn tắc và cũng giảm ô nhiễm, không anh hưởng tới người dân ở trong thành phố.

- Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Để thực hiện được phương án thu phí vào nội đô thì mức phí như thế nào? Thu ở đâu? Đối tượng nào?... là vấn đề hết sức quan trọng. Song song với việc thu phí thì cần có các bãi đỗ xe công cộng để tạo điều kiện cho người dân gửi xe cá nhân ở khu vực ngoại đô để tham gia giao thông công cộng vào trong nội đô.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh hơn nữa giao thông công cộng, đồng thời có giải pháp để thành lập cơ quan quản lý để thực hiện các vấn đề thu phí nội đô trong quá trình thực hiện. Nếu như chấp nhận nộp phí với mức quy định thì được lưu thông vào nội đô, còn không chấp nhận được mức phí đó thì buộc phải tham gia các phương tiện giao thông công cộng. Như vậy tôi nghĩ, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ giảm.

Đại biểu Đào Thanh Hải: Phát triển giao thông công cộng và bổ sung thêm các quy định để hạn chế xe cá nhân

- Đại biểu Đào Thanh Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Nếu như chúng ta cố gắng tuyên truyền vận động tốt và xây dựng được hệ thống mạng lưới giao thông công cộng tốt thì mới có thể giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó bổ sung thêm các quy định để hạn chế phương tiện cá nhân ô tô. Ví du ở Hồng Kông, Singapore, họ đã tăng chế tài về vấn đề thuế thu nhập, tăng chế tài khi mua xe; Bãi đỗ, bến bãi xe ô tô rất đắt. Từ việc điểm đỗ xe đắt thì người dân sẽ lựa chọn những loại hình phương tiện cá nhân phù hợp với túi tiền. Ngoài ra, khi người dân tham gia giao thông ở những tuyến phố trọng điểm thì sẽ có hệ thống thu tiền tự động… Với những biện pháp như vậy sẽ hạn chế xe cá nhân vào khu vực trọng điểm, giảm bớt được lưu lượng tham gia giao thông. Và như vậy, khi người ta phải có công việc thực sự quan trọng họ mới tham gia giao thông./.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các đại biểu!

Việc nhanh chóng tìm ra phương án quản lý giao thông Hà Nội khi tình trạng ùn tắc và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng là yêu cầu hết sức bức thiết đối với chính quyền thành phố Hà Nội trong thời điểm hiện nay khi mà lượng phương tiện giao thông ngày một gia tăng. Tuy nhiên, để đề xuất có tính khả thi cao, việc lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học, những nhà hoạch định chính sách là rất quan trọng, cần nghiên cứu một cách cẩn trọng, tổng thể trên cơ sở đặc điểm và tình trạng hệ thống giao thông vận tải cũng như thói quen đi lại của người dân, để vận dụng thành công, cởi được nút thắt bền vững giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường thủ đô Hà Nội./.

Lê Phương