Đại biểu Quốc hội Lê Anh Tuấn
Về các nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ GTVT cho biết: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Khoản 2 Điều 39 của Luật Giao Thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008 của Quốc hội: Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ; Thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường quốc lộ do Bộ trưởng Bộ GTVT quy định; Thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 và Khoản 4 Điều 9 Nghị định 10/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Bộ GTVT chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý;
Triển khai Luật Phí và lệ phí, Luật Giá; ngày 11/11/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, trông đó quy định: Bộ trưởng Bộ GTVT quy định giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ gồm đường quốc lộ, đường cao tốc các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh… do trung ương quản lý; Ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ do địa phương quản lý các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh…;
Căn cứ các quy định của pháp luật và thẩm quyền nêu trên, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý bao gồm đường quốc lộ, đường cao tốc (sau đây gọi tắt là Thông tư 35). Mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ tại Thông tư 35 đã được Bộ GTVT ban hành theo đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, qua hơn một năm thực hiện, Bộ GTVT đã nhận được một số ý kiến của các cơ quan, đơn vị đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35 cho phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư theo hình thức PPP cũng như ban hành mức giá tối đa riêng cho một số công trình có tính chất đặc thù, chi phí đầu tư lớn, quy trình vận hành, khai thác phức tạp như cầu đường bộ, hầm đường bộ... Về nội dung này, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, tách riêng ra khỏi Biểu mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ tại Thông tư 35 để ban hành Biểu mức giá tối đa cho các công trình có tính chất đặc thù, quy mô và chi phí đầu tư lớn… Bộ GTVT đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35 và xin ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp dự án và các đối tượng tác động khác có liên quan. Toàn văn nội dung xin ý kiến và dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35 được đăng tải trên website của Bộ GTVT và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đang tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia để xây dựng, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35 đúng quy định của pháp luật./.