Xác định vị trí văn hoá – du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước
Khai thác những lợi thế sẵn có của địa phương, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung đưa du lịch trở thành thế mạnh kinh tế của tỉnh và phấn đấu là một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng và của cả nước bằng việc phát triển đa dạng các các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với du lịch văn hóa, tâm linh.
Em Vũ Thị Hồng Thuý, Quận Đống Đa, thành phố Hà Nội bày tỏ: Em đã đến đây gần 10 lần rồi và ở đây khí hậu rất tốt. Hiện tại, nơi này đang phát triển, em nghĩ đây sẽ là một nơi mà mọi người rất thích đến. Em thích nhất là khí hậu trong lành, mát mẻ. Chắc chắn em sẽ quay lại đây nhiều lần nữa.
Ông Nguyễn Hữu Mai, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề cây xanh, vườn hoa, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch, dịch vụ bền vững. Chúng tôi mong muốn phát triển nguồn nhân lực du lịch trong tương lai một cách bài bản, chuyên nghiệp, đảm bảo sản phẩm du lịch, những loaị hình du lịch mở rộng thêm như du lịch cộng đồng, du lịch homestay, du lịch nhóm, để người dân, du khách đến với Tam Đảo thực sự được trân trọng, muốn quay trở lại.
Để đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chủ trương chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa cũng như huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh, các thành phần kinh tế đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tạo và đầu tư nâng cấp các công trình văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; phát triển du lịch văn hóa và sinh thái làm trọng tâm. Đồng thời phát triển các tour, tuyến gắn với nâng cao chất lượng phục vụ các điểm du lịch, đào tạo và hình thành đội ngũ cán bộ quản lý du lịch, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này…
Ông Dương Quang Ứng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng giao cho các ngành, Sở Văn hoá,thể thao và Du lịch phối hợp giải quyết dứt điểm các dự án đang vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đất sạch cho các nhà đầu tư vào. Tập trung đầu tư các khách sạn ,nhà hàng đặc biệt như: Tam đảo 2, khu FLC Vĩnh Thịnh và khu vực Hồ Thanh Lanh có nhà đầu tư vào lập đề án động thổ và khởi công.
Du lịch văn hóa miền quan họ Bắc Ninh (Việt Nam )
Nhờ những việc làm thiết thực, hiện nay du lịch đã góp phần tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm, cải thiện đời sống văn hoá cho người dân. Đồng thời, thay đổi diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần của địa phương nơi du lich phát triển nhờ sự đầu tư, sự quan tâm mạnh mẽ, sự hỗ trợ lớn của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, cũng như các địa phương.
Luật Du lịch năm 2005, luật du lịch sửa đổi năm 2017 đã nêu ra, tức là phải xã hội hoá, tập hợp tất cả các nguồn lực phát triển nguồn lưc xã hội, liên kết doanh nghiệp, địa phương, thu hút nguồn xã hội hoá thực hiện được bốn mục tiêu: Nghiên cứu cơ chế chính sách phát triển du lịch một cách phù hợp, đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch mới. Chung tay, chung sức từ quỹ phát triển du lịch, tạo sức bật mới trong sự phát triển, đề cao vai trò của Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch nhằm sâu chuỗi giữa các bộ ngành, các địa phương, các doanh nghiệp khác nhau tạo sức mạnh du lịch.
Sau hơn 30 năm đổi mới, sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Văn hóa phát triển đa dạng, phong phú, nhiều hoạt động văn hóa, nhiều di tích văn hóa được tôn vinh, các lễ hội được tổ chức; xuất hiện nhiều loại hình, loại thể, các hoạt động văn hóa mới, có khả năng chiếm lĩnh các mặt khác nhau của đời sống xã hội. Khi đã xác định du lịch là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực phát triển các ngành khác thì cần đặt du lịch ở vị trí xứng đáng, trung tâm và có sự đầu tư tương xứng cả về nhân lực và vật lực.
Vẻ đẹp nét sinh hoạt văn hóa dân tộc vùng cao ( Việt Nam )
Đảng ta một lần nữa khẳng định văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển, không chỉ là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội mà là sự phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc, là một trong bốn trụ cột của phát triển bền vững, có vị trí ngang với kinh tế, chính trị và xã hội.Từ đổi mới đến nay, các văn kiện của Đảng luôn nhất quán khẳng định: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người là nhiệm vụ quan trọng.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho rằng: Mối quan hệ giữa văn hoá và con người là mối quan hệ biện chứng, xây dựng văn hoá để phát triển con người, phát triển con người để xây dựng văn hoá, đó là những nhận thức hết sức đúng đắn để chúng ta phát triển văn hoá và phát triển con người trong thời gian tới. Những chuyển biến về nhận thức và những chính sách của Đảng ta đã đi vào thực tiễn. Chúng ta thấy rằng hiện nay, trên thực tế, đã có những biểu hiện cụ thể của con người Việt Nam. Trên trường quốc tế, chúng ta đã có rất nhiều thành tựu, các giải thưởng, các chứng nhận hoặc những thành công của con người Việt Nam trong nước và trên trường quốc tế chứng minh rằng quá trình xây dựng của đất nước đã có những thành tựu nhất định.
