ĐBQH PHẠM ĐÌNH CÚC ĐÓNG GÓP MỘT SỐ Ý KIẾN HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

31/05/2020

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Phạm Đình Cúc- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp một số ý kiến hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

 

Đại biểu Phạm Đình Cúc cho ý kiến từ điểm cầu trực tuyến

Đại biểu Phạm Đình Cúc đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các ý kiến đóng góp tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu cơ bản thống nhất về phạm vi sửa đổi, bố cục, kết cấu và nội dung, tuy nhiên để đảm bảo luật được hoàn thiện, đi vào cuộc sống, dễ hiểu và dễ vận dụng, đại biểu có một số đóng góp như sau:

Về bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Điều 12 dự thảo luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (khoản 4, khoản 5 Điều 12). Vấn đề này đến nay vẫn đang có hai luồng ý kiến. Thứ nhất là tán thành dự thảo, thứ hai là không tán thành với dự thảo. Đại biểu ủng hộ việc thành lập Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Lý giải cho sự lựa chọn này, đại biểu phân tích: trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự, sự cần thiết trong công tác điều tra, xét xử tội phạm về tham nhũng, tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Theo đó, quy định của tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn, điều tra, các loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội về tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Theo quy định của luật, người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Đây là các đối tượng rất am hiểu về pháp luật, có kinh nghiệm trong việc điều tra, truy tố, xét xử, tiêu hủy chứng cứ và tài liệu. Do vậy, việc thành lập Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là rất cần thiết. Bởi vì đối với nhóm tội này khi cơ quan điều tra Viện kiểm sát tiếp nhận các tin báo tố giác thì có những việc cần phải giám định ngay trong bất kể thời gian nào. Nếu cơ quan giám định thuộc Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát có thể trưng cầu ngay, bởi vì nhóm tội rất am hiểu. Do vậy, rất cần thiết để trước mắt phục vụ cho hoạt động điều tra của cơ quan điều tra Viện kiểm sát, sau đó phục vụ cho việc truy tố, xét xử đối với một số vụ việc khi phải trả lại điều tra, vừa nhanh chóng, vừa kịp thời và vừa giữ bí mật và phù hợp với cơ cấu tổ chức. Hệ thống cơ quan điều tra hiện nay thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đều có tổ chức giám định tư pháp kỹ thuật hình sự hỗ trợ. Chính vì thế, đại biểu hoàn toàn thống nhất việc thành lập Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và chỉ thành lập ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các tỉnh là không thành lập, bởi vì mục đích chính là phục vụ cho cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Đối với quy định tại khoản 2 Điều 20, theo dự thảo trong trường hợp đặc biệt người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện không thuộc danh sách công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu, theo yêu cầu của các cơ quan thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là không chặt chẽ và dễ bị lợi dụng vì theo quy định người giám định và tổ chức giám định phải có quyết định công nhận và có danh sách đăng tải. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu để đảm bảo cho luật quy định thật chặt chẽ.

Đối với điểm a khoản 2 Điều 24 quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được trưng cầu, yêu cầu giám định phải phân công người có trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ phù hợp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, chịu trách nhiệm về năng lực chuyên môn của người đó. Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa sát, chưa cụ thể dễ áp dụng tùy tiện. Do đó, đại biểu đề nghị sửa lại là "phân công người giám định tư pháp có trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ phù hợp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định” và bỏ đoạn “chịu trách nhiệm về năng lực chuyên môn của người đó”./.

Hồ Hương

Các bài viết khác