ĐBQH NGUYỄN MAI BỘ: HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TOÀ ÁN ĐÓNG VAI TRÒ ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

11/02/2020

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Tòa án nhân dân tối cao đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa. Dự án Luật đã nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đa số đại biểu và cử tri cả nước. Theo ý kiến đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An giang nhấn mạnh hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống.

Một buổi hòa giải cho các đương sự tại Trung tâm hòa giải đối thoại Toà án nhân dân Tp. Hải Phòng

Phát huy cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa

Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng cùng 09 Tòa án nhân dân cấp huyện của thành phố từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2018. Sau 6 tháng triển khai, hoạt động thí điểm này đã thu được những thành công nhất định, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt 76,2%.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền cho biết: “Ngay sau khi có ý kiến của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương đồng ý cho Tòa án nhân dân tối cao triển khai thực hiện thí điểm về hòa giải, đối thoại giải quyết các vụ việc về dân sự và khiếu kiện hành chính tại thành phố Hải Phòng thì dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của dồng chí Chánh án tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chúng tôi cũng đã chuẩn bị ngay những điều kiện cần thiết để thực hiện thí điểm và hướng tới một mục tiêu là sau 6 tháng triển khai thí điểm thì việc thí điểm phải thành công và đáp ứng được những yêu cầu mục đích đặt ra”.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền 

Sau thành công thí điểm tại Hải Phòng, tiếp tục thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thời gian thí điểm kéo dài từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2019. Tại các địa phương này, đã thành lập Ban Chỉ đạo thí điểm, tổ chức các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đào tạo Hòa giải viên; tiến hành hòa giải, đối thoại tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính… và đã thu được những kết quả tích cực.

Anh Nguyễn Bình cư trú tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng chia sẻ, nhờ có hòa giải viên tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại của Tòa án nhân dân quận Sơn Trà, mà mâu thuẫn, tranh chấp giữa anh và vợ cũ về vấn đề nuôi con đã được giải quyết thuận lợi, nhanh chóng. Anh Nguyễn Bình còn bày tỏ tiếc nuối, giá mà Trung tâm được thành lập sớm hơn thì có lẽ cuộc hôn nhân của vợ chồng anh sẽ có kết quả tốt hơn.

Hội nghị triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành

Sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải, đối thoại thành được 36.985 vụ việc, trên tổng số 47.493 vụ việc được hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 78,08%. Như vậy, số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành của các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại 16 tỉnh, thành phố đã giúp các Tòa án thực hiện thí điểm không phải thụ lý 36.985 vụ việc. Trong số các vụ việc hòa giải, đối thoại thành, có 32.994 vụ việc về hôn nhân và gia đình (đạt tỷ lệ 86%); 3.125 vụ án về dân sự (đạt tỷ lệ 47%), 459 vụ án về kinh doanh, thương mại (đạt tỷ lệ 39,43%), 300 khiếu kiện hành chính (đạt tỷ lệ 33,07%), 107 vụ án về lao động (đạt tỷ lệ 52,45%). Đối với những vụ việc hòa giải, đối thoại không thành là10.508 vụ việc, qua quá trình giải quyết tại Trung tâm, các Hòa giải viên đã giải thích các quy định của pháp luật, từ đó giúp họ có nhận thức đúng đắn hơn về vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết án sau này của Tòa án.

Từ thực tế triển khai, ông Trần Đình Quảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết: “Có thể nói đây là bước tiến mới trong cải cách tư pháp. Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng dự thảo luật hòa giải, đối thoại tại tòa án trình Quốc hội cho ý kiến thì kết quả thực hiện thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa.”

Ông Trần Đình Quảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng 

Kết quả thí điểm mô hình hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính cho thấy, ngoài chức năng xét xử, Tòa án còn sử dụng hiệu quả các biện pháp thay thế khác để giải quyết các khiếu kiện, tranh chấp, ổn định trật tự xã hội. Cách làm này không chỉ giúp giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án mà còn tiết kiệm chi phí, thời gian, hạn chế các khiếu kiện phức tạp kéo dài.

Hiện công tác thí điểm hòa giải, đối thoại vẫn đang thực hiện trên cơ sở hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Kinh phí thực hiện chủ yếu được lấy từ nguồn hỗ trợ của các địa phương đang thực hiện thí điểm. Kết quả thực hiện thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa.

Cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Tòa án nhân dân tối cao đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật hòa giải, đối thoại tại tòa. Dự thảo Luật gồm 04 chương, 29 điều quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Luật này không điều chỉnh các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định. Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu đều tán thành và nhất trí sự cần thiết ban hành Luật

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa án, việc thu phí, tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên, quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên, quan hệ giữa hòa giải viên với Tòa án, trình tự nhận, phân công hòa giải viên, xử lý đơn khởi kiện, thời hạn hòa giải, thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum có nên đặt vấn đề thu phí hòa giải, đối thoại hay không, với ý nghĩa của hòa giải, đối thoại là hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt trong quan hệ xã hội, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp, khiếu kiện trong tương lai, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết trong nhân dân, bởi thế chúng ta hết sức khuyến khích các bên tranh chấp thực hiện hòa giải, đối thoại; mặt khác theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, giải quyết tranh chấp khiếu kiện thông qua hòa giải, đối thoại tại tòa án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi phí để xét xử một vụ việc theo trình tự tố tụng, do vậy chưa cần thiết phải đặt vấn đề thu phí hòa giải, đối thoại trong dự luật mà nên giao cho Chính phủ một lộ trình thích hợp để quy định việc thu phí hòa giải, đối thoại.

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum

Với mục đích xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Đồng thời, nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tăng tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại. Đây là dự án Luật mới, có tác động nhiều mặt đến các quan hệ xã hội và nhận được sự quan tâm của cử tri và đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật vẫn tiếp tục được hoàn thiện trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây.

Qua tổng kết việc thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt 78,08% cho thấy ưu điểm của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. Vậy, việc luật hóa cơ chế pháp lý này như thế nào? Đâu là những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau và cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng nào nhằm đảm bảo tính hiệu quả và tính khả thi khi ban hành? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Qua thảo luận, đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết cũng như những nội dung cơ bản của dự án Luật?

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Khẩu hiệu quản lý xã hội bằng pháp luật là hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ, bởi lẽ ngoài quản lý xã hội bằng pháp luật ra thì một công cụ quản lý xã hội rất quan trọng nữa đó là đạo đức, phong tục tập quán. Lâu nay chúng ta cứ vấn đề gì không giải quyết được với nhau là đưa ra pháp luật, điều này sẽ dẫn tới một số  hệ lụy.

Chính vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao có đề xuất và Quốc hội sau khi thảo luận đã đồng tình với Tòa án nhân dân tối cao về sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa. Nội dung để đưa ra đối thoại tại tòa không phải là những vấn đề về tội phạm mà chỉ là những tranh chấp về kinh tế, dân sự; về lao động. Vì vậy thì nếu giải quyết tại tòa dưới dạng đối thoại, hòa giải thì tôi chắc chắn 1 điều rằng hiệu quả sẽ tăng lên và 1 phần nữa là giúp giảm áp lực số lượng vụ án cho các cơ quan pháp luật phải giải quyết.

Tôi hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án Luật này. Hồ sơ dự án Luật đã được Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đã tiến hành tổng kết việc thi hành pháp luật.

Phóng viên: Vậy đâu là những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang:  Rõ ràng khi mà chúng ta thông qua Luật đối thoại, hòa giải tại tòa thì nhiều vấn đề đặt ra yêu cầu phải giải quyết.

Thứ nhất, phải giải quyết được đó là sự liên thông về mặt thời hạn tố tụng hay hành vi tố tụng. Bởi theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì sau khi nhận được đơn khởi kiện của 1 đương sự nào đó trong thời hạn luật quy định phải thụ lý đơn để đưa vào quy trình  tố tụng. Tuy nhiên, nếu tiến hành 1 công việc hòa giải nữa thì ở đây là 1 khớp nối liên thông mà ở tại kỳ họp thứ 8, tôi cũng đã phát biểu đề nghị phải giải mã câu chuyện này. Vừa rồi, tôi được biết dưới sự chủ trì của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Tư pháp cũng đã tìm cách để tháo gỡ vướng mắc này. Cụ thể: khi thụ lý đơn thì tòa án phải hỏi xem họ có đồng ý việc tòa án sẽ tiến hành hòa giải hay không và khi đồng ý hòa giải sẽ làm thủ tục để hòa giải và thời gian đó không tính vào thời gian thụ lý đơn để khớp nối về mặt tố tụng.

Thứ hai, là ghi nhận kết quả hòa giải để bảo đảm tính pháp lý cho việc 2 bên thống nhất kết quả hòa giải.

Thứ ba, liên quan tới việc oan sai thì cũng giải quyết vai trò của thẩm phán trong việc ghi nhận kết quả hòa giải.

Cả 3 vấn đề này đều được đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã chủ trì cuộc họp và tháo gỡ.

Phóng viên: Dự án Luật đang tiếp tục được lấy ý kiến nhằm hoàn thiện trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến biểu quyết thông tại kỳ họp thứ 9 tới đây. Vậy, cá nhân đại biểu có đề xuất gì nhằm hoàn thiện dự Luật, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tôi cũng đã góp ý trên 3 mảng vấn đề:

Thứ nhất, làm sao tạo thành 1 quy trình liên thông không vướng với quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự, tức là không xung đột.

Thứ hai, là vai trò của thẩm phán họ được tham gia đến đâu trong quá trình hòa giải. Bởi vì, nếu không cho thẩm phán tham gia ở một mức độ cần thiết mà họ chỉ ghi nhận không trên cơ sở chứng cứ là không thỏa đáng. Trong khi, 1 nguyên tắc là chúng ta không được tiến hành hòa giải ở mức độ trái luật, trái với đạo đức.

Thứ ba, là thi hành quyết định hòa giải, cơ chế thi hành để làm sao khi mà hòa giải xong thì Quyết định ghi nhận hòa giải sẽ tạo thành 1 giá trị pháp lý để 2 bên thực thi. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho việc hòa giải, đối thoại tại tòa vận hành tốt thì đồng thời với việc thông qua luật này ngành tòa án phải chuẩn bị đội ngũ người tham gia công tác hòa giải đông đảo.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Trong suốt chiều dài lịch sử, phương thức hòa giải để giải quyết các tranh chấp luôn tồn tại và là một trong những thiết chế truyền thống, phù hợp với tâm lý, tình cảm và truyền thống trọng tình, trọng đức, trọng văn trong văn hóa của người Việt. Quá trình phát triển đất nước cũng như kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Vì vậy, việc kịp thời xây dựng, ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa là vô cùng cần thiết. Đại biểu và cử tri kỳ vọng, dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các vị đại biểu, chuyên gia và cử tri sẽ đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu thực tiễn đặt tiễn đặt ra./.

Lê Anh