ĐBQH MAI THỊ ÁNH TUYẾT: CẦN SỚM THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP KHI TIẾP CẬN ĐẤT ĐAI THÔNG QUA VIỆC NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, THUÊ ĐẤT

25/04/2020

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) có ý kiến đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tháo gỡ thực trạng khó tiếp cận đất đai của doanh nghiệp thông qua việc nhận quyền sử dụng đất, thuê đất và các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

 

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang)

Trả lời ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành thì doanh nghiệp được tiếp cận đất nông nghiệp thông qua các hình thức: Nhà nước thu hồi đất để cho doanh nghiệp thuế đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, hải sản tập trung quy định tại điểm d khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai; Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của người sử dụng đất, trừ trường hợp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất từng phòng hộ theo quy định tại Điều 191 Luật Đất đai; Thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp của người sử dụng đất; Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Liên kết, hợp tác với người sử dụng đất để cùng góp đất nông nghiệp, tài sản khác, công sức để cùng tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm nhưng không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Thực tế triển khai hiện nay, việc tiếp cận đất nông nghiệp của doanh nghiệp chủ yếu là thông qua hình thức thuê quyền sử dụng đất; liên kết, hợp tác với người sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các ĐBQH

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn gặp những khó khăn, vướng mắc như người nông dân, đặc biệt là nông dân ở các tỉnh phía Bắc vẫn coi đất đai như là vật bảo hiểm lâu dài nên họ không cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Đất nông nghiệp được giao ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân theo hướng chia đều có ruộng tốt, ruộng xấu nên rất manh mún. Để có diện tích đất nông nghiệp có quy mô tập trung để tổ chức sản xuất thì doanh nghiệp phải tiến hành thỏa thuận với rất nhiều chủ sử dụng đất; Quy định của Luật Đất đai còn hạn chế doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa;...

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong tập trung, tích tụ đất đai cho tổ chức sản xuất nông nghiệp, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai để tổ chức sản xuất nông nghiệp nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 12 năm 2019.

Nội dung dự thảo tập trung quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, đặc biệt là các quy định nhằm khuyến khích các hình thức tập trung đất đai thông qua hình thức thuê quyền sử dụng đất của người nông dân; liên kết, hợp tác với người sử dụng đất để tổ chức sản xuất và hình thành chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt cung ứng đầu vào vật tư, giống và đầu ra sản phẩm, quy định chính sách bảo đảm quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân khi họ tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp,... Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể trách nhiệm các bên (Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất) khi tham gia thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác