ĐBQH NGUYỄN THỊ LAN: XEM XÉT MỞ RỘNG NHIỆM VỤ CỦA LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

09/12/2019

Góp ý vào dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội) cho rằng, nên xem xét mở rộng nhiệm vụ của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Lan, khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có ghi: “Luật này có nhiệm vụ giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm giá trị pháp lý, hiệu lực thi hành kết quả hòa giải, đối thoại; góp phần hàn gắn những bất đồng, rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp, khiếu kiện trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân; tiết kiệm chi phí của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng ghi như vậy là rất cô đọng, súc tích, tuy nhiên lại chưa đầy đủ, nên cần được xem xét mở rộng nhiệm vụ của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bởi lý do sau đây:

Một là, về hòa giải, hiện nay tại Việt Nam có hòa giải ngoài tố tụng được Luật Hòa giải ở cơ sở điều chỉnh, hòa giải trong tố tụng được Bộ luật Tố tụng Dân sự điều chỉnh. Vậy Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án một lần nữa quy định về hòa giải cho thấy, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam rất coi trọng nền tảng xã hội dân sự, coi trọng tập quán, truyền thống văn hóa của người Việt Nam giải quyết  tranh chấp ngay từ cơ sở ban đầu, đảm bảo tình và lý, tình trước, lý sau. Cụ thể, đối với người Việt không chỉ trong quan hệ gia đình mà các mối quan hệ họ hàng, tìm ra cái lẽ để coi trọng quan hệ ruột thịt “một giọt máu đào, hơn ao nước lã”; với xóm giềng họ lại có cái lẽ khác để yêu thương như: “bán anh em xa mua láng giềng gần”,  “tối lửa tắt đèn có nhau”… Với lẽ sống yêu thương, sẻ chia, nên khi có xung đột người Việt thường chọn cách giải quyết “chín bỏ làm mười”, hòa giải mà không chọn cách “đáo tụng đình”, cũng là để tránh “một đời kiện bằng chín đời thù”, giữ hòa khí lâu dài về sau.

Như vậy, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với tinh thần coi trọng hòa giải của các bên cho thấy, sự khuyến khích cách giải quyết phù hợp với văn hóa và tâm lý người Việt; lấy bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt làm cốt lõi, làm cơ sở giải quyết xung đột trong dân. Điều này cần được đưa vào nhiệm vụ của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Hai là, về đối thoại, xuất phát từ những xung đột dẫn đến khởi kiện hành chính hiện nay có nguyên nhân chủ yếu là sự chưa thấu hiểu và sự thiếu niềm tin của người dân đối với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thì đối thoại là giải pháp để các bên không chỉ “hàn gắn những bất đồng, rạn nứt” như ghi nhận trong nhiệm vụ của dự thảo Luật lần này mà còn góp phần để hai bên xung đột thấu hiểu nhau, lấy lại và củng cố niềm tin. Ngoài ra, khi cá nhân, cơ quan có thẩm quyền có cơ hội và sẵn sàng đối thoại với người dân cũng cho thấy, thái độ thân dân, trọng dân, gần dân, sẵn sàng nghe dân, khẳng định chính quyền nhà nước Việt Nam là “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, ở đó người dân là chủ, làm chủ, xã hội dân chủ. Ý nghĩa to lớn này cũng cần được ghi nhận vào nhiệm vụ của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Ba là, trong các xung đột dân sự, kể cả hành chính các bên đương sự chủ yếu là công dân, là người dân thì chủ thể chủ yếu trong các tranh chấp dân sự, hành chính là cá nhân. Do vậy, đồng thời để phù hợp với các quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 2 cũng như cách sử dụng thuật ngữ tương ứng trong toàn dự luật thì cụm từ “cơ quan, tổ chức, cá nhân” nên được ghi đảo từ thành “tôn trọng quyền tự định đoạt của cá nhân, tổ chức, cơ quan”.

Về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại được ghi nhận tại khoản 2 Điều 8, dự thảo Luật, Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung vào điểm b cụm từ “trung thực và ngay thẳng” vào sau cụm từ “thiện chí, hợp tác”. Đồng thời, đề nghị xem xét bỏ cụm từ “nếu tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thì kết quả hòa giải, đối thoại bị vô hiệu” khỏi điểm c khoản 2 Điều 8, vì nội dung này không thuộc nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại mà là sự tuyên bố về một trường hợp kết quả hòa giải, đối thoại bị vô hiệu.

Về quyền của hòa giải viên, theo Đại biểu Nguyễn Thị Lan việc hòa giải viên tự nguyện tham gia hòa giải tại Tòa án không có nghĩa họ hoàn toàn không có quyền năng gì về mặt hành chính và chỉ thụ động trước các quyết định, chỉ định của Tòa. Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị trao thêm quyền cho hòa giải viên với việc bổ sung vào khoản 1 Điều 12 quyền: được bổ nhiệm lại nếu đủ tiêu chuẩn và không thuộc trường hợp không được bổ nhiệm lại hoặc bị miễn nhiệm theo quy định tại điểm b, c khoản 1, Điều 11. Đồng thời, Ban soạn thảo cần cân nhắc ghi nhận tại điểm h khoản 2 Điều 12 là: “Từ chối tham gia giải quyết vụ việc mà mình đã tiến hành hòa giải, đối thoại nhưng không thành, được chuyển cho Tòa án giải quyết theo trình tự tố tụng” nghĩa vụ hay là quyền của Hòa giải viên thì phù hợp hơn./.

Trọng Quỳnh