ĐẠI BIỂU LÊ CÔNG NHƯỜNG CHẤT VẤN BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ GIẢI PHÁP XỬ LÝ THÔNG TIN “XẤU, ĐỘC”

27/04/2020

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về biện pháp quyết liệt xử lý thông tin xấu, độc trên các trang mạng xã hội.

 

Vấn nạn tin giả, tin độc hại

Khi mạng xã hội phát triển, bên cạnh những mặt tích cực như tốc độ chia sẻ, lan truyền thông tin một cách nhanh chóng, thì đồng thời cũng kéo theo nạn tin giả, tin xấu, độc… gây hệ lụy khó lường.

Có không ít vụ việc đăng tải thông tin giả mạo, thông tin thất thiệt đã làm ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội. Bức xúc trước hiện tượng này, ông Lưu Huy Vinh, cử tri tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội cho biết, những ngày qua, thông tin về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra luôn được cơ quan chức năng cập nhật. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận, bức xúc cho người dân. Thực tế, thời gian qua nạn tin giả, tin xấu, độc sai sự thật về dịch virus Corona cũng được các ngành chức năng đẩy mạnh xử lý ở nhiều địa phương.

Ông Lưu Huy Vinh, cử tri tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội 

Trước đó, tin giả, tin thất thiệt cũng đã “tung hoành” trên mạng xã hội, nhất là ở các vụ việc nóng, được dư luận xã hội quan tâm. Đơn cử như vụ việc bé trai 6 tuổi bị tử vong trên xe đưa đón học sinh của Trường Tiểu học Gateway. Trong khi các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc điều tra thì trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin suy diễn, sai sự thật về vụ việc. Thậm chí, một số tài khoản Facebook còn tung tin đồn thất thiệt về việc tài xế lái xe đưa đón đã tự tử… Nghiêm trọng hơn một số tài khoản còn “giả mạo văn bản của TP Đà Nẵng nhằm tạo “sốt đất”, giả mạo thông báo của Cục Hải quan bán xe thanh lý, phát tán thông tin không chính xác về dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương... Đáng nói, dù là tin thất thiệt song ngay khi xuất hiện, nó đã được lan tỏa theo cấp số nhân, thu hút hàng trăm nghìn lượt người theo dõi, chia sẻ, bình luận.

Xử phạt đối với hành vi đăng tin sai sự thật 

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về tin giả, động cơ của tin giả là vì tiền, vì lý do chính trị, làm rối loạn xã hội, làm mất uy tín báo chí chính thống hoặc vui đùa quá trớn. Đặc biệt, tin giả ngày càng được thực hiện một cách tinh vi, chuyên nghiệp. Trong đó, các đối tượng tung tin giả thường dựa vào những sự kiện thời sự nóng bỏng để bịa đặt thông tin; từ câu chuyện thật nhưng giật tít sai sự thật, nội dung khác đi.

Theo số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Tập đoàn Bkav cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hàng ngày. Không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước. Các chuyên gia an ninh mạng của Bkav phân tích, bản chất của việc tin tức giả mạo tràn lan cũng tương tự như sự lây lan của virus máy tính, đó là tấn công vào sức đề kháng của người dùng.

Công tác quản lý thông tin điện tử

Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội từ cuối năm 2013 đến nay (thời điểm Nghị định số 72/2013/NĐ-CP có hiệu lực), tổ chức, doanh nghiệp muốn hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp hay mạng xã hội đều phải có giấy phép. Đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép sẽ do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ hoặc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp. Giấy phép thiết lập mạng xã hội do Bộ cấp. Khi hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp hay mạng xã hội, tổ chức, doanh nghiệp đều phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về: Kỹ thuật, hoạt động quản lý thông tin, tổ chức nhân sự, tên miền… được quy định cụ thể tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, tổ chức, doanh nghiệp khi hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đều phải tuân thủ quyền và trách nhiệm được quy định cụ thể tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP. Đồng thời người sử dụng mạng xã hội cũng phải tuân thủ quyền và trách nhiệm được quy định tại 02 Nghị định này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: kết quả đạt được trong công tác quản lý đó là: Đã dần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý; Có sự phân cấp quản lý, tăng tính chủ động của địa phương; Hầu hết các trang thông tin điện tử có lượng truy cập lớn chấp hành tương đối tốt các quy định pháp luật; Đã xây dựng được cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam để kịp thời xử lý những hành vi vi phạm; Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính được tiến hành thường xuyên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể: Còn một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hoạt động nhưng không có giấy phép. Một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tập trung trích dẫn những thông tin về những tiêu cực, mặt trái xã hội, tạo cảm giác u ám, bất an, không phản ánh đúng hiện thực xã hội. Một số doanh nghiệp có dấu hiệu thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp lách luật, liên kết với cơ quan báo chí để hoạt động giống như báo chí, dẫn đến tình trạng “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp. Một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, trích dẫn các tác phẩm khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm. Đồng thời, chưa ngăn chặn được triệt để tình trạng các tài khoản giả mạo, tài khoản ảo tung thông tin giả mạo, thông tin vi phạm pháp luật lên mạng xã hội nước ngoài. Công tác đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài để buộc tuân thủ luật pháp Việt Nam đã có những kết quả bước đầu, nhưng gặp rất nhiều khó khăn, do các Công ty nước ngoài như Facebook, Google chưa tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp

Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật như: Tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý Internet và thông tin trên mạng. Các văn bản quy phạm pháp luật gồm: Luật An toàn thông tin mạng được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2015; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày 19 tháng 8 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội; Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.  Từ năm 2016 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

Trong trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng cung cấp thông tin vi phạm các quy định hiện hành thì tuỳ theo mức độ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời thông qua việc xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp kỹ thuật, áp dụng theo quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền...

Trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook,... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT.

Bộ Thông tin và Truyền thông còn tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các công ty truyền thông, quảng cáo lớn trong nước nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, nhất là hoạt động quảng cáo trên các trang mạng nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook và Google, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo. Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet và mạng xã hội; phê phán các hành vi sai phạm khi sử dụng mạng xã hội; vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng Internet và mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; làm rõ những hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật Việt Nam của các trang mạng nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, đặc biệt là Google và Facebook.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, Bộ đã chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Google và Facebook, buộc 02 doanh nghiệp này phải cam kết và nghiêm túc triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin phản động, xấu độc trên hai mạng xã hội này khi có yêu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ về kỹ thuật nhằm xử lý các nguồn phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước..., cụ thể đã chỉ đạo, điều phối các ISP tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống kỹ thuật “chặn lọc” thông tin trên mạng Internet để đồng bộ điều phối các ISP về mặt kỹ thuật, thống nhất ngăn chặn các nguồn phát tán thông tin vi phạm.

Cần xử lý nghiêm việc đưa thông tin sai sự thật

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Đồng tình và đánh giá cao những giải pháp do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra. Đại biểu Lê Công Nhường cho rằng, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội là một vấn nạn cần sớm được ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, tránh những hệ lụy khôn lường.

Phóng viên: Được biết trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ông đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Vậy, nội dung chất vấn được tập trung vào những khía cạnh nào thưa đại biểu?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Thực hiện Chương trình Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về nội dung liên quan đến công tác quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng. Tại phiên chất vấn này, tôi đã chất vấn Bộ trưởng về những giải pháp quyết liệt nhằm xử lý triệt để tình trạng nhiều trang mạng xã hội đưa thông tin xấu, độc.

Phóng viên: Xuất phát từ lý do nào đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng về nội dung nêu trên?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Hiện nay người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông mà nhiều người gọi là báo chí nhân dân, trong đó có nhiều trang mạng xấu, độc, nhưng cũng có một lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác dụng xấu đến đời sống xã hội. Có thể nói thông tin giả nhưng hậu quả là thật, vì vậy vấn này cần sớm được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh.

Phóng viên: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có phần trả lời trước nghị trường Quốc hội. Vậy đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Đối với vấn đề tôi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có phần trả lời tương đối đầy đủ và thuyết phục. Bộ trưởng cho biết, tin xấu, độc trên mạng xã hội là một câu chuyện mang tính toàn cầu. Không chỉ riêng nước ta mà cả thế giới đang phải đối diện với vấn đề tin sai sự thật, tin xấu trên mạng xã hội. Trên cơ sở phân tích thực trạng, Bộ trưởng đã chỉ ra nhiều giải pháp cụ thể để ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng thông tin xấu, độc hại trên môi trường mạng từ  giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức đến các giải pháp về mặt kỹ thuật. Tôi tin tưởng rằng với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp như Bộ trưởng đã nêu sẽ sớm xử lý, ngăn chặn được những thông tin xấu, độc hại.

Phóng viên:  Đại biểu có đề xuất thêm giải pháp như thế nào để để khắc phục bất cập hiện nay, tránh tình trạng bị động, chạy theo xử lý hậu quả?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Hiện nay, lĩnh vực quản lý của hầu hết các bộ, ngành đều được cung cấp trên mạng thông qua ứng dụng chuyên ngành, như: mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khám chữa bệnh trực tuyến, giáo dục - đào tạo trực tuyến,... Do đó, việc quản lý hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin, dịch vụ trên mạng liên quan đến nhiều bộ, ngành. Vì vậy, để việc quản lý nội dung, dịch vụ trên mạng một cách hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ và phân công trách nhiệm cụ thể giữa các bộ, ngành có liên quan. Bên cạnh đó, người dùng mạng xã hội cần xây dựng cho mình khả năng “đề kháng” trước các thông tin giả mạo, cần kiểm chứng khi nhận được thông tin từ nguồn không tin tưởng. Nếu không trang bị được sức “đề kháng” tốt, gặp thông tin giả mạo người đọc sẽ dễ dàng tin tưởng, thậm chí còn chia sẻ gây ra những hậu quả khôn lường.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Tin giả trở thành một vấn nạn nhức nhối, đáng báo động tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội. Vấn nạn này và cách ứng phó ra sao, đã nhiều lần được đề cập trên nghị trường Quốc hội. Đại biểu và cử tri kỳ vọng với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai thì vấn nạn này sẽ sớm được ngăn chặn và xử lý nghiêm minh./.

Lê Anh