Giải pháp đầu tư cho văn hóa tương xứng với kinh tế và khẳng định vị trí du lịch trong sự phát triển đất nước
Thực tiễn xây dựng văn hóa hơn 30 năm qua cho thấy việc xác định bốn lĩnh vực quan trọng sẽ tạo ra diện mạo và chất lượng mới của văn hóa đất nước là: Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú gắn với đời sống văn hóa cơ sở; tạo các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật đỉnh cao của dân tộc ở thời kỳ hiện đại; những công trình văn hóa lớn, tiêu biểu đánh dấu bước phát triển của đất nước và quy tụ tất cả các hoạt động văn hóa vào nhiệm vụ nuôi dưỡng, xây đắp con người Việt Nam kế tục xứng đáng truyền thống và những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Trong bối cảnh môi trường thiên nhiên và văn hoá xã hội còn nhiều bất cập, xuống cấp. Văn hóa ứng xử đối với môi trường thiên nhiên và xã hội cần được coi trọng, trong đó có về vấn đề du lịch bền vững, nhiều địa phương chưa xác định vị trí của văn hoá – du lịch là nền tảng, mục tiêu và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Trước thực tế đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Nội dung chất vấn của đại biểu nêu rõ: “Chúng tôi rất cám ơn Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hai lần trả lời trực tiếp rất thuyết phục bằng văn bản về đảm bảo đầu tư cho văn hoá tương xứng với phát triển kinh tế và những giải pháp đột phá xây dựng con người có văn hoá trong tình hình hiện nay khi mà văn hoá tăng trưởng mạnh nhưng đạo đức văn hoá còn nhiều bất cập, xuống cấp. Thủ tướng cũng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội quan tâm hơn nữa, đảm bảo đầu tư cho văn hoá ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng kết luận 30 ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Hội nghị Trung ương lần thứ X. Chúng tôi, đại diện cho cử tri ngành văn hoá, thể thao và du lịch rất phấn khởi, tin tưởng. Xin được hỏi Thủ tướng trong thời gian tới là khi nào, liệu trong nhiệm kỳ này của Thủ tướng, tư tưởng, ý chí chiến lược trên của Đảng và Thủ tướng có được thực hiện không? Và sẽ thực hiện như thế nào để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước?”
Ngay sau khi đại biểu chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có phần giải trình trước Quốc hội. Thủ tướng khẳng định: Ngay từ Đề cương văn hoá năm 1943 của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, vấn đề văn hoá đã được đặt ngang hàng với chính trị và kinh tế. Trong suốt quá trình giải phóng dân tộc tới công cuộc xây dựng CNXH, Đảng, Chính phủ và Nhà nước đều quan tâm và có Nghị quyết về phát triển văn hoá. Từ Hội nghị thứ X đến Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vấn đề phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đều nêu vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hoá. Đặc biệt, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, cho thấy sự quan tâm hơn của Nhà nước đối với văn hoá – du lịch.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng cho biết: “Cần phải dành nguồn lực cho phát triển văn hoá, ý đại biểu là phải dành một khoản kinh phí cần thiết cho văn hoá khoảng 1,7 % tới 1,8% theo Nghị quyết của Trung ương. Không có những biện pháp cụ thể thì khó phát triển, giữ gìn văn hoá, không chỉ phát triển kinh tế mà cần phải giữ gìn văn hoá. Trong thời đại kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, không chỉ dành nguồn lực cho văn hoá mà cần phải gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như chúng tôi đã nêu, nhất là văn hoá học đường, văn hoá ứng xử, kể cả văn hoá nghị trường mà chúng ta đang mong mỏi. Quốc hội, nhân dân, mọi cơ sở, cơ quan, đơn vị cần có văn hoá trong quá trình phát triển chung của đất nước.”
Qua phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ có thể thấy Chính phủ đã nhìn nhận được vấn đề và có những giải trình cụ thể liên quan tới giải pháp đầu tư cho văn hoá tương xứng với kinh tế cũng như xác định vị trí của văn hoá, du lịch trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời đại kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, không chỉ dành nguồn lực cho văn hoá mà cần phải gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc trong quá trình phát triển chung của nước nhà.
