ĐBQH TÔ VĂN TÁM CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG TRẦN TUẤN ANH VỀ CHẬM TRỄ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ TÁI ĐỊNH CƯ THỦY ĐIỆN ĐĂK ĐRINH

26/03/2020

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về việc chậm trễ thực hiện chính sách pháp luật trong bồi thường, tái định cư, di dân thủy điện Đăk Đrinh, tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Theo đó, ngày 16 tháng 11 năm 2016, Tổng Thư ký Quốc hội có Văn bản số 340/TTKQH-GS gửi đến Bộ Công Thương nội dung chất vấn của Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum với nội dung: "Dự án thủy điện Đăk Đrinh đã thực hiện di dân từ năm 2013, nhưng đến nay công tác bồi thường hỗ trợ xây dựng tái định cư - định canh gặp nhiều khó khăn vướng mắc gây bức xúc đối với các hộ dân bị ảnh hưởng thu hồi đất tải định cư định canh của dự án. Hiện nay khai hoang đồng ruộng đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên không cấp đất sản xuất cho dân tái định cư của thôn Vương và thôn Xô Luông vì đất của thôn Tu Rét thu hồi để khai hoang cấp cho 2 thôn nói trên chưa được bồi thường hỗ trợ với tổng số tiền phải bồi thường và tiền thi công khai hoang là khoảng 32,753 tỷ đồng. Vì vậy, dân ở thôn có đất thu hồi (thôn Tu Rét) không chịu giao đất và dân của 2 thôn được nhận đất (thôn Vương và thôn Xô Luông) chưa được giao đất rất bức xúc, vì chưa nhận được tiền bồi thường nên dân thôn Tu Rét đang đòi lại đất đã bị thu hồi. Cử tri các thôn trên và chính quyền huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam, công ty cổ phần thủy điện Đắk Đrinh và các đơn vị có liên quan chuyên kinh phí để việc bồi thường tái định cư - định canh được thực hiện trọn vẹn".

 Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum 

Sau khi nhận được văn bản chất vấn, ngày 6/12/2016, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám. Theo Bộ trưởng, dự án Thủy điện Đăk Đrinh do Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí – Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, làm chủ đầu tư. Dự án triển khai tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, tái định canh trên địa bàn huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) do Uỷ ban nhân dân huyện Sơn Tây làm Chủ đầu tư; trên địa bàn huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum) do Uỷ ban nhân dân huyện Kon Plong làm Chủ đầu tư. Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh là Chủ đầu tư thực hiện chi trả các chi phí của công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, tái định canh của Dự án.

Theo hồ sơ tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 của Chủ đầu tư, công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư, định canh của Dự án có giá trị là 1.536,382 tỷ đồng, vượt 825,402 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 1 được duyệt năm 2011, trong đó giá trị tăng trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 501,62 tỷ đồng (công tác bồi thường, hỗ trợ tăng 253,014 tỷ đồng và công tác tái định canh, tái định canh tăng 248,606 tỷ đồng).

Cuối tháng 7 năm 2016, Đoàn công tác Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã đến kiểm tra tình hình thực hiện Dự án, trong đó có công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư, định canh. Đoàn công tác đã trực tiếp làm việc tại hiện trường và nghe báo cáo của Chủ đầu tư; đồng thời, qua kiểm tra, xem xét thấy rằng việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư, tái định canh trên địa bàn tỉnh Kon Tum có một số nội dung chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Quyết định 34/2010/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện.

Công trình Thủy điện Đăk Đrinh do Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh làm chủ đầu tư. 

Ngày 15 tháng 8 năm 2016, Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2207/TCNL-TĐ chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Điện lực dầu khí và Công ty cổ phần thủy điện Đăkđrinh tiếp tục phối hợp với Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh huyện Kon Plông và các Sở, Ban, ngành chức năng liên quan của tỉnh Kon Tum thực hiện rà soát, đối chiếu danh mục, chi phí bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư, tái định canh trong quy hoạch được duyệt, khẩn trương thu xếp vốn để thực hiện các nội dung: Chi trả tiền bồi thường hỗ trợ đất tái định canh; Giải ngân chi phí các công trình xây dựng hạng mục tái định canh như: Công trình thủy lợi, khai hoang xây dựng đồng ruộng; Chủ động bàn bạc và thống nhất với địa phương về phương án giải quyết các nội dung: Bồi thường, hỗ trợ diện tích đất điều chỉnh quy hoạch bổ sung 104 ha (đất tái định canh của các thôn Vương, Xô Luông, Đăk Lai, Đăk Lup, Đắk Tiêu, Xô Thác); Bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất và đất sản xuất cũ xa nơi tái định cư; hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm cho xã Đăk Nên và đầu tư thêm 3 km đường đi khu sản xuất ở các thôn còn lại (Như nội dung nêu tại các mục 3, 4, 5, 6 trong văn bản số 1753/UBND-NNTN ngày 01 tháng 8 năm 2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum).

Về công tác khai hoang đồng ruộng của Dự án: Cơ bản đã hoàn thành, với tổng diện tích là 332,9 ha, tương ứng là 97 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã thực hiện giải ngân là 40 tỷ đồng. Chi phí còn lại chưa giải ngân là 57 tỷ đồng bao gồm (32,7 tỷ đồng đã phê duyệt phương án bồi thường, 24,3 tỷ đồng chưa phê duyệt phương án). Về lý do chậm cấp vốn 32,7 tỷ đồng: Do quá trình triển khai dự án kéo dài trong nhiều năm, chế độ chính sách thay đổi... dẫn đến chi phí tăng cao đã vượt tổng mức đầu tư.

Hiện tại, Chủ đầu tư đang tổng hợp, hoàn thiện để trình duyệt theo quy định. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Điện lực dầu khí và Công ty cổ phần thủy điện Đăkđrinh khẩn trương thu xếp vốn để thực hiện bồi thường cho người dân bị thu hồi đất, tránh gây bức xúc./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác