ĐBQH LÊ THU HÀ: KHÔNG NÊN QUY ĐỊNH ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ ĐẶC BIỆT DỰA TRÊN TỔNG VỐN ĐẦU TƯ

29/05/2020

Trong phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại đợt 1 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đã góp ý về một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật trước khi Quốc hội thông qua.

Quy định cụ thể về việc xác định giá trị vốn đầu tư làm căn cứ hưởng ưu đãi

Phát biểu tại hội trường góp ý về nội dung xác định giá trị đầu tư, đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai nêu rõ, vốn đầu tư và giá trị đầu tư thực tế của dự án là một vấn đề quan trọng cần được quy định rõ bởi nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhà đầu tư với Nhà nước thông qua các nghĩa vụ tài chính như: Ưu đãi miễn, giảm thuế, khấu hao, phí bảo lãnh đặt cọc khi thuê đất. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng trong quản lý đầu tư và theo đó là công tác quản lý thuế, đặc biệt, để khắc phục các vấn đề về chuyển giá, chuyển lợi nhuận để trốn thuế.

Đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu cho biết, dự thảo lần này mặc dù đã được chỉnh sửa, song chủ yếu mới tập trung quy định về giá trị đầu tư liên quan đến máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ tại Điều 45 theo hướng là nhà đầu tư tự xác minh giá trị đầu tư, trong trường hợp cần thiết thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ yêu cầu giám định độc lập đối với giá trị vốn đầu tư, chất lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tuy nhiên, Điều 3 khoản 23 định nghĩa “vốn đầu tư bao gồm tiền và các tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự”. Như vậy, tài sản của một dự án đầu tư không chỉ bao gồm các tài sản hữu hình như máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đi kèm thiết bị, mà còn bao gồm những tài sản quan trọng và giá trị lớn khác như bất động sản đất đai và đặc biệt là các tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ, quyền chuyển nhượng.

Theo đại biểu Lê Thu Hà, dự thảo luật vẫn còn để lại một khoảng trống chưa đề cập đến, liên quan đến các tài sản đầu tư không phải là máy móc, thiết bị và dây chuyền và như vậy chưa bao quát được toàn bộ các giá trị đầu vào của một dự án đầu tư như đất đai và các tài sản vô hình khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản tại Điều 15 giao Chính phủ hướng dẫn và quy định cụ thể về việc xác định giá trị vốn đầu tư để làm căn cứ hưởng ưu đãi phục vụ mục tiêu quản lý đầu tư và quản lý thuế. Quy định này sẽ góp phần tăng tính minh bạch, bình đẳng trong việc cấp ưu đãi đầu tư.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần quy định việc các doanh nghiệp trong thời gian hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan thuế. Quy định này sẽ giúp cơ quan thuế tiếp cận thông tin về kết quả hoạt động của doanh nghiệp để tiến hành xác minh khi cần thiết, tránh tình trạng như hiện nay, các doanh nghiệp trong giai đoạn được miễn thuế không phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp và không có sự quản lý cần thiết nhằm bảo đảm đối tượng hưởng ưu đãi thuế thực sự thực hiện các hoạt động đầu tư như cam kết.

Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào cuối khoản 15.6 nội dung sau: “Trong thời gian được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp như các đối tượng không được hưởng ưu đãi khác để cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ mục tiêu quản lý”. Cuối khoản 15.8 đề nghị bổ sung nội dung “Chính phủ quy định chi tiết điều này và cách thức xác định giá trị vốn đầu tư thực tế làm căn cứ áp dụng ưu đãi”.

Kiến nghị bỏ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt dựa trên tổng vốn đầu tư

Về vấn đề ưu đãi đầu tư, đại biểu Lê Thu Hà cho biết, dự thảo luật quy định ưu đãi đầu tư theo hướng áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm có thời hạn hoặc cả đời dự án, các ưu đãi được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng. Như vậy với một công ty có thể đồng thời có nhiều dự án hoặc cấu phần với các mức thuế suất thuế thu nhập được ưu đãi khác nhau. Đại biểu Lê Thu Hà cho rằng đây chính là cơ sở để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển giá, chuyển lợi nhuận từ dự án cấu phần đầu tư có mức thuế suất cao sang dự án cấu phần đầu tư có mức thuế suất thấp để trốn thuế. Việc chuyển giá, trốn thuế lại càng dễ dàng hơn khi luật cũng không có những quy định về việc xác định giá trị vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp. Đặc biệt dự thảo luật đã đưa thêm quy định về ưu đãi đặc biệt tại khoản 3 Điều 20 với mức ưu đãi rất lớn, tối đa thêm 50% so với các mức ưu đãi cao nhất trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và tiêu chí cơ bản để được hưởng ưu đãi đặc biệt là căn cứ trên tổng mức vốn đầu tư. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm về cơ sở thực tiễn và sự cần thiết phải áp dụng những ưu đãi đặc biệt này.

Đại biểu Lê Thu Hà bày tỏ lo ngại với quy định này sẽ tiếp tục gây ra sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, tạo điều kiện cho việc trốn thuế thông qua chuyển giá. Điều này cũng đi ngược với định hướng và xu thế chung hiện nay trong việc rà soát lại các luật thuế ưu đãi hiện hành. Vi phạm nguyên tắc là các quy định về thuế chỉ được đưa ra trong các luật thuế bao gồm cả các mức độ ưu đãi. Đồng thời có thể tạo cơ chế xin cho và không đúng thẩm quyền khi trao cho Chính phủ quyền quyết định việc áp dụng mức ưu đãi đặc biệt cho một số dự án cụ thể.

Về mặt chính sách, các ưu đãi này không gắn với các khoản mục đầu tư, mục tiêu và mức ưu đãi thuế có thể không tương xứng với mức đầu tư. Cùng với việc không có chính sách và biện pháp quản lý về giá trị vốn đầu tư thực tế như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp có thể hưởng lợi ngay cả khi họ không đầu tư trên thực tế.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)

Theo đại biểu, trong trường hợp thật sự cần thiết đưa ra các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt để thu hút đầu tư nước ngoài, đề nghị cần cân nhắc áp dụng các biện pháp ưu đãi thuế dựa trên chi phí như các nước đã bắt đầu áp dụng, ví dụ như khấu hao nhanh, tăng mức chiết trừ thu nhập chịu thuế. Cơ chế này đảm bảo rằng chỉ khi dự án đi vào thực hiện có đầu tư thực tế, có chi phí thực tế thì mới được hưởng ưu đãi, chống được hiện tượng đầu tư ảo và khai vống vốn đầu tư. Cơ chế ưu đãi thuế dựa trên chi phí này có thể được áp dụng thí điểm vào thời điểm thích hợp, cho phép Chính phủ nghiên cứu các quy định cụ thể bao gồm việc tính toán các hình thức và mức độ ưu đãi phù hợp. Việc áp dụng thí điểm cho một số dự án cụ thể sẽ tạo cơ sở cần thiết cho việc xây dựng quy định chung trước khi áp dụng đại trà.

Do đó, đại biểu kiến nghị bỏ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt dựa trên tổng vốn đầu tư và đưa nội dung ưu đãi bổ sung theo cách thức mới dựa trên chi phí thực tế vào khoản 20.3 như sau: “Căn cứ mục tiêu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định việc áp dụng thí điểm các hình thức ưu đãi đầu tư dựa trên chi phí gắn với các hạng mục đầu tư thực tế theo các mục tiêu vào lĩnh vực cần được khuyến khích, giúp giảm trừ nghĩa vụ nộp thuế, thu nhập doanh nghiệp và đẩy nhanh thu hồi chi phí đầu tư”.

Bổ sung một quy định về việc đánh giá ưu đãi đầu tư định kỳ

Về đánh giá đầu tư, đại biểu Lê Thu Hà đề nghị bổ sung một điều khoản quy định việc định kỳ đánh giá ưu đãi đầu tư. Theo đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính định kỳ thực hiện đánh giá hiệu quả của việc cấp ưu đãi đầu tư, bao gồm đánh giá tác động thực tế của việc cấp ưu đãi đầu tư dựa trên các chỉ tiêu, chi phí và lợi ích làm cơ sở hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư.

Đại biểu cho rằng, về lâu dài cần lượng hóa chi phí nhà nước bỏ ra cho ưu đãi đầu tư thông qua giảm số thu về thuế, thu về tiền sử dụng đất, thu tiền cho thuê đất và các ưu đãi tài chính khác để đưa vào ngân sách nhà nước như các hạng mục chi của ngân sách. Việc định kỳ đánh giá ưu đãi đầu tư và đưa chi phí ưu đãi đầu tư vào ngân sách là một thực tiễn tốt đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Cụ thể, đề nghị bổ sung vào Điều 71 nội dung sau: Định kỳ 3 năm thực hiện đánh giá định lượng chi phí và lợi ích của việc cấp ưu đãi đầu tư trên toàn quốc làm căn cứ điều chỉnh xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn với việc dự thảo lần này đã bổ sung thêm một điều khoản về ưu đãi hỗ trợ đầu tư, đặc biệt tại khoản 5 Điều 20 Chính phủ trình Quốc hội quyết định các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại luật này và các luật khác trong trường hợp cần khuyến khích phát triển một dự án đầu tư đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Do đó đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ về sự cần thiết của quy định này trong luật./.

Bảo Yến

Các bài viết khác