Vậy giải pháp cụ thể, thể hiện sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ cũng như các địa phương sẽ được thực hiện như thế nào? Đại biểu kỳ vọng gì vào những giải pháp thực tế của Chính phủ đưa ra trong thời gian tới? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Phóng viên: Xuất phát từ thực tế như thế nào, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, đại biểu có nội dung chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ?
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Từ Nghị quyết đến thực hiện, nó cũng có một độ trễ, nhiều vấn đề chưa được triển khai thực hiện. Có thể nói, văn hoá cần phải phát triển ngang hàng với kinh tế, ngang hàng với chính trị. Tuy nhiên, thực tế văn hoá không được quan tâm, không được đầu tư. Đây không phải là chỉ đầu tư về tiền bạc, kể cả đầu tư con người, đầu tư nhận thức, đầu tư tư tưởng để phát triển văn hoá xứng tầm. Chính vì vậy, văn hoá, xã hội cũng có những bất cập trong thời gian vừa qua. Xuất phát từ những vấn đề như thế, chúng tôi phải nêu lên một việc là chúng ta cần phải triển khai, tổ chức thực hiện làm sao để văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực, muốn du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn thì phải có những giải pháp, với những đầu tư tương thích.
Tôi khẳng định: Đây không phải là vấn đề mới, điều cần quan tâm là chúng ta đưa những Nghị quyết của Đảng, đưa chủ trương, tư tưởng lớn đó vào hiện thực như thế nào và phải có một chương trình hành động phù hợp với thực tiễn.
Phóng viên: Ngay sau câu hỏi chất vấn của Đại biểu, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp trả lời chất vấn của Đại biểu. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Thủ tướng Chính phủ?
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Câu trả lời của Thủ tướng, chúng tôi thấy rất thuyết phục và chúng tôi thấy rằng trong những bài phát biểu, trong những chỉ đạo định hướng của mình, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu ra và cũng bày tỏ cũng như thể hiện một sự quyết tâm, mong muốn để văn hoá – con người Việt Nam được phát triển. Cần có những giải pháp, những bước đi, những chương trình cụ thể để văn hoá thực sự vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực nội sinh phát triển bền vững đất nước. Và chúng tôi kỳ vọng như ý kiến trả lời của Thủ tướng, từ năm 2021 thì chi ngân sách nhà nước cho văn hoá không thấp hơn 1,8%.
Phóng viên: Trong nội dung trả lời chất vấn, Đại biểu có đánh giá gì về các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề như đại biểu nêu trong đầu tư cho văn hoá, xác định vị trí của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước?
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Các giải pháp của Thủ tướng Chính phủ cũng như Chính phủ về xây dựng con người mới, về giải pháp đột phá phát triển văn hoá nêu ra nhiều. Tôi thấy tất cả những giải pháp và các vấn đề nêu ra thuyết phục và tôi thực sự quan tâm nhất tới giải pháp căn cơ, đó là giải pháp xây dựng và phát triển con người Việt Nam: Phát triển văn hoá và xây dựng con người Việt Nam có tri thức. Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra: Chúng ta phải quan tâm tới vấn đề giáo dục văn hoá. Khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu du lịch đóng góp 10 % GDP, tạo ra 4 triệu việc làm, là ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ.
Cá nhân tôi nghĩ những mục tiêu đó hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng quan trọng là giải pháp chúng ta thực hiện mục tiêu đó như thế nào? Và quyết tâm, không phải là quyết tâm của Đảng mà là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quyết tâm và nỗ lực của những cán bộ làm trong ngành du lịch như thế nào để có thể đạt được mục tiêu đó.
Phóng viên: Trong báo cáo những năm qua, Chính phủ không nêu ra phần trăm tăng trưởng đóng góp của du lịch cho GDP, cho phát triển kinh tế - xã hội như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ mà lại đưa ra phần trăm tăng trưởng của khách quốc tế. Theo Đại biểu, vấn đề còn tồn tại ở đây là gì?
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Đóng góp của du lịch đối với địa phương, tăng trưởng như thế nào hoặc Chính phủ tức là Tổng cục thống kê không tính được phần trăm đóng góp của du lịch cho GDP, cho kinh tế - xã hội như thế nào? Chúng tôi mong muốn phải tính được ra phần trăm đóng góp đó. Căn cứ vào đó để Chính phủ đưa ra những hoạch định, những cơ chế, chính sách phát triển, thu hút dòng khách du lịch cũng như những loại hình, sản phẩm du lịch thu hút đầu tư phù hợp và hiệu quả hơn. Tức là Chính phủ cũng nên tính được phần trăm như nông nghiêp, công nghiệp, dịch vụ cũng như đưa ra được những định hướng, những kế hoạch và những giải pháp được phù hợp hơn.
Thêm vào đó, nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao. Các cơ chế, chính sách phát triển du lịch chưa đủ mạnh, thiếu tính kịp thời và đột phá để du lịch phát triển theo đúng bản chất của một ngành kinh tế vận hành theo những quy luật của kinh tế thị trường. Là một ngành kinh tế thì phải chỉ đạo điều hành theo quy luật kinh tế với tư duy và phương pháp của khoa học kinh tế. Nguyên nhân tiếp theo là hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương còn nhiều bất cập và hạn chế, du lịch chưa được tạo điều kiện và đặt đúng vị trí cần có, tương xứng với đòi hỏi khách quan của một ngành kinh tế mũi nhọn. Sự phối hợp liên vùng, liên ngành hiệu quả còn thấp, thiếu vai trò nhạc trưởng, điều phối chung. Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch hoạt động chưa thường xuyên, chưa phát huy được hết hiệu quả, vai trò, hiệu lực của cơ quan chỉ đạo tập trung cao nhất về du lịch ở tầm quốc gia. Ở đây đặt ra vấn đề cần phải tăng cường sự tham gia, đồng hành phối hợp giám sát của Quốc hội với Ban Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan đến du lịch trong việc ban hành chính sách, phản biện và giám sát thi hành luật.
Phóng viên: Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra những mục tiêu cao, thách thức lớn đối với ngành du lịch, đến năm 2020, mục tiêu du lịch đóng góp trên 10% GDP tạo ra 4 triệu việc làm và cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quan điểm của Đại biểu để thực hiện mục tiêu này?
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Để cho du lịch của một quốc gia như Việt Nam hoặc bất cứ một địa phương nào phát triển, thì chúng ta phải tập trung, chú trọng tới 04 nội dung chính, 04 cái giải pháp lớn.Thứ nhất là phải có những cơ chế chính sách đột phá, mạnh mẽ, để có thể phát triển, tạo thuận lợi tối đa cho ngành du lịch cũng như cho địa phương mong muốn du lịch phát triển.
Vấn đề thứ hai là phải đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, cơ bản, có nghề để làm sao đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành du lịch. Phát triển theo hướng bền vững, có chất lượng, song song với vấn đề tăng trưởng khách như hiện nay, mà chúng ta đang chú trọng. Vấn đề thứ ba là phải xây dựng được những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc thù, có tính thu hút và đồng thời có những sản phẩm du lịch có những đóng góp lớn cho kinh tế, địa phương nơi khách du lịch đến. Một mình ngành du lịch không thể nào đứng ra làm được, nếu chúng ta coi du lịch là dư địa phát triển lớn mà chẳng cần đầu tư gì thì nó cũng phát triển, nhưng là phát triển rất chậm chạp, rất từ từ theo phép cộng. Khi chúng ta muốn đạt được mục tiêu như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị nêu ra thì chúng ta cần có những cơ chế đặc thù, chính sách đột phá để làm sao tạo ra cho du lịch có sức bật mới, để có thể phát triển phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, của Đảng phù hợp với tiềm năng, thế mạnh cũng như là mong đợi của nhân dân.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu.
Ở Việt Nam, công nghiệp văn hoá mới chỉ ở mức sơ khai, chưa chuyên nghiệp, nhiều lợi thế tiềm năng có thể tạo ra được lợi nhuận lớn đã không được khai thác. Nguồn thu kinh tế từ văn hoá cũng chưa được bao nhiêu, sự thiếu chuyên nghiệp và lãng phí tiềm năng như Đảng ta khẳng định: Văn hoá là nguồn lực, chiến lược để phát triển đất nước trong thế kỷ XXI. Văn hóa là nhân tố, là trụ cột tạo nên sự phát triển bền vững của dân tộc. Theo đại biểu Quốc hội cần có cơ chế, chính sách đột phá, mang tính chất đặc thù thì mới tạo ra sức bật cho văn hoá cũng như ngành du lịch, thu hút người tài, quảng bá xúc tiến, xây dựng sản phẩm du dịch, thị trường khách du lịch để tăng thu cho ngành. Hơn lúc nào hết, văn hóa cần được coi là một đột phá chiến lược cùng ba đột phá trên lĩnh vực kinh tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng, tạo ra sức mạnh tổng thể để phát triển. Nói cách khác, đột phá về kinh tế, xét đến cùng là bắt đầu từ văn hóa với ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn. Vì vậy việc tăng mức đầu tư cho văn hoá lên 1,8% như kiến nghị của Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng là hoàn toàn có cơ sở thực hiện./.