ĐBQH LEO THỊ LỊCH CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ

27/03/2020

Ngày 08/12/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, về những giải pháp để đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ điện tử.

Gửi văn bản chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ trưởng Bộ TTTT phải có những giải pháp để đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ điện tử.

Trong chất vấn, Đại biểu Leo Thị Lịch đồng tình với ý kiến trả lời của Bộ trưởng về xây dựng Chính phủ điện tử và hệ thống dữ liệu điện tử. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử ở nước ta tiến hành chậm, thiếu sự chỉ đạo, phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương. Còn tình trạng nặng nề về phần cứng, nhẹ phần mềm; nhiều nơi phải làm đi, làm lại, trùng lắp gây lãng phí. Ví dụ: Trong tạo lập dữ liệu hiện nay, mạnh ngành nào, ngành đó làm. Đáng lẽ ra phải xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư, sau đó từ dữ liệu này sẽ cung cấp cho các ngành khác phát triển bổ sung thành dữ liệu chuyên ngành... Nhưng các ngành đều phải xây dựng cơ sở dữ liệu đối tượng quản lý từ đầu, không có sự liên thông ngay từ khi tạo lập dữ liệu.


Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch băn khoăn liệu cấu trúc triển khai hệ thống điện tử thời gian tới mà Bộ trưởng Bộ TTTT đã đề cập trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội khóa XIV liệu có phù hợp với sự kết nối liên thông sau này không? Vì không đồng bộ cấu trúc ngay từ đầu dẫn đến sẽ xảy ra sự trùng lặp, chồng chéo các thông tin dữ liệu cơ bản về đối tượng quản lý nên Bộ TTTT cần có sự đánh giá về thực trạng này và đưa ra giải pháp trong thời gian tới.

Vấn đề thứ hai được Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch chất vấn Bộ trưởng Bộ TTTT là việc thu hút doanh các doanh nghiệp công nghệ thông tin vào xây dựng Chính phủ điện tử. Theo ý kiến của Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch, Việt Nam chưa có khả năng thiết kế tổng thể để xây dựng Chính phủ điện tử. Xuất phát thực tiễn hiện nay các cấp sau khi có sự triển khai chỉ đạo của Chính phủ. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi địa phương tự xây dựng mô hình khác nhau vì chúng ta không có mô hình cấu trúc ngay từ ban đầu để làm mẫu hệ thống Chính phủ điện tử để các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện một cách đồng bộ.

Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch chất vấn Bộ trưởng tại sao không đổi mới cách thức thực hiện bằng cách thu hút các doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia vào xây dựng Chính phủ điện tử hoặc chính quyền có thể đặt hàng các doanh nghiệp thực hiện một số dịch vụ công hay một số công đoạn các dịch vụ công?

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang về vấn đề xây dựng Chính phủ điện tử, ngày 08/12/2017, Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết bày tỏ sự đồng tình với ý kiến nhận xét của đại biểu và khẳng định, hiện nay ở nước ta, một số nơi và một số trường hợp thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm. Có nhiều lý do như về kinh phí, về nhận thức, nguồn nhân lực, sự chuẩn hóa nghiệp vụ... mà việc ứng dụng bài bản công nghệ thông tin chưa thể hoàn thiện được như ý kiến của Đại biểu. Trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới, nhiều nước cũng gặp phải những vấn đề tương tự và cần quá trình để Chính phủ điện tử hoàn thiện. Đó chính là mức độ trưởng thành của quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng Bộ TTTT khẳng định: Dữ liệu điện tử đóng vai trò quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, các cơ sở dữ liệu được coi như tài sản của Nhà nước và cần phải được xây dựng thống nhất và chia sẻ sử dụng chung giữa những cơ quan cần khai thác. Các cơ sở dữ liệu cần tham chiếu thống nhất với nhau, mà ý kiến của Đại biểu là “đáng lẽ ra phải xây dựng xong cơ sở dữ liệu thành dữ liệu chuyên ngành...” được coi như là một giải pháp để thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, do thiếu kinh phí nên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn chưa xây dựng được. Chính vì thế mà một số Bộ, ngành, địa phương có xây dựng những cơ sở dữ liệu có phạm vi chồng lấn hoặc liên quan để phục vụ các vấn đề trước mắt trong xử lý các nghiệp vụ quản lý đáp ứng nhu cầu thực tế (Ví dụ như dữ liệu về bảo hiểm, về thuế thu nhập cá nhân có chứa các thông tin về công dân).

Nhận thức được điều trên, Bộ TTTT đã và đang từng bước thực hiện để xây dựng các văn bản, quy định hoặc tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định sao cho các cơ sở dữ liệu khi được xây dựng tránh trùng lặp, chồng chéo và cát cứ, thiếu thống nhất thông tin trong cơ quan Nhà nước. Để đảm bảo việc kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu thì việc đồng bộ cấu trúc dữ liệu ngay từ đầu là hết sức quan trọng. Để thực hiện việc này, Bộ TTTT xác định các cơ sở dữ liệu quốc gia là các cơ sở dữ liệu gốc và cơ bản để làm cơ sở tham chiếu, thống nhất các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có pham vi liên quan, các cơ sở dữ liệu khi thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia thì cơ bản sẽ có sự thống nhất với nhau. Cụ thể đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xem là cơ sở dữ liệu chứa thông tin gốc về công dân. Theo các quy định của Luật Căn cước công dân, Bộ TTTT đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng quy chuẩn về cấu trúc thông tin về công dân (Quy chuẩn quốc gia QCVN 109:2017/BTTTT về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) để làm cơ sở thống nhất cấu trúc dữ liệu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Từ đó đảm bảo sự đồng bộ thông tin về công dân khi trao đổi, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu với nhau.

Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ thúc đẩy việc thống nhất các cấu trúc về dữ liệu theo hướng này. Cụ thể, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về Tăng cường quản lý Nhà nước về cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó có đề xuất giao nhiệm vụ cho các cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia phải ban hành các cấu trúc dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia để các cơ sở dữ liệu chuyên ngành có liên quan tham chiếu. Đồng thời, Bộ sẽ hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia nói riêng và các cơ quan Nhà nước nói chung tuân thủ các quy định của pháp luật. Đặc biệt là các nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác bảo vệ và duy trì cơ sở dữ liệu đảm bảo các yêu cầu: Nội dung phù hợp, chính xác, kịp thời, hiệu quả; hạn chế tối đa việc thu thập lại cùng một nguồn dữ liệu; tận dụng nguồn dữ liệu sẵn có; ưu tiên mục tiêu sử dụng dài hạn; ưu tiên dữ liệu có thể dùng cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau.

Đối với vấn đề thu hút doanh các doanh nghiệp công nghệ thông tin vào xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ TTTT khẳng định: Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước. Tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/19/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử cũng đã đề ra các giải pháp, trong đó xác định: Đẩy mạnh triển khai hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần hoặc thuê trọn gói, bao gồm: Phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp... để cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khẩn trương hoàn thiện các quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT; tạo điều kiện đẩy nhanh thực hiện thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT trong các cơ quan Nhà nước, đặc biệt trong triển khai các dịch vụ công có thu.

Với các định hướng trên, trong thời gian tới, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng Chính phủ điện tử và hướng theo hình thức các cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ của doanh nghiệp. Thực tế, việc thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT đã được nhiều cơ quan Nhà nước tại các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện trong những năm qua như: Bộ Y tế, Hà Nội, Lào Cai, Đắk Lắk...; phạm vi thuê rộng cả về phần cứng, phần mềm, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin...

Hiện tại, Dự thảo Nghị định quy định quản lý đầu tư, mua sắm, thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT sử dụng vốn Nhà nước đang xin ý kiến của thành viên Chính phủ cũng đã dành 01 Chương để quy định về việc thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước. Như vậy, có thể nói, chính sách thu hút, mở cửa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNTT tham gia vào xây dựng Chính phủ điện tử đã được Chính phủ quan tâm và đang ngày càng được xây dựng đồng bộ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường CNTT cho Chính phủ theo hướng xã hội hóa, giúp thị trường trở nên minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Trong dự thảo Nghị định quy định quản lý đầu tư, mua sắm, thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT sử dụng vốn Nhà nước nói trên cũng đã quy định khuyến khích các cơ quan Nhà nước ưu tiên lựa chọn hình thức thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn chỉnh các quy định pháp luật, hoàn thiện hành lang pháp lý về thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước./.

Bích Lan