ĐBQH NGUYỄN LÂN HIẾU: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ VỀ CƠ CHẾ CHO NGÀNH Y TẾ

31/12/2019

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, đã có chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ về nội dung: “sắp tới, Bộ trưởng sẽ đề xuất cơ chế riêng trong việc cấp biên chế cho Bộ giáo dục. Như vậy, Bộ Y tế sẽ thế nào?”

Hàng loạt bác sỹ tại các bệnh viện công lập xin nghỉ việc, chuyển sang khu vực y tế tư nhân

Cán bộ y tế ồ ạt bỏ bệnh viện công

Theo thông tin từ sở y tế tỉnh Đồng Nai, chỉ trong vòng 3 năm qua đã có gần 300 bác sỹ và nhân viên y tế của địa phương này xin nghỉ việc và đầu quân cho các bệnh viện tư nhân.

Tình trạng này cũng đang diễn ra ở hầu khắp các địa phương khác như: tại Cà Mau trong hơn 3 năm qua đã có hơn 105 viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập nghỉ, bỏ việc trong đó phần lớn là bác sỹ.

Hay chỉ riêng trong năm 2018, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk có gần 40 bác sỹ, điều dưỡng xin nghỉ việc. Hiện các bệnh viện, cơ sở y tế công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng đang thiếu hụt khoảng 300 y, bác sỹ.

Riêng tháng 9/2018 toàn tỉnh có 64 y, bác sĩ xin nghỉ việc.

Trên đây chỉ là một vài con số thống kê chưa đầy đủ về tình trạng cán bộ y tế từ bỏ công việc tại bệnh viện công chuyển sang làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân. Phân tích về lý do của tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương cho rằng. chưa có thống kê chính thức, nhưng phải thừa nhận là gần đây có làn sóng bác sĩ bệnh viện công ồ ạt chạy sang làm ở bệnh viện tư. Nguyên nhân chính là do thu nhập của bác sĩ nói riêng và nhân viên y tế nói chung thấp hơn nhiều so với khu vực ngoài công lập. Bên cạnh đó, áp lực công việc ở bệnh viện công cao hơn so với khối tư nhân. Ngoài ra, điều kiện môi trường làm việc ở các cơ sở y tế công lập được đầu tư tốt hơn. Các doanh nghiệp làm y tế tư nhân thường xuyên có các cơ chế thu hút, động viên khuyến khích các bác sĩ, tạo điều kiện tốt nhất để họ làm công tác chuyên môn.

PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương

Hiện toàn ngành y tế có khoảng 70.000 bác sĩ chưa kể lực lượng bác sĩ trong ngành quân đội, công an và bác sĩ ngoài công lập. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn chưa có thống kê cụ thể và toàn diện về tình trạng bác sĩ chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, để từ đó đánh giá, nhìn nhận lại thực trạng sử dụng nguồn nhân lực y tế thời gian qua. Nhưng theo khảo sát của các bệnh viện có cán bộ y tế xin nghỉ việc thì áp lực công việc, lương thấp, chế độ đãi ngộ không tương xứng… là những lý do khiến đội ngũ y , bác sĩ bỏ bệnh viện công ngày càng phổ biến ở các địa phương hiện nay.

Điều đáng nói là những bất cập trong chính sách tiền lương của ngành y tế không chỉ diễn ra ở hệ điều trị mà ở cả lĩnh vực y tế dự phòng. Công tác tại Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ, đặc thù công việc phải thường xuyên di chuyển, tiếp xúc trực tiếp với nhiều hóa chất độc hại trong công tác phòng, chống dịch. Nguy hiểm hơn là phải tiếp xúc với những bệnh truyền nhiễm, phải có mặt đầu tiên ở nơi xuất hiện dịch, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh luôn cận kề. Tuy nhiên, mức thu nhập hiện nay lại thuộc mức thấp hơn so với nhiều cán bộ y tế có trình độ tương đương ở hệ điều trị.

Bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội

Để có được tấm bằng bác sĩ, người học phải đầu tư một khoản tiền rất lớn, từ 400 đến 500 triệu đồng, chưa kể những chi phí phát sinh khác. Tuy nhiên, khi ra trường, lương của nhiều cán bộ y tế làm việc tại các bệnh viện công chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Hiện lương ngành Y vẫn được chi trả theo thời gian công tác với hệ số cứng nhắc, vừa thấp vừa cào bằng, không liên quan đến hiệu suất công việc. Với áp lực công việc, nhưng với mức thu nhập như vậy, các bác sĩ rất khó bảo đảm cuộc sống, trong khi đó, tại bệnh viện tư nhân, thu nhập của bác sĩ cao hơn từ 4-5 lần so với làm việc tại bệnh viện công lập. Đó là chưa kể, hiện nay nhiều bệnh viện tư với tiềm lực tài chính dồi dào đã đầu tư các công nghệ quản trị hiện đại, với hệ thống cơ sở, trang thiết bị hiện đại đã tạo môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ y tế có điều kiện phát huy trình độ tay nghề vào công tác chăm sóc người bệnh. Việc dịch chuyển bác sĩ đến y tế tư nhân cho thấy y tế công lập và y tế tư nhân đã bước đầu có sự cạnh tranh, nguồn nhân lực dịch chuyển về nơi nào có điều kiện lao động và thu nhập cao hơn. Việc nhiều bác sĩ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư ở khía cạnh nào đó có thể là đòn bẩy để kích thích y tế tư nhân phát triển, giảm tải bệnh viện công. Nhưng nếu hiện tượng này xảy ra ở nhiều địa phương và năm nào cũng tái diễn thì cũng cần xem lại cơ chế đãi ngộ đối với bác sỹ, nhân viên y tế.

Tự chủ hoàn toàn quyền tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự

Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành trong khám chữa bệnh chuyên ngành lao, bệnh phổi và chỉ đạo Chương trình dự phòng phòng chống lao quốc gia. Đây là mô hình đặc biệt của bệnh viện tuyến Trung ương, tương tự như ở các Trung tâm Y tế tuyến huyện, vừa có chức năng khám chữa bệnh, vừa có chức năng dự phòng. Bệnh viện có hơn 900 cán bộ y tế, 700 giường, khoảng 800 bệnh nhân nằm viện mỗi ngày. PGS.TS Bác sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện cho biết, bắt đầu thực hiện tự chủ từ đầu năm 2019, thuộc nhóm 2, tức là vận hành bệnh viện bằng kinh phí tự chủ. Mặc dù thực hiện tự chủ  bệnh viện nhưng lại không được quyền “tự quyết”  hoàn toàn. Vì vậy, trong quá trình vận hành, bệnh viện gặp không ít khó khăn về nhân lực, sức ép tinh giản biên chế.

PGS.TS Bác sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương

 Vừa qua, trong phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, rất nhiều ý kiến đại biểu cũng đã tranh luận với các cơ quan quản lý Nhà nước xung quanh nội dung này. Không đồng tình việc tinh giản biên chế nhân viên y tế ở một số địa phương. Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, giảm biên chế 10% là giảm số người ăn lương nhà nước, còn người làm việc phải tăng vì công việc nhiều, bệnh nhân ngày càng đông.

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu quốc hội đã đưa ra các vấn đề quan tâm như Bộ Nội vụ sẽ có chính sách gì để giữ chân đội ngũ y bác sĩ giỏi ở lại bệnh viện công lập? Hay giao quyền tự chủ nhưng các bệnh viện không được tự quyết, mọi chuyện đều phải xin ý kiến? Trả lời chất vấn của các đại biểu, tại thời điểm đó đại diện Bộ Y tế đã thừa nhận tình trạng do vướng nhiều quy định, có bác sĩ giỏi nhưng không được bổ nhiệm vị trí cao hơn, dẫn đến tâm lý, chuyển sang làm tư nhân.

Có thể thấy, việc chảy máu chất xám và dòng dịch chuyển bác sỹ và cán bộ y tế từ khu vực công sang khu vực tư sẽ ngày càng diễn ra nghiêm trọng hơn. Điều này khiến cho bác sỹ khu vực công vốn đã thiếu nay lại hụt. Nguyên nhân một phần có thể do tiền lương, thu nhập, chế độ đãi ngộ, có thể là do môi trường làm việc hay cơ hội được cống hiến, thăng tiến;…. Để giải quyết phần nào vấn đề này, dường như vẫn phải chờ đợi những cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa với ngành y?

Bộ trưởng Nội vụ trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân 

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: lĩnh vực của giáo dục, đây là một lĩnh vực khá đặc thù. Về y tế, chúng ta có bảo hiểm y tế toàn dân. Những hộ gia đình chính sách, những hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ. Chính vì vậy, về phần thu của cơ sở y tế, nếu đến năm 2020 đạt được tỷ lệ trên 90% sẽ là nguồn thu rất lớn mà giáo dục không có. Giáo dục phải thực hiện các chế độ học phí do Chính phủ quy định. Chính vì vậy, có thể nói đây là một vấn đề rất khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ còn nhấn mạnh: Xã hội hóa trong y tế hiện nay là một môi trường kêu gọi được nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, xã hội hóa giáo dục, nhất là giáo dục từ THPT trở xuống, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng miền núi thật sự khó khăn. Biên chế, định mức của giáo viên, học sinh những vùng miền núi cũng không giống như định mức đối với đô thị, thành phố. Mặc dù, chúng ta có rất nhiều các chính sách 116, 64, 61 và sau này thay đổi bằng Nghị định 76 cũng chưa đủ sức thu hút giáo viên về công tác ở những khu vực này. Hơn nữa, theo chủ trương của Bộ Chính trị, có người học là phải có người đứng lớp. Vì vậy, có thể nói đây là một lĩnh vực đặc thù.

Bộ trưởng cũng lý giải, chúng ta quy định giáo viên khi chuyển từ trường này sang trường khác phải xin nghỉ việc, cắt hợp đồng, nghỉ việc qua đơn vị mới làm hợp đồng mới. Bây giờ chúng ta thực hiện chế độ liên thông, chỉ chuyển từ trường này sang trường khác nhưng vẫn là giáo viên, vẫn giảng dạy. Như vậy, chúng ta phải nối tiếp với nhau, tránh việc giáo viên từ trường này chuyển từ huyện này qua huyện khác, tỉnh này qua tỉnh khác phải cắt, phải nghỉ việc để thực hiện lại hợp đồng. Chính vì vậy, có rất nhiều vấn đề là những đặc thù của giáo viên. Hay vấn đề thiếu cục bộ của giáo viên hiện nay. Chúng ta không thể bắt một người dạy văn chuyển qua để dạy môn nhạc, họa được. Điều này khác rất nhiều giữa lĩnh vực của giáo dục và y tế. Bên cạnh đó là vấn đề nghỉ thai sản, nếu giao đủ biên chế được giao nghỉ thai sản sẽ không ai dạy hết. Về thời gian bố trí, giáo viên còn cần phải có nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu và cũng phải chấm bài thi, v.v..

Ngành y tế cũng có những đặc thù, khó khăn riêng

Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tập trung phân tích và chỉ ra những khó khăn khiến ngành giáo dục cần có đặc thù riêng, đồng thời cũng chỉ ra những mặt thuận lợi của ngành y tế trong vấn đề kinh phí, công tác xã hội hóa, nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian vừa qua ngành y tế cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề tuyển dụng, thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là chuyên khoa đầu ngành; tuyển chọn, bổ nhiệm nhân sự; tinh giản biên chế nhân lực y tế. Vậy, vấn đề đại biểu chất vấn đã được Bộ Nội vụ trả lời thỏa đáng hay chưa? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang:

 

Phóng viên: Thưa đại biểu, được biết trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Vậy, xin ông chia sẻ cụ thể về nội dung chất vấn? 

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tại Phiên chất vấn trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tôi đã đề nghị Bộ trưởng lý giải tại sao Bộ trưởng vừa nói sắp tới Bộ trưởng sẽ đề xuất cơ chế riêng trong việc cấp biên chế cho Bộ giáo dục? Như vậy, Bộ Y tế sẽ thế nào? Vì chúng tôi hiện nay cũng đang rất lúng túng trong các văn bản, thông tư, nghị định của Bộ. Theo tôi, muốn giảm biên chế, chúng ta nên tiếp cận theo cách khác. Phải làm sao cho một cán bộ có hay không có biên chế, vẫn được đối xử công bằng như nhau trong việc phát triển và bổ nhiệm. Có như vậy, từng bước, tâm lý việc làm suốt đời không cần phấn đấu sẽ mất đi và những người tài năng sẽ tham gia nhiều hơn vào các hệ thống công lập. Đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng về vấn đề nêu trên?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Thực trạng hiện nay đặc biệt trong tuyển dụng tại các đơn vị sự nghiệp công lập việc tuyển viên chức luôn là vấn đề rất khó khăn, chưa tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động thuận lợi. Theo tôi, Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức có mục đích quan trọng nhất là vị trí việc làm, tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tốt. Tuy nhiên, với sự sắp xếp hiện nay việc giảm biên chế rất khó khăn vì những quy định đề ra rất là cứng nhắc.

Phóng viên: Sau khi đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có phần giải trình trước Quốc hội, đại biểu có hài lòng với nội dung trả lời?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tôi không hài lòng với phần trả lời của  Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bộ trưởng có giải trình về việc tăng cường viên chức trong ngành giáo dục còn ngành y tế thì không cần vì ngành y tế hiện xã hội hóa rất tốt không cần đến việc tăng cường viên chức biên chế. Tuy nhiên, điều này là mâu thuẫn. Bởi vì, thực tế không phải việc xã hội hóa trong ngành y tế dễ dàng hơn ngành giáo dục. Ngành y tế xã hội hóa ở tuyến trung ương, tỉnh thì thuận lợi  nhưng xã hội hóa ở những tuyến cơ sở thì khó khăn vô cùng. Vì vậy, cũng cần đặt y tế và giáo dục cùng vị trí và đối xử như nhau.

Phóng viên: Thực tế thời gian qua có tình trạng bác sỹ rời bỏ bệnh viện công sang làm việc tại các bệnh viện tư, theo quan điểm của đại biểu cần có giải pháp gì để thu hút cán bộ y tế làm việc tại các cơ sở công lập?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Theo quan điểm của tôi, việc bác sỹ rời bỏ bệnh viện công sang làm việc tại các bệnh viện tư là điều tốt chứ không phải điều xấu. Thực tế này cho thấy, các đơn vị y tế công lập cần phải nhìn lại và có những thay đổi nhằm thu hút cũng như giữ chân được người tài, những bác sỹ có trình độ chuyên môn cao. Chúng ta phải thay đổi làm sao để người tài, người giỏi ở lại bệnh viện công. Để làm được điều này thì vai trò của Bộ Nội vụ là vô cùng quan trọng. Bộ Nội vụ phải tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở y tế công lập có cơ chế thu hút người tài, có vị trí việc làm thuận lợi cho bác sỹ làm việc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Chưa đồng tình với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, ngành y tế cũng có những đặc thù, khó khăn riêng như việc thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, vấn đề xã hội hóa y tế tại trung ương thì thuận lợi nhưng tuyến cơ sở như huyện, xã thì cũng vô cùng khó khăn. Bởi vậy, để tạo điều kiện cho y tế phát triển thì ngành cũng rất cần cơ chế phù hợp./.

Lê Anh