ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH CHẤT VẤN BỘ Y TẾ VỀ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ, MÔI TRƯỜNG NƯỚC SÔNG, HỒ Ở HÀ NỘI

29/04/2020

Bộ Y tế nhận được yêu cầu trả lời chất vấn của Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh- Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về một số nội dung liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, kể từ khi vụ cháy nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông (tháng 8/2019) đã đạt mức nguy hại cao nhất cho sức khỏe con người.

Trước thực trạng trên, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Bộ Y tế cho biết vì sao Bộ Y tế không phối hợp với Hà Nội kiểm tra thực trạng tình hình, sớm khuyến cáo, hướng dẫn cho nhân dân trong công tác bảo vệ sức khỏe để góp phần an dân? Giải pháp của Bộ để góp phần phòng chống ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nước sông, hồ nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong trường hợp ô nhiễm không khí nguy hại xảy ra, người dân cần phải làm gì? Mua các thiết bị y tế bảo vệ sức khỏe nhân dân ở đâu và như thế nào?

Trả lời chất vấn của Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh về việc phối hợp với Hà Nội kiểm tra thực trạng tình hình, khuyến cáo, hướng dẫn cho nhân dân trong công tác bảo vệ sức khỏe và hướng dẫn người dân dự phòng, bảo vệ sức khỏe trước tác động của ô nhiễm không khí, Bộ Y tế cho biết, việc quan trắc, theo dõi tình hình, cảnh báo và xử lý ô nhiễm không khí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.


 Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh- Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Ngay từ khi nhận được thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chất lượng không khí tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có những thời điểm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Môi trường Y tế và các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp xây dựng Hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí. Đồng thời, ngày 10/10/2019, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã có Công văn số 1447/MT-SKHC chỉ đạo Sở Y tế thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện một số nhiệm vụ:

Thứ nhất: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tại địa phương tổ chức đánh giá tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân để triển khai các biện pháp phù hợp bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thứ hai: Phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông và các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân trên địa bàn các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe trước các ảnh hưởng của ô nhiễm không khí

Thứ ba: Căn cứ vào khuyến cáo của Bộ Y tế để xây dựng hướng dẫn dự phòng bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí phù hợp với thực tế địa phương.

Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam tổ chức toạ đàm về ô nhiễm không khí và sức khoẻ nhằm cung cấp các thông tin, hướng dẫn, khuyến cáo cho người dân. Trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh triển khai hướng dẫn cho người dân trên địa bàn cho phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với đặc điểm khí hậu của địa phương.

Hiện nay không có khuyến cáo về việc sử dụng thiết bị y tế đối với người dân để phòng chống tác hại của ô nhiễm không khí mà việc sử dụng thiết bị y tế để bảo vệ sức khỏe (nếu có) sẽ được cơ quan y tế khuyến cáo theo từng trường hợp cụ thể. Đối với nội dung chất vấn về vai trò của Bộ Y tế trong việc phòng chống ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nước sông, hồ... để bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế khẳng định: Luật Bảo vệ môi trường quy định Bộ Tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường không khí, đất, nước. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế.

Để góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Bộ Y tế với trách nhiệm được giao là tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về quản lý chất thải y tế (Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015).

Bộ Y tế cũng đã có văn đề nghị các địa phương thực hiện rà soát các lò đốt chất thải y tế đang sử dụng, kiên quyết cho dừng sử dụng đối với các lò đốt không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí từ khí thải lò đốt. Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi và xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải y tế cho phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường trong tình hình mới.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường của địa phương và chỉ đạo tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn./.

Bích Lan

Các bài viết khác