ĐBQH HUỲNH THANH PHƯƠNG CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ VỀ GIẢI PHÁP SẮP XẾP LẠI CÁC TỔ CHỨC HỘI

14/05/2020

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, đã có chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về giải pháp căn bản để sắp xếp lại các tổ chức hội đặc thù...

Chất vấn của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, đề cập những giải pháp căn bản để sắp xếp lại các tổ chức hội đặc thù, tổ chức hội được thành lập theo Nghị định số 45 ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội nhằm từng bước tinh gọn về tổ chức và bộ máy hoạt động của các hội, giảm bớt ngân sách Nhà nước, biên chế mà hằng năm có hội Nhà nước phải phân bổ, tiến tới để các hội này hoạt động theo đúng tiêu chí tự nguyện, tự quản, tự chủ.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Việc sắp xếp lại hoặc sáp nhập, hợp nhất các hội phải thực hiện theo đúng Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng (gọi tắt là Kết luận số 102-KL/TW). Về tổ chức các hội không nhất thiết có hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương; Tiến hành rà soát và nghiên cứu để sát nhập một số hội có tính chất, chức năng, nhiệm vụ và nội dung hoạt động gần giống nhau và đảm bảo tuân thủ quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (Nghị định số 45/2010/NĐ-CP). Theo đó, việc sắp xếp lại hoặc sáp nhập, hợp nhất hội, trong đó bao gồm hội có tính chất đặc thù thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước và trên cơ sở đề nghị của ban lãnh đạo hội, được đại hội thông qua. Thời gian qua, một số địa phương đã thực hiện sắp xếp lại hoặc sáp nhập, hợp nhất các hội để từng bước tinh gọn tổ chức, bộ máy hoạt động của hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã có trường hợp chưa có sự đồng thuận, một số hội đã có văn bản kiến nghị, phản ánh gửi đến cấp có thẩm quyền.


Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh.

Ban Dân vận Trung ương đã chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ cùng các cơ quan liên quan tiến hành sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 102-KL/TW. Đến nay, đã có báo cáo Ban Bí thư, trong đó có nội dung liên quan đến việc sáp nhập, hợp nhất hội. Do đó, việc sáp nhập, hợp nhất hội phải thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật; tạo được sự đồng thuận của các hội và nên thực hiện đối với hội hoạt động không hiệu quả. Trường hợp chưa có sự đồng thuận của các hội, đề nghị các địa phương xem xét, chờ cấp có thẩm quyền cho ý kiến trên cơ sở kết quả 05 năm thực hiện Kết luận số 102-KL/TW.

Sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu tham mưu, hướng dẫn sáp nhập, hợp nhất các hội có tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ hoạt động gần giống nhau để thực hiện trong phạm vi cả nước. Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương VI khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn và Kết luận số 102-KL/TW, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng kết thực tiễn về tổ chức, hoạt động của hội, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2010/NĐ-CP nhằm không quy định hội có tính chất đặc thù; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động của hội; Nhà nước chỉ cấp, khoán, hỗ trợ kinh phí cho hội khi thực hiện nhiệm vụ được giao và không giao biên chế cho các hội; quy định cơ chế, chính sách phát huy vai trò của hội tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ về dự thảo Nghị định này; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2580/VPCP-TCCV ngày 01/4/2019 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về một số nội dụng của dự thảo Nghị định. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án Đánh giá về tổ chức, hoạt động của hội, các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của hội sau cấp phép để trình cấp có thẩm quyền. Sau khi về án được cấp có thẩm quyền thông qua, Bộ Nội vụ phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về hội để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hội và tổ chức, hoạt động của hội theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm./.

Bích Lan

Các bài viết